Cứu Mẹ Trái đất

ANTĐ - Chạy đua tăng trưởng kinh tế, không ít quốc gia chẳng những phớt lờ mà còn tàn phá môi trường để phục vụ  mục tiêu phát triển kinh tế. Chính điều đó đang hủy hoại nhanh chóng Mẹ Trái đất - môi trường sống của con người.

Một em nhỏ đang nhặt rác tại đống rác thải sinh hoạt khổng lồ ở ngoại ô thành phố Panama của Panama

Phát biểu trong cuộc đối thoại liên kết hành động do Đại hội đồng LHQ chủ trì nhân Ngày Trái đất (22-4), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Nassir Abdulaziz Al-Nasser cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường sống trên Trái đất ngày càng trở nên cấp bách và giải pháp cho vấn đề là phải phát triển bền vững. Theo ông Al-Nasser, phát triển bền vững dựa trên cơ sở khoa học và mô hình phát triển mới sẽ giúp con người bảo vệ được hệ sinh thái Trái đất vốn đã quá tải vì phục vụ sự phát triển.

Trong cuộc đối thoại trên, nhiều ý kiến cho rằng phát triển kinh tế dựa trên các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững những năm qua đang phá hoại các nỗ lực của nhân loại tìm kiếm sự hài hoà với tự nhiên. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Al-Nasser cảnh báo, sự bền vững của cuộc sống trên Trái đất đã bị lâm nguy đến mức các quốc gia cần hành động khẩn cấp trên toàn cầu.

Tăng dân số đi kèm với tăng trưởng kinh tế và quá trình công nghiệp hóa hàng trăm năm đã tàn phá trầm trọng môi trường sinh thái của Trái đất. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng cảnh báo rằng hệ sinh thái thế giới vẫn bị đe dọa nghiêm trọng mặc dù Hội nghị cấp cao về Trái đất năm 1992 đã báo động các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững là mối đe dọa lớn nhất làm Trái đất mất khả năng đáp ứng nhu cầu sinh sống của con người.

Theo số liệu của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), thế giới đã tăng sử dụng từ 6 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên năm 1900 lên 49 tỷ tấn năm 2000 và hiện tại là 59 tỷ tấn. UNEP ước tính, vào năm 2050 thế giới sẽ tiêu thụ gấp ba lần lượng tài nguyên thiên nhiên so với mức tiêu thụ hiện nay, thời điểm dân số thế giới được dự đoán sẽ đạt 9,3 tỷ người. Các chuyên gia nhận định trong vòng 40 năm tới, để đáp ứng nhu cầu của hơn 9 tỷ người này, thế giới cần phải sản xuất một lượng thức ăn tương đương tổng lượng lương thực đã sản xuất trong 8.000 năm qua.

Chính vì sớm nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái Trái đất, Ngày Trái đất đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 22-4-1970 với sự tham gia của 20 triệu người trên thế giới. Năm 2009, LHQ đã quyết định lấy ngày 22-4 hàng năm là Ngày Trái đất, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cũng như hành động thiết thực bảo vệ môi trường trên khắp thế giới. Năm nay, ước tính có tới 500 triệu người của gần 200 quốc gia tham gia vào hoạt động này.

Thông qua những hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều người dân và chính phủ nhận thức sâu sắc rằng môi trường với tương lai nhân loại cũng quan trọng không kém phát triển kinh tế. Tại cuộc đối thoại do Đại hội đồng LHQ chủ trì, các ý kiến thống nhất cho rằng, tìm kiếm cách thức duy trì cuộc sống cũng như nhu cầu cấp thiết mà Trái đất cần hỗ trợ để có thể nuôi sống 7-9 tỷ người, cần phải đi đôi với việc bảo vệ bằng được hành tinh này. Đây là “chìa khóa” để nhân loại có thể tồn tại hài hoà với Trái đất.