Cựu Chủ tịch Bình Thuận và đồng phạm được đề nghị mức án nhẹ hơn nhiều mức truy tố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai là người đứng đầu tỉnh, Chủ tịch Hội đồng định giá đất; ký quyết định giao đất, áp giá đất trái quy định gây thất thoát hơn 45 tỉ đồng nhưng được đánh giá không vụ lợi và do áp lực thu ngân sách nên được đề nghị mức án nhẹ hơn nhiều so với khung khoản truy tố.

Ngày 12-5, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ bán đất giá rẻ tại tỉnh Bình Thuận khiến Nhà nước thất thoát hơn 45 tỉ đồng chuyển sang phần tranh luận. Phát biểu quan điểm luận tội cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng đồng phạm, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cũng đã đề nghị tuyên phạt các mức án cụ thể.

Theo đó, với tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyên Ngọc Hai bị đề nghị xử phạt từ 5 - 6 năm tù; cựu Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải bị đề nghị xử phạt từ 4 - 5 năm tù.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng 10 bị cáo đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 - BLHS với mức án phạt từ từ 10 - 20 năm tù.

Cựu Chủ tịch Bình Thuận bị dẫn giải tới phiên tòa.

Cựu Chủ tịch Bình Thuận bị dẫn giải tới phiên tòa.

Cùng tội danh nêu trên, 9 cựu lãnh đạo sở, ngành thuộc tỉnh Bình Thuận cũng lần lượt bị đề nghị mức án rất nhẹ nhàng, bị cáo thấp nhất là từ 18 - 24 tháng tù và bị cáo cao nhất là từ 4 - 5 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Phong (cựu Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận) bị đề nghị sử phạt từ 24 - 30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo đánh giá của VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận xấu và làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân, trong việc quản lý đất đai của Nhà nước. Việc đưa các bị cáo, nguyên là cựu cán bộ, lãnh đạo địa phương ra xét xử công khai thể hiện tính răn đe, "pháp luật không có vùng cấm".

Song xét thấy các bị cáo có nhiều đóng góp với địa phương; quá trình công tác có nhiều thành tích được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau; các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sư, phạm tội không vì tư lợi nên VKS đề nghị HĐXX cân nhắc, xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt

Về dân sự, VKS xác định, trong vụ án này, hành vi phạm tội của các bị cáo dẫn đến việc Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi số tiền chênh lệch hơn 45 tỷ đồng mà lẽ ra theo quy định pháp luật doanh nghiệp phải nộp đủ cho Nhà nước mới được giao đất.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử sơ thẩm.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử sơ thẩm.

Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi không có căn cứ pháp luật, làm Nhà nước thiệt hại, do đó VKS xác định là bên có quyền nghĩa vụ liên quan, có nghĩa vụ tiếp tục phải nộp lại số tiền chênh lệch. Tại toà, đại diện doanh nghiệp cũng đã nêu nguyện vọng xin nộp bổ sung số tiền này. Do đó, VKS đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của doanh nghiệp.

Trước đó, trong 2 ngày xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố; các bị cáo đều thừa nhận có trách nhiệm với sai phạm giao đất công tại địa phương thời điểm năm 2017, song ở những mức độ khác nhau.

Cựu Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho rằng, bị cáo này không trực tiếp định giá đất, chọn doanh nghiệp được giao đất, hay thời điểm giao đất. Toàn bộ các công việc tại UBND tỉnh, trước khi đến bàn làm việc của bị cáo đều trải qua nhiều bước đề xuất, kiểm tra, đánh giá; các phó chủ tịch cho ý kiến ký nháy gửi văn phòng, rồi mới đến Chủ tịch phê duyệt. Toàn bộ vụ án, văn bản duy nhất bị cáo này ký là quyết định giao đất, tháng 2/2017.

Khi có phản án của dân về sai phạm, bị cáo Hai cho rằng đã yêu cầu cấp dưới rà soát đánh giá lại về giá, nhưng cựu Giám đốc sở Tài chính có văn bản trả lời việc giao đất là phù hợp.

Trong khi phó Chủ tịch Nguyễn Văn Phong, (khi xảy ra vụ án là Giám đốc Sở Tài chính) phủ nhận việc được bị cáo Hai giao rà soát về giá. Theo bị cáo Phong, Chủ tịch tỉnh chỉ giao bị cáo này kiểm tra về quy trình giao đất. Do đó, riêng phần trách nhiệm này, bị cáo Phong không thừa nhận và cho rằng bị cáo Hai khai "vô lý".

Cựu Phó chủ tịch Lương Văn Hải ban đầu không nhận sai phạm, nói vợ thay mình bồi thường 500 triệu đồng là không cần thiết. Tuy nhiên ngay sau đó đã xin sửa chữa, thay đổi lời khai, thừa nhận sai phạm và tự nguyện nộp tiền khắc phục.

Các bị cáo đều bày tỏ "toà phán quyết sai đến đâu, nhận đến đó", dù không vụ lợi cá nhân gì từ việc giao đất trái luật. Cựu Chủ tịch Bình Thuận và đồng phạm đều cho rằng vị trí khu đất xấu, nhiều mồ mả, khó bán, sai phạm xuất phát từ việc nôn nóng muốn thu ngân sách, phát triển địa phương.

Công ty Tân Việt Phát, đơn vị được tỉnh giao đất giá rẻ, xin trả toàn bộ tiền chênh lệch 45 tỉ đồng, được xác định là thiệt hại vụ án. VKS xác định, sau khi trả 111 tỷ đồng, Công ty Tân Việt Phát phân 92.000 m2 này thành 500 lô đất, đã bán 475 lô. Trước giai đoạn khởi tố, Tân Việt Phát đã thu được 50% tiền bán đất này với tổng 500 tỷ đồng.

Vụ án khởi nguồn từ 2013, khi UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất diện tích hơn 92.000 m2 thuộc phường Phú Hài, TP Phan Thiết, giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây nhà ở thương mại. Sau nhiều lần đấu giá không có đơn vị, cá nhân nào tham gia.

Hai năm sau, giá đất ở Bình Thuận liên tục tăng. Tháng 7/2016, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai ra quyết định điều chỉnh giá đất ở khu vực trên lên 1,6 triệu đồng/m2. Đầu năm 2017, Công ty Tân Việt Phát có công văn gửi UBND tỉnh xin giao khu đất này không thông qua đấu giá.

Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh, về việc giao chỉ tính giá khởi điểm ban đầu năm 2013 (1,2 triệu đồng/m2). Sở Tài chính đồng ý.

Tháng 2/2017, UBND tỉnh đồng ý giao đất cho Công ty Tân Việt Phát với giá năm 2013, tức 111 tỷ đồng. Doanh nghiệp sau đó nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, rồi được giao đất thực hiện dự án. Hành vi của các bị cáo đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 45,3 tỷ đồng.