Cưỡng chế giải phóng mặt bằng 2 dự án “đọng” gần 10 năm

(ANTĐ) - Ông Chu Mạnh Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư quận Hoàng Mai cho biết, cơ quan chức năng quận đã xây dựng phương án cưỡng chế, giải phóng mặt bằng (GPMB) 2 dự án lớn trên địa bàn quận “đọng” từ gần 10 năm qua; một là dự án đường vành đai 2,5 đoạn Định Công - Giáp Bát - Trương Định - Đền Lừ; và dự án xây dựng xưởng sản xuất Hòa Phát, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Cưỡng chế giải phóng mặt bằng 2 dự án “đọng” gần 10 năm

(ANTĐ) - Ông Chu Mạnh Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư quận Hoàng Mai cho biết, cơ quan chức năng quận đã xây dựng phương án cưỡng chế, giải phóng mặt bằng (GPMB) 2 dự án lớn trên địa bàn quận “đọng” từ gần 10 năm qua; một là dự án đường vành đai 2,5 đoạn Định Công - Giáp Bát - Trương Định - Đền Lừ; và dự án xây dựng xưởng sản xuất Hòa Phát, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Một trong 2 khu vực chuẩn bị GPMB
Một trong 2 khu vực chuẩn bị GPMB

Đường đẹp... trên giấy

Tuyến đường vành đai 2,5 được thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-6-1998. Tháng 7-2002, UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ cho tuyến đường này. Tháng 4-2004, UBND TP phê duyệt đầu tư dự án theo hình thức xây mới, và giao cho BQL dự án quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Tổng chiều dài tuyến đường trên là 1.049,5m, mặt cắt ngang vòng 40m, chạy qua các phường Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Giáp Bát. Từng ấy thời gian, tuyến đường này đang “tắc” vì nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, và có những khiếu nại, kiến nghị như: Quy hoạch tuyến đường chưa đúng theo Quyết định 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu bồi thường đất theo giá thị trường, tái định cư bằng đất...

Ngày 27-2-2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản trả lời: “... Kiểm tra đối chiếu với bản đồ điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy, hướng tuyến của đường 2,5 đoạn đi qua khu vực quận Hoàng Mai là phù hợp với hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát - Lĩnh Nam đã được UBND TP phê duyệt”. Về các kiến nghị bồi thường giá đất của các hộ dân, UBND TP đã có văn bản chấp thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hướng có lợi cho người dân.

Về tính pháp lý đúng đắn của dự án, mới đây ngày 13-6-2008, Phó Chủ tịch UBND TP - ông Nguyễn Văn Khôi khẳng định trong văn bản gửi UBND quận Hoàng Mai cùng các phường Tân Mai, Tương Mai và Giáp Bát: “Quy hoạch đường vành đai 2,5 được thực hiện đúng với quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...”.

Triển khai chỉ đạo của TP, cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12-2008, UBND quận Hoàng Mai sẽ tiến hành cưỡng chế, GPMB các hộ dân trong dự án thuộc địa bàn phường Giáp Bát. “Chế độ, chính sách quận đã nỗ lực tối đa giải quyết thuận lợi cho người dân. Bây giờ là lúc người dân cần thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội. Cưỡng chế là cần thiết, song chỉ là giải pháp cuối cùng, nếu chúng tôi không thuyết phục, vận động được người dân” - ông Chu Mạnh Phúc nói.

Còn 10 hộ dân

Đó là các hộ dân có đất nông nghiệp trong diện GPMB dự án xây dựng xưởng lắp máy xây dựng Hòa Phát, thuộc phường Yên Sở. Ngày 11-6-2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 707 về việc thu hồi hơn 17.000m2 đất tại xã Yên Sở, huyện Thanh Trì (nay là phường Yên Sở) cho Công ty TNHH thiết bị phụ tùng Hòa Phát thuê để xây dựng xưởng lắp máy xây dựng.

Công tác GPMB đình trệ cho đến ngày quận Hoàng Mai được thành lập mới được xúc tiến lại, bằng việc UBND quận thành lập tổ công tác GPMB của dự án. Dự án được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1 đến tháng 10-2005, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có biên bản bàn giao mốc giới diện tích hơn 5.000 m2 cho nhà đầu tư.

Giai đoạn 2 tiến hành ngay sau đó, song tháng 4-2007, khi tiến hành kê khai số liệu tại địa điểm khu đất dự án, Tổ công tác quận Hoàng Mai đã gặp phản ứng của gần 40 hộ dân. Số hộ dân này đã bị lập biên bản vi phạm hành chính. Tháng 12-2007, UBND quận ra thông báo về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ phục vụ công tác GPMB cho dự án, với tổng số 41 phương án được duyệt; tổng diện tích đất thu hồi hơn 10.800m2  với số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, công tác GPMB lại rơi vào tình cảnh “giậm chân tại chỗ”, bởi một số hộ dân cho rằng quyết định thu hồi đất từ năm 2001 nhưng đến năm 2008 mà chưa triển khai là... hết hiệu lực (?!); hay cho rằng vị trí thu hồi đất của các hộ dân là không đúng với Tờ trình UBND TP gửi lên Thủ tướng Chính phủ...

Thực hiện đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng quận Hoàng Mai đã xác minh, trả lời những kiến nghị của người dân là không có cơ sở. Dự án chậm triển khai không phải do nhà đầu tư mà do người dân chưa có sự đồng thuận.

Vị trí thu hồi đất của người dân nằm trong dự án đã được thể hiện trong biên bản định vị thửa đất từ tháng 1-2002, có xác nhận của cơ quan chức năng thành phố, huyện và xã, hoàn toàn chính xác so với quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ. Kiên trì giải thích và bằng nhiều biện pháp quyết liệt, từ tháng 6-2008 đến nay, quận Hoàng Mai đã thuyết phục được 29 hộ dân chấp hành, bàn giao mặt bằng; còn lại 9 hộ và 1 hộ mới bàn giao một phần diện tích.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - ông Nguyễn Đức Hải cho biết: “Quận đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các hộ dân nói trên. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, giảm thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và nhất là dự án được hoàn thành theo đúng nhiệm vụ thành phố giao, chúng tôi đã lên kế hoạch, xây dựng biện pháp cưỡng chế vào cuối tháng 11-2008. Xong dự án này, quận sẽ bắt tay vào GPMB tuyến đường 2,5”.           

Phúc Trang