Cuốn “Đường Kách mệnh”: Soi rọi ánh sáng cho Cách mạng Việt Nam

ANTĐ - Trong số những bảo vật quốc gia được công nhận đợt 1 vừa qua, có không ít những văn bản mang tính tư liệu, trong đó đáng chú ý là cuốn “Đường Kách Mệnh”. 

Sinh ra trong bối cảnh đất nước đang chịu ách áp bức của thực dân Pháp, đồng thời chứng kiến sự thất bại liên tiếp của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX. Điều đó đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, trong chuyến hành trình đó Người đã tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1924, Người về Quảng Châu, Trung Quốc chọn nơi này là điểm dừng chân để hoạt động cách mạng. Tại đây, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 

6-1925), mở lớp Huấn luyện chính trị, ra Báo Thanh niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Mác - Lênin, để chuẩn bị cho sự ra đời một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. “Đường Kách Mệnh” tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925-1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản ở Quảng Châu và bí mật chuyển về nước theo nhiều ngả đường khác nhau trong phong trào vô sản hóa (1927-1930), Chính từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã bước đầu đi vào có tổ chức, các hoạt động đấu tranh phát triển đi từ tự phát lên tự giác.

Đây là tài liệu in thạch và do tác giả trực tiếp viết bản in. Cuốn sách gồm 100 trang, được in trên giấy nến bằng kỹ thuật in Litô, với kích thước 22x15cm, trang bìa lót có kích thước 15x20cm đã ngả màu vàng. Cuốn sách hiện được bảo quản trong két chân không tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngay từ những ngày đầu bảo tàng được thành lập. Ngày 3-2-2010, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cho tới nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ) đã cho trưng bày bản gốc cuốn “Đường Kách Mệnh”. Bản hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bản phục chế.