Cứu hộ giao thông tư nhân: Cứ đợi đấy!

ANTĐ - Mùng 2 Tết, khi đang đi chúc tết ở quê, chiếc xe ô tô của anh Nguyễn Văn Hùng (ở khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) bị tụt bánh xuống ruộng tại địa bàn tỉnh Hưng Yên. Loay hoay mãi mà chiếc xe không nhúc nhích, anh Hùng gọi cứu hộ. Song đến hơn một ngày sau xe cứu hộ mới đến.

Nhu cầu nhiều, song năng lực công tác cứu hộ còn yếu

Vừa mất tiền vừa bực

 “Ngay sau khi xảy ra sự cố tôi gọi điện cho đơn vị cứu hộ ở Hà Nội thì họ trả lời sẽ đưa xe đến ngay. Qua nửa ngày chờ đợi, tôi gọi lại thì họ hẹn “do ngày tết nhân viên nghỉ nên sáng hôm sau mới có xe”. Không dám bỏ xe giữa đồng không mông quạnh, vợ chồng tôi chỉ còn nước mắc màn ngủ tại chỗ để trông xe. Tiếp tục chờ đợi qua vô số cuộc điện thoại, quá trưa hôm sau chúng tôi mới thấy bóng dáng chiếc xe cứu hộ. Tuy vậy, trên chiếc xe này lại dán lô gô của… một công ty khác, không phải đơn vị tôi đã gọi. Tôi thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Công ty kia không còn xe, họ phải nhờ xe của chúng tôi. Ngày tết, có xe đến cứu là tốt rồi, lại còn thắc mắc lắm chuyện. Ông không thích thì đây cũng không rỗi hơi…”. Thấy vậy, tôi đành im lặng. Sau khi đưa được chiếc xe lên trên đường, nhân viên lái xe yêu cầu tôi thanh toán 2 triệu đồng với lý do đường xa, ngày tết (trong khi đó giá chung với loại xe 5 - 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn với quãng đường ngắn dưới 10km, giá cứu hộ là 500.000đồng/cuộc hoặc 15.000đồng/km).

Có thể thấy khi ô tô ngày càng được sử dụng phổ biến thì tình trạng xe bị hư hỏng, bị tai nạn, cần đến sự giúp đỡ của lực lượng cứu hộ cũng tăng lên. Song, năng lực cứu hộ hiện nay của một số đơn vị tư nhân vừa yếu, vừa thiếu. Thông thường, khi có tai nạn giao thông xảy ra, các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các cơ quan quản lý cầu đường, chủ phương tiện phải liên hệ với các đơn vị cứu hộ để nhờ giúp đỡ. Các đơn vị tham gia cứu hộ thường là các chủ xưởng sửa chữa xe ô tô tư nhân, một số doanh nghiệp có các loại cẩu chuyên dụng. Tuy nhiên, khi có sự cố, không phải lúc nào yêu cầu của khách hàng cũng được đáp ứng. Đối với các trường hợp xe gặp nạn do thời tiết xấu, đường sá khó khăn, chủ phương tiện cứu hộ thường đưa ra các mức giá rất cao. Đã có không ít chủ xe khi gặp tai nạn đã phải chờ qua đêm, thậm chí vài ngày mới có xe cứu hộ. Nhiều trường hợp, người gặp sự cố phải móc hầu bao trả hàng triệu đồng cho đơn vị cứu hộ, dù họ chỉ trợ giúp có vài cây số.

Quản không nổi

Hiện nay những quy định về hoạt động, quản lí, cấp phép, mức giá của cứu hộ giao thông, dường như vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Ngoài một số xe cứu hộ của CSGT và thanh tra giao thông, thì hiện con số cụ thể về xe cứu hộ tư nhân chưa được thống kê chính xác. Lý giải về vấn đề này một cán bộ thuộc Đội Quản lý phương tiện cho biết, có thể, khi đăng kí, một số đơn vị chỉ ghi xe có cần trục, cần cẩu chứ không nói rõ xe cứu hộ.

Giám đốc một doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực cứu hộ tại Hà Nội thừa nhận: “Trước đây, khi mới đi vào hoạt động, trong giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp chỉ ghi: “Dịch vụ kỹ thuật đặc biệt đường bộ”. Khi cứu hộ trở thành ngành kinh doanh chính, chúng tôi mới sửa giấy phép kinh doanh thành “Cứu hộ giao thông”. Điều kiện để hoạt động vận tải cứu hộ giao thông cũng khá đơn giản: chỉ cần có bằng kỹ sư ô tô. Cũng bởi vậy, rất khó để xác định có bao nhiêu doanh nghiệp đăng kí hoạt động cứu hộ, và bao nhiêu xe hoạt động… Đó là chưa kể đến những garage nhỏ lẻ, chỉ xuất hiện và ra đường cứu hộ khi có thời cơ. Khi ô tô được sử dụng ngày càng nhiều thì công tác cứu hộ giao thông sẽ trở thành  vùng đất màu mỡ của nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, tôi rất mong cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm những đơn vị làm ăn theo kiểu thời vụ, kém chất lượng chẳng khác nào “con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Công ty TNHH Luật S&B, việc xây dựng những quy chuẩn trong lĩnh vực cấp phép, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của những đơn vị vận tải chức năng cứu hộ, cứu nạn cần được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn. Đây cũng chính là việc làm cần thiết để bổ sung vào các quy định trong lĩnh vực hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, tổ chức cứu nạn giao thông. Đó cũng là điều mà các doanh nghiệp cứu hộ làm ăn chân chính và người dân chờ đợi…