Cuốn sách "Tổ quốc nơi đầu sóng": Sức nặng của ngòi bút hòa cùng tiếng nói con tim

ANTĐ - Gần 600 trang sách tập hợp những tác phẩm sắc sảo, đầy tâm huyết của các nhà báo - cuốn sách “Tổ quốc nơi đầu sóng” vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và NXB Hà Nội ra mắt bạn đọc. Đây cũng được coi là cuốn sách có giá trị về bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.  
Cuốn sách "Tổ quốc nơi đầu sóng": Sức nặng của ngòi bút hòa cùng tiếng nói con tim ảnh 1

Triệu con tim hướng về Tổ quốc 

Trước hết, phải nói rằng đây là công trình tập hợp trí lực của rất nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà khoa học… đang hoạt động và công tác trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Từ những cây bút từng đứng trên bục giảng như PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, PGS.TS Nguyễn Thế Thắng… cho đến các những đại diện của giới văn nghệ sỹ như nhà văn Chu Lai, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa…  tất cả những bài viết này có một điểm chung là hướng về Tổ quốc.

Cuốn sách "Tổ quốc nơi đầu sóng": Sức nặng của ngòi bút hòa cùng tiếng nói con tim ảnh 2

Cuốn sách “Tổ quốc nơi đầu sóng” được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội giới thiệu trước báo giới vào chiều 22-9

Cuốn sách gồm 3 phần, 6 chương, trong đó Phần I là “Biển, đảo - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”, phần II là “Những “cột mốc sống” kiên cường trên biển” và phần III là “Thủ đô Hà Nội cùng nhân dân cả nước hướng về biển, đảo quê hương”. Nói như nhà báo Hồ Quang Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội nhà báo TP. Hà Nội thì đây là những trang sách hài hòa giữa lý trí và cảm hứng trữ tình. “Chất lý trí được thể hiện qua cách mà các nhà báo khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng chứng cứ, xác lập lòng tin và sự thấu hiểu của người đọc trong nước, thế giới bằng những lập luận sắc sảo.

Chất trữ tình được thể hiện ở chỗ không có sự kiện, con số, địa danh, cái tên nào ở nơi đầu sóng ấy lại không gợi cho chúng ta nghĩ đến chiều dài lịch sử của người Việt. Gắn liền với biển còn là mồ hôi, máu xương của bao thế hệ đã hòa tan vào lòng đại dương để giữ vững vùng nước, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc” - đồng chí Hồ Quang Lợi nhận định. 

Thật vậy, gần 600 trang sách với hơn 100 bài viết tuy không thể kể ra hết, nhưng đã gói trọn tình yêu đất nước, thể hiện ý chí sắt đá của mỗi người con đất Việt quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. 

Trong cuốn sách này, Báo An ninh Thủ đô cũng đóng góp những bài viết thể hiện trách nhiệm của những người làm báo Thủ đô hướng về biển, đảo thiêng liêng như bài viết: “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” của nhà báo Đinh Hương Bình; “Hành trình đi tìm bộ Atlas chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”; “Những cánh thư yêu thương từ Trường Sa” của nhà báo Đỗ Trần Quân. 

Chân lý không thể đảo ngược

Lật giở những trang sách, GS Nguyễn Quang Ngọc - người đã có những đóng góp rất tâm huyết với tìm ra những tư liệu về chủ quyền biển đảo tâm sự: “Tôi đã đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này và ở đâu cũng tìm thấy những điều thú vị. Khi lật giở từng trang sách, tôi lại càng thêm cảm phục những người làm báo. Họ đã phản ánh chân thực và bạn đọc rất cần những bài viết hấp dẫn, đi vào lòng người như thế”. GS Nguyễn Quang Ngọc cũng chia sẻ một câu chuyện khi đọc cuốn “Tổ quốc nơi đầu sóng”.

Đó là lúc giở những trang đầu tiên, ông không khỏi xúc động khi đọc lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế tại Manila, Phillipines ngày 21-5-2014, rằng “không thể đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông”. Lời nói của người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện rất rõ lập trường, quan điểm vững vàng trước thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên Biển Đông. 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì chia sẻ: “Cuốn cẩm nang về biển đảo này không chỉ là tư liệu báo chí, nó còn có cả những sử liệu quý giá khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng tâm sự, chính nhờ chuyến đi công tác ở Trường Sa, đứng ở mảnh đất máu thịt của Tổ quốc, thấu hiểu nỗi gian truân, sự hy sinh của những người lính hải quân mới là nguồn chất liệu cho ông viết nên tác phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc ở Trường Sa” và những bài viết khác mà một phần trong đó đã được đưa vào cuốn sách này. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đánh giá cao về cuốn sách và bày tỏ mong muốn những bài viết trong cuốn sách được phổ biến rộng rãi, được dịch ra tiếng nước ngoài để bạn đọc thế giới biết đến chân lý, chủ quyền chính đáng mà Việt Nam đang bảo vệ.