“Cưỡng đoạt” thương hiệu

ANTĐ - Lâu nay, khi nói đến “cưỡng đoạt”, người ta thường nghĩ ngay tới một hành động cụ thể dùng sức mạnh mang tính bạo lực để giành giật, cưỡng đoạt tài sản, của cải hoặc đất đai thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác. Giờ đây, những hành vi cưỡng đoạt vô hình đang diễn ra quyết liệt, tinh vi và không kém phần khốc liệt ngay cả với những thương hiệu hàng hóa, nông sản đã nổi tiếng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí trệ, nhãn hiệu và bản quyền.

Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu gạo, cà phê, chè, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn đi khắp thế giới. Sản lượng lớn nhưng nông sản nước ta thật khó tiếp cận đến người tiêu dùng nước ngoài, thậm chí cả ở ngay trong nước. Nhiều tỷ đồng bỏ ra, nhiều cuộc hội thảo từ “đầu bờ” cho đến “đầu bàn” nhằm xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Thế nhưng, một vài thương hiệu nổi tiếng của nước ta đã bị cưỡng đoạt trắng trợn ở một số nước.

Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê      Robusta trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cà phê Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vậy mà mới đây, công luận mới “giật mình” sửng sốt thông tin, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot   Coffee thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột” và được cơ quan chức năng nước này cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ tháng 11-2010.

Ngay một nước “láng giềng” mà đã “cướp trắng” thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam, nói gì tới chuyện cách đây vài năm, Công ty Cà phê Trung Nguyên suýt nữa thì cũng bị cưỡng đoạt, thương hiệu tại thị trường Mỹ. Rất may là công ty này đã đăng ký sở hữu trí tuệ tên và logo cà phê Trung Nguyên với Tổ chức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thế giới, song cũng phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để đàm phán và chứng minh mới giành lại được “tên tuổi”. Ngay cả khi Công ty Trung Nguyên thiết lập website trên mạng Internet mà cũng đã từng bị cơ quan cấp tên miền tại Australia từ chối với lý do là đã có một công ty khác đăng ký sở hữu.

Chưa hết, tại nước Cộng hòa Czech tên miền Trung Nguyên cũng bị một Việt kiều tại nước này đăng ký sở hữu với mục đích chiếm đoạt để đầu cơ tên miền. Bài học “nhớ đời” nhất lại cũng chính là thương hiệu cà phê Đắk Lắk đã bị một công ty tại Pháp cưỡng đoạt trên 10 năm nay mà chưa đòi lại được. Từ năm 1997, công ty này đã đăng ký độc quyền thương hiệu cà phê Dak Lak dưới tên của mình.  Thương hiệu cà phê Dak Lak của họ đã được bảo hộ ở gần 20 nước châu Âu. Lùi xa hơn một chút, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc cũng đã bị một công ty tại California (Mỹ) “cướp tên” và được cấp giấy chứng nhận bảo hộ 10 năm tại EU.

Càng kể ra càng thêm buồn, thêm đau xót. Bài học này chưa xong lại tiếp bài học khác. Thương hiệu đâu chỉ là của một công ty bị cưỡng đoạt mà chính là tài sản của Việt Nam bị rơi vào tay người ngoài. Nguy cơ bị kiện, bị ngăn chặn xuất khẩu sang các nước do xâm phạm bản quyền hoàn toàn có thể xảy ra, chưa kể thương hiệu bị hoen ố, bôi bẩn. Doanh nghiệp nước ta vốn “khôn nhà, dại chợ” cứ tưởng được bảo vệ ở Việt Nam là được bảo hộ cả thế giới. Có cơ quan Nhà nước nào chỉ dẫn họ đâu.