Cười nhạt

ANTĐ - “Ơn giời cậu đây rồi” là chương trình được mua bản quyền của Australia. Chuyển thể về Việt Nam, chương trình hài tình huống này đã có sự góp mặt của những cái tên nổi tiếng như Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Công Lý, Xuân Bắc… Khán giả cũng đầy hy vọng với những tên tuổi này, nhưng lại rất thất vọng khi xem chương trình với những tràng cười gượng, cười nhạt.

 Có lẽ điều làm nên cái hay của phiên bản gốc là tính bất ngờ và không biết trước kịch bản, nội dung của tiểu phẩm sẽ đi theo hướng mà người chơi xử lý, các tình huống ngẫu nhiên sẽ phát sinh về văn hóa ứng xử và sự thông minh của người chơi, nhưng dường như chương trình của Việt Nam với tên gọi “Ơn giời cậu đây rồi” thì không có bất ngờ đó, nên hài nhạt, thiếu ấn tượng.

Không những thế, chương trình còn có những những tiết mục hài nhảm gây phản cảm. Những hình ảnh và ngôn ngữ có phần thái quá đã khiến nhiều khán giả bực mình, nhiều lời nói hành động của những người tham gia thật sự rất khó coi. Phi Thanh Vân xuất hiện với nhiều lời nói, hành động mơn trớn gây phản cảm cho người xem, hay như nghệ sĩ Việt Hương thì lại hay có ngôn từ tục tữu, yếu tố hài thì bị xếp dưới. Hay như tiết mục của Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Ngọc Tưởng thì nổi bật đánh đấm, lột trang phục… 

Ngay cả những nghệ sĩ có tên tuổi như Hoài Linh, Kiều Linh, Trường Giang, Trấn Thành… cũng rất dễ đi vào lối mòn khi lặp đi lặp lại một kiểu gây cười. Các nghệ sĩ tham gia chương trình đều mang một gánh nặng buộc phải gây cười cho khán giả bằng mọi giá, nên họ “bạ đâu gây cười đấy”, khiến nhiều tình huống trở nên nhảm nhí. 

Khán giả cho rằng chương trình cũng đang đi quá giới hạn cho phép của sự hài hước. Chương trình được phát vào khung giờ đẹp ngày cuối tuần sẽ có rất nhiều đối tượng khán giả theo dõi, trong đó có cả khán giả trẻ tuổi, mà cứ đi vào kiểu hài nhảm, hài kiểu trần trụi thì cần phải thay đổi. 

Theo đạo diễn Nguyễn Anh Dũng, Đài TH Việt Nam, hạn chế của chương trình chính là do format của chương trình đến từ Australia vì chính người chơi sẽ không biết mình phải làm gì, những tình huống bất ngờ sẽ khiến họ bỡ ngỡ và xử lý có phần cảm tính. Việc xử lý những tình huống bất ngờ không phải dễ vì những người chơi cần phải có nền tảng văn hóa ứng xử tốt. Ngoài ra họ cần phải có kiến thức văn hóa, xã hội. Hơn nữa, những yếu tố cần phải biến thành hài hước, mới thu hút được khán giả. Chương trình “Ơn giời cậu đây rồi” cũng là sự “đổi món” trong khi khán giả đang bội thực gameshow ca nhạc, khiêu vũ... nhưng nếu chương trình không thay đổi, tránh hài nhảm thì sớm muộn cũng sẽ bị khán giả quay lưng.