Cựu chủ tịch Công ty Global buôn lậu hơn 3.800 tấn lốp ô tô

ANTD.VN - Thái Huy, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) công ty TNHH DNF Global, cùng đồng phạm đã có hành vi buôn lậu hơn 3.800 tấn lốp ô tô.

Ngày 26-2, Viện KSND Tối cao đã chuyển cáo trạng và hồ sơ vụ án buôn lậu, đồng thời truy tố 2 bị can Thái Huy (SN 1980, quê quán tỉnh Hòa Bình) – nguyên Chủ tịch HĐTV công ty TNHH DNF Global (công ty Global); và Phạm Đăng Khoa (SN 1985, quê quán tỉnh Khánh Hòa), nguyên nhân viên công ty Global, về tội Buôn lậu.

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách của Nhà nước về tạm nhập tái xuất hàng hóa, trong khoảng thời gian từ tháng 3-2014 đến tháng 1-2015, Thái Huy đã sử dụng tư cách pháp nhân của công ty Global, Công ty TNHH Tấn Đạt, Công ty TNHH Lê Gia và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Việt, tiến hành làm thủ tục tạm nhập lốp ô tô đã qua sử dụng để xuất sang Campuchia.

Tuy nhiên, sau khi được tạm nhập hàng hóa là lốp ô tô đã qua sử dụng vào Việt Nam, Huy đã không tái xuất mà bán cho các công ty, doanh nghiệp khác. Cơ quan tố tụng xác định Thái Huy đã tạm nhập tổng số 3.859 tấn, giá trị gần 10 tỷ đồng (gồm lốp ô tô đã bán và bị tạm giữ).

Sau khi tiến hành làm thủ tục hải quan tạm nhập, tái xuất, Thái Huy đã bán hơn 3.155 tấn lốp ô tô (tương đương 16.480 chiếc), thu được gần 8 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Đăng Khoa đã ký giả chữ ký của lãnh đạo công ty TNHH Lê Gia trên các giấy tờ trong bộ hồ sơ khai báo hải quan, giúp sức cho Huy hoàn thiện thủ tục tạm nhập hơn 429 tấn lốp ô tô (tương đương 4.250 chiếc), rồi bán trong nội địa, trị giá gần 1,3 tỷ đồng…

Trong một diễn biến khác của vụ án này, quá trình điều tra, CQĐT xác định các ông: Nguyễn Anh Kiệt (công chức hải quan Chi cục Hải quan khu vực 1), Trương Ngươn Hậu (công chức hải quan Chi cục Hải quan khu vực 4); Tống Đức Tiến (công chức hải quan Cửa khẩu Đà Nẵng), là những người được phân công kiểm hóa, kiểm tra, tiến hành làm thủ tục thông quan tạm nhập, tái xuất các lô hàng lốp xe cũ của các công ty: Lê Gia, Dịch vụ Việt và Global.

Các cán bộ hải quan này có trách nhiệm lập và theo dõi hồi báo nhưng đã không thực hiện đủ trách nhiệm của mình, dẫn đến không phát hiện được doanh nghiệp không tái xuất mà tiêu thụ trong nội địa.

Hành vi của 3 cán bộ hải quan nêu trên có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 285 của Bộ luật Hình sự 1999 nên tháng 11-2017, CQĐT đã khởi tố 3 bị can này.

Tuy nhiên theo quy định tại điều 360 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì việc cấu thành tội phạm của tội này phải được định lượng gây thiệt hại về tài sản có giá trị tính thành tiền. Nhưng hậu quả của vụ án này không xác định được thiệt hại về tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp hoặc cá nhân và đây là những quy định có lợi cho đối tượng trong vụ án cần phải áp dụng.

Vì vậy, ngày 11-1-2018 Viện KSND Tối cao ban hành quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với 3 người trên về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời có văn bản đề nghị Chi cục Hải quan TP.HCM và Chi cục Hải quan Đà Nẵng xử lý hành chính.

Trước đó, ông Lê Tấn Chinh (Giám đốc Công ty TNHH Tấn Đạt) cũng bị khởi tố tội Buôn lậu, nhưng cáo trạng xác định Thái Huy chỉ mượn pháp nhân của công ty ông Chinh làm thủ tục tạm nhập tái xuất.

Việc bán lốp xe ô tô cũ tại Việt Nam, ông Chinh không biết, nên chưa đủ cơ sở xác định ông Chinh giúp sức Thái Huy thực hiện hành vi buôn lậu. Ngày 11-1-2018, Viện KSND Tối cao ban hành quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Chinh.