Cựu Chi cục trưởng Thi hành án bị đề nghị 5-6 năm tù

ANTĐ - Giữa lúc vụ án tranh chấp thương mại còn chưa ngã ngũ thì cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lại lạm quyền để cưỡng chế thi hành án sai luật. Việc làm ấy không chỉ khiến những người liên quan bất bình mà còn đẩy ông này rơi vào vòng lao lý…

Cựu Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng 
 Trịnh Ngọc Chung tại phiên tòa 

Như ANTĐ thông tin, trong các ngày 7 và 8-7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Trịnh Ngọc Chung (SN 1959, trú ở phố Hàng Điếu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Đại diện những người bị thiệt hại là ông Hoàng Ngọc Minh (trú ở 194, phố Huế, quận Hai Bà Trưng) – Giám đốc Công ty TNHH Bắc Sơn (gọi tắt là Công ty Bắc Sơn). Sau 2 ngày xét xử liên tục, tòa án đã quyết định nghị án kéo dài đến 10-7. Trước đó, mặc dù bị cáo không thành khẩn nhận tội, song căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng các lời khai tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội một lần nữa khẳng định có đủ cơ sở để quy kết Trịnh Ngọc Chung theo đúng tội danh bị truy tố. Đại diện VKS đề nghị tòa án tuyên phạt bị cáo từ 5-6 năm tù giam.

Quá trình điều tra và diễn biến phiên tòa thể hiện, ngày 20-12-2007, TAND TP Hà Nội ra Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận giữa Công ty Bắc Sơn với một ngân hàng ở quận Cầu Giấy về việc thanh toán công nợ số tiền hơn 25,5 tỷ đồng. Cũng tại quyết định này, nếu Công ty Bắc Sơn không trả được nợ gốc và lãi thì phía ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp theo pháp luật… Sự việc sau đó tiếp diễn khi ngân hàng có đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tiến hành xử lý tài sản thế chấp của Công ty Bắc Sơn.

Với yêu cầu ấy và căn cứ vào Quyết định 143 của tòa án, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng triển khai việc thi hành án giữa các bên. Nhận được ủy thác của cơ quan cấp trên, ngày 6-1-2009, Trịnh Ngọc Chung ký quyết định buộc Công ty Bắc Sơn phải dùng tài sản bảo đảm để thi hành án. Tại thời điểm này, phía doanh nghiệp đang có 2 khối tài sản bảo đảm là ngôi nhà 194 phố Huế và hệ thống nhà xưởng gắn liền với hàng nghìn m2 đất tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Thế nên ngay khi nhận quyết định, ông Minh cùng những người liên quan tha thiết đề nghị được dùng khối tài sản ở Đông Anh thi hành án trước, song không được chấp thuận. Ngày 24-8-2009, theo yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Công ty CP Bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế và kết quả là nó đã được bán với giá hơn 31,5 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình ấy, ông Minh cùng những người liên quan liên tục có đơn thư khiếu nại về các quyết định và việc làm của Trịnh Ngọc Chung. 

Nhận thấy, việc thi hành án không rõ ràng nên ngay sau khi ngôi nhà 194 được bán đấu giá để thi hành án, Viện trưởng VKSND Tối cao đã nhanh chóng có quyết định kháng nghị đối với Quyết định 143 của Tòa án Hà Nội, đồng thời yêu cầu tạm đình chỉ việc thi hành án để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp thương mại giữa Công ty Bắc Sơn với ngân hàng. Ngày 21-12-2010, Tòa Kinh tế - TAND Tối cao đã xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm và tuyên hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên của TAND TP Hà Nội, đồng thời giao tòa án cấp dưới xét xử sơ thẩm lại…

Với phán quyết này của Tòa án Tối cao, ngày 14-4-2011, Trịnh Ngọc Chung đã ban hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với ngôi nhà 194 phố Huế. Thế nhưng chỉ ít ngày sau, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lại bất ngờ hối thúc người trúng đấu giá nộp tiền để sớm được sở hữu ngôi nhà mặt phố này. Và thật bất ngờ, ngày  28-6-2011, Trịnh Ngọc Chung ký quyết định cưỡng chế một phần ngôi nhà 194 phố Huế. Tiếp đến, ngày 7-7-2011, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng trực tiếp chỉ đạo việc cưỡng chế và bàn giao phần lớn ngôi nhà trên cho người trúng đấu giá. 

Quá trình xử lý vụ án này, các cơ quan tố tụng hình sự cũng đã làm rõ khi phát hiện hồ sơ thi hành án “có vấn đề”, Trịnh Ngọc Chung lập tức chỉ đạo nhân viên “chế” thêm thành tham gia kê biên, cưỡng chế vào biên bản hòng hợp thức hóa thủ tục. Ngoài ra trong quá trình thi hành án trái pháp luật, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng còn có hàng loạt sai phạm về nghiệp vụ như: không xác định rõ diện tích kê biên; không tiến hành vẽ sơ đồ, mô tả ranh giới tài sản và tự lập biểu mẫu quyết định không giống ai… Tại tòa, đại diện VKS khẳng định, bị cáo Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế, bàn giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện. Hành vi trái pháp luật của cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã khiến ông Minh cùng những người liên quan bị thiệt hại tổng cộng gần 6,7 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, chiều nay (10-7), HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết về hành vi ra quyết định trái pháp luật của Trịnh Ngọc Chung.