Cưỡng chế, xử phạt chủ xe không dán thẻ thu phí tự động không dừng

ANTD.VN - Bộ GTVT đưa ra mục tiêu, hết năm 2018, 100% phương tiện sẽ dán thẻ thu phí tự động - Etag để thanh toán khi qua các trạm BOT, để từ đầu năm 2019, sẽ thu phí đường bộ tự động qua các trạm.

3,2 triệu ô tô sẽ được dán thẻ

Ước tính, sẽ có khoảng 3,2 triệu phương tiện được dán thẻ Etag từ nay tới cuối năm. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 39 trạm đang tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (32 trạm trên QL1 và 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 35 trạm do Bộ  GTVT quản lý và 4 trạm do địa phương quản lý) trong đó có 2 trạm dự kiến không triển khai hệ thống thu giá không dừng (trạm Tào Xuyên đang dừng thu, trạm cầu Rác có thời gian thu còn lại ngắn).

Đến nay, trong 24/37 trạm thuộc dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty TNHH thu phí tự động VETC (TASCO) thực hiện đã có 15 trạm được đưa vào vận hành, 9 trạm đang triển khai lắp đặt và sẽ vận hành vào cuối quý 1-2018.

3,2 triệu phương tiện sẽ dán thẻ Etag và thu phí tự động tại các trạm BOT từ đầu năm 2019

Ngoài ra, 9/37 trạm thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng Vietinbank tài trợ vốn theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh) đang được Tổng cục Đường bộ yêu cầu xây dựng tiến độ thực hiện chi tiết cũng như đàm phán hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ  thu phí tự động- ETC đối với 9 nhà đầu tư để sau khi được lựa chọn sẽ triển khai lắp đặt, đảm bảo đưa hệ thống ETC tại các trạm vào vận hành trước 31-12-2018.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VETC cho biết, mục tiêu của Bộ GTVT là vậy, song dù đã vận hành thương mại 17 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, VETC mới dán thẻ được khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ô tô trong cả nước.

“Dù việc dán thẻ đã được triển khai tại các trạm đăng kiểm, trạm thu giá cũng như lưu động, đến tận cơ quan, đơn vị dán miễn phí nhưng số xe dán thẻ không tăng nhiều. Việc phát triển khách hàng rất khó nếu chỉ tuyên truyền, vận động, dán theo hình thức tự nguyện mà không có chế tài xử lý”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, tại các trạm đã vận hành thương mại, doanh thu từ các làn thu giá tự động chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7% trên tổng doanh thu. “Cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp cưỡng chế dán thẻ giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Chỉ khi kết hợp giải pháp tuyên truyền với chế tài xử phạt thì mới đạt được mục tiêu”, ông Hà đề xuất.

Cưỡng chế và xử phạt

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cũng nhìn nhận, khi tăng số làn xe thu phí không dừng tại các trạm thu giá BOT mà chưa cưỡng chế chủ xe dán thẻ sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện chỉ đi vào làn một dừng, gây ùn tắc. Giải quyết vấn đề này, VETC cần chuẩn bị phương án dán thẻ VETC bằng việc lập ki-ốt ngay trên đường. Phải quyết liệt dán thẻ, triển khai như đối với cấp đổi giấy phép lái xe để tạo thói quen cho người dân.

“Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xây dựng lộ trình để cưỡng chế việc dán thẻ đối với chủ phương tiện. Dự kiến đến hết tháng 12, toàn bộ xe ô tô phải dán thẻ. Việc này phải bổ sung vào Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Cùng với giải pháp cưỡng chế, Tổng cục sẽ phối hợp với Sở GTVT các địa phương, các hiệp hội vận tải tổ chức dán thẻ đến từng phương tiện”, ông Huyện khẳng định.

Trước đó, tại các cuộc họp về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã khẳng định: “Người dân đang rất trông chờ thu phí tự động để đảm bảo công bằng khi có thiết bị giám sát và người dân được giám sát. Bà con nhìn thấy tận mắt một xe đi qua thu được bao nhiêu, một ngày thu được bao tiền. Thu phí thủ công mất rất nhiều thời gian. Trong khi các nước như Trung Quốc, Singapore có rất nhiều trạm thu phí tự động, vậy tại sao ta chần chừ không làm?”.