Cuốn theo dòng tiền
(ANTĐ) - Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta đã chứng kiến một cơn “lốc xoáy” chưa từng thấy. Giá vàng “nhảy múa”, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do hỗn loạn, rồi giá đất quay cuồng đến chóng mặt và giá chứng khoán đang từ đỉnh rơi tõm xuống tận đáy. Bình tâm nhìn lại, các nhà phân tích tiền tệ và thị trường đã có thể rút ra những bài học gì cho các nhà quản lý, điều hành và người dân?
Trước hết, đó là sự chuyển động, đảo chiều quá nhanh và quá bất ngờ của dòng tiền. Cộng với “tin vịt” cứ một thời gian lại bùng lên của giới đầu cơ chỉ cốt “vỗ béo” để “xơi tái” các “con cá” đầu tư nhỏ bé. Đây thường được ví như những “đoàn cá” nhỏ chuyên ăn nổi theo bầy kiếm ăn ào ào trên “đỉnh sóng” và bán ra ồ ạt ở “đáy sóng” rồi lĩnh đủ hậu quả. Sau nữa là việc xử lý có phần lúng túng, chậm chạp của các cơ quan Nhà nước.
Cuối cùng là nguy cơ lạm phát trên thế giới đã ngấp nghé dường như cũng “cộng hưởng” với nguy cơ lạm phát tiềm ẩn ở trong nước. Theo ý kiến của giới chuyên gia, trong các yếu tố trên, thì sự chuyển động của dòng tiền và tâm lý là yếu tố hết sức quan trọng. Trong bối cảnh này, người khôn ngoan thường chọn hai kênh để đầu tư. Một là, chia tiền ra để đầu tư vào mỗi kênh một ít, còn lại thì “cắm” vào kênh nào đó để “mai phục” chờ thời. Song, cách này có hai mặt hạn chế.
Một là phải có một lượng tiền dư dật mới chia được ra nhiều gói để đầu tư vào nhiều kênh. Hai là nếu kênh thắng bù đắp cho kênh thua, thì tựu trung cũng chẳng thắng, thậm chí còn bị thua đậm vì sự mất giá của đồng tiền danh nghĩa. Cách thứ hai là lựa chọn kênh đầu tư để chắc thắng. Tuy nhiên ở đây phải dự báo đúng và chọn đúng kênh đầu tư để đồng vốn sinh lời. Theo phân tích của các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, kênh gửi tiết kiệm vẫn có lãi suất thực dương, vì tính chung trong 10 tháng lãi suất khoảng 8%, trong khi giá tiêu dùng mới tăng 4,69%.
Lãi suất gửi tiết kiệm ngắn hạn hiện đang tăng, mặc dù giá tiêu dùng trong tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn mức bình quân một tháng từ đầu năm tới nay, song tính chung cả năm nay thì lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng. Do đó, người có vốn không lớn lại không thạo đầu tư vào các kênh khác cũng như người có vốn lớn nhưng chưa nắm chắc được địa chỉ đầu tư sinh lời, thì chắc ăn nhất là để tiền “trú ẩn” vào kênh tiết kiệm để phòng thủ, bởi vẫn chắc ăn có lãi suất danh nghĩa, rủi ro ít.
Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn như các kênh đầu tư khác, vì thế tiền đổ vào tiết kiệm không dồi dào, thậm chí một phần tiền hiện đang “chảy” từ tiết kiệm sang các kênh khác. “Kênh” vàng đã vọt lên đỉnh điểm trên 29 triệu đồng/lượng chỉ trong vài ngày, cao hơn cả giá thế giới. Sau khi lên cơn “co giật” giá vàng đột ngột hạ nhiệt do Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng. Tuy vậy, giá vàng thế giới lại có chiều hướng “sốt” trở lại, kéo giá trong nước tăng theo. Không ít người “méo mặt”.
Kênh cuối cùng là chứng khoán, sau khi đạt đỉnh trên 600 điểm lại tụt tới đáy. Có chuyên gia dự báo, tuy ở biểu đồ răng cưa, nhưng chứng khoán đã thoát đáy và đang tìm đến đỉnh, có thể vượt đỉnh cũ. Thị trường USD tự do cũng “nóng lạnh” theo giá vàng. Trên thị trường chính thức, giá USD có thể tăng nhưng sẽ không tăng cao. “Ném” tiền vào đây không có lợi, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm đồng Việt Nam. Giá bất động sản ở Hà Nội tăng rất mạnh, theo dõi kỹ thì chủ yếu các nhà đầu tư và đầu cơ, rất hiếm người mua để sử dụng.
Có ít tiền là khổ nhưng nhiều tiền quá cũng chẳng sung sướng gì. Phải vắt óc, đau đầu tính toán và nhiều lúc bị “cuốn” theo dòng tiền đổ vào kinh doanh vàng, chứng khoán, bất động sản, USD. Làm giàu là đòi hỏi của mọi người dân. Dân giàu thì nước mạnh, tuy nhiên giá như dòng tiền ấy đầu tư vào sản xuất kinh doanh thì tốt biết mấy bởi mọi người cùng được giàu lên, chênh lệch giàu nghèo sẽ bớt đi rất nhiều.
Đan Thanh