Cuối năm, vùng biên nóng bỏng: Trách nhiệm phải rõ ràng

ANTĐ - Hàng chục địa bàn, tuyến, tụ điểm thường có biểu hiện hoạt động của hàng lậu đã được lực lượng chức năng Hà Nội “lên danh sách” để tổ chức đấu tranh. Nhưng quả thực, với những biện pháp thiếu tính đột phá, với sự vào cuộc không quyết liệt, với sự phân định trách nhiệm chẳng rõ ràng, “sống chung với hàng lậu” là nguy cơ khó tránh.

Đa dạng các chủng loại hàng lậu cuối năm


Phòng ngừa ở đâu?

Hoạt động buôn lậu diễn ra đã thành “hệ thống”, và không khó để nhìn nhận, xác định những địa bàn, tuyến, tụ điểm để tập trung đấu tranh. Khu vực nội thành, là chợ Đồng Xuân, chợ vải Phùng Khắc Khoan, chợ điện tử - điện lạnh Hai Bà Trưng. Khu vực ngoại thành, vẫn là những cái tên “quen thuộc”: Ninh Hiệp (Gia Lâm), La Phù, Minh Khai, Dương Liễu (Hoài Đức). Bên cạnh đó là những đầu mối giao thông như ga Yên Viên, ga Giáp Bát, sân bay Nội Bài, sân bay Gia Lâm; các tuyến đường sắt, tuyến biển, đường sông, tập trung vào các lộ trình Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn về Hà Nội. Một trọng tâm công tác phòng ngừa cần được hướng đến, theo chỉ huy Phòng CSKT Công an Hà Nội, đó là các kho, bến bãi thuộc các quận Hoàng Mai, Hà Đông, huyện Thanh Trì, thậm chí xa hơn như Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên… Điểm chung của các kho hàng, bến bãi này là đều nằm gần quốc lộ, thuận lợi cho các hoạt động nhập - xuất hàng.

Điểm diện được các tuyến, địa bàn “nóng” hàng lậu rồi, yếu tố tiên quyết vẫn là biện pháp triển khai phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, thuộc về trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng gồm công an, quản lý thị trường, thuế, hải quan, và cả cán bộ y tế, thú y. Hàng lậu tồn tại được hay không, phụ thuộc cả vào hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, vào quyết tâm và sự nghiêm túc của lực lượng thực thi trách nhiệm. Nhấn mạnh điều này bởi thực tế, bên cạnh những đơn vị, địa bàn, tập thể đang nỗ lực ngày đêm trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn có những toan tính vụ lợi mà từ đó hàng lậu đã lợi dụng để tồn tại. Quản lý chặt địa bàn là yêu cầu quan trọng. Quan trọng không kém  là phải “quản” được quy trình làm việc của cán bộ chức năng, ở mọi ngành, mọi cấp.

Đừng “chống” theo kiểu “đánh trống, ghi tên”

Cận tết, thấy ngành nào, địa phương nào cũng triển khai đẩy mạnh công tác chống buôn bán hàng lậu. Hỏi cụ thể “bài” ở nhiều nơi, nhận thấy sự na ná, sự hình thức trong cách thực hiện. Nào là tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, nào là ký cam kết, giáo dục đối tượng “nổi” không buôn bán, vận chuyển hàng lậu. Có nơi (thường là những tụ điểm có hoạt động kinh doanh hàng lậu) mở hẳn hội nghị về chống hàng lậu. Sau những tràng vỗ tay, sau những quyết tâm… trên hội trường, đâu lại vào đó.  Bao nhiêu năm qua, những Ninh Hiệp, những La Phù, Dương Liễu, nếu hỏi cán bộ xã, huyện: “Có quyết tâm chống hàng lậu không?”; câu trả lời thế nào chắc ai cũng rõ. Vậy mà vẫn “nóng”! Chính quyền cơ sở “đổ lỗi” cho “tập quán” của người dân, và từ “đổ lỗi” dẫn đến “mặc kệ” những vi phạm.

Cấp thôn, xã là thế; ở nội thành, cơ chế trách nhiệm cũng… mông lung không kém. Chủ công chống hàng lậu lâu nay là công an và quản lý thị trường. Phân công một cách tương đối, những vụ việc kiểm tra hành chính để phát hiện hàng lậu do quản lý thị trường đảm trách. Còn công an, công tác chính là rà soát, “đánh” những đường dây, tụ điểm buôn lậu lớn, những hoạt động vi phạm có thể xử lý bằng hình sự. Thế nhưng thực tế, lực lượng công an lại phải ôm đồm cả những vụ việc kiểm tra hành chính, thông qua “mô hình” liên ngành. Ngay cả một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đầy bức xúc khi nhìn nhận thực tế này: “Nếu mỗi lực lượng thực thi tốt chức trách của mình, tất yếu không phải huy động đến liên ngành. Liên ngành trong vụ việc nào đó có thể hiệu quả, nhưng nhiều vụ việc lại hoạt động theo kiểu đánh trống ghi tên. Trách nhiệm chẳng thuộc về “ngành” nào trong cái “liên” ấy cả”.

Bức xúc ấy đề cập đến sự lạm dụng “liên ngành” hiện nay, nhất là thời điểm tập trung đấu tranh vi phạm, tội phạm hàng lậu cuối năm. Liên ngành chỉ nên thành lập để đấu tranh, xử lý những vụ việc đòi hỏi có tính chất bao quát. Như vụ 6 chiếc xe tải bị Công an Hà Nội, lực lượng chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, và quản lý thị trường xử lý hồi đầu tháng 12 vừa qua. Phía Tổng cục Hải quan đảm trách việc giám sát lộ trình nhập hàng, vận chuyển hàng lậu từ tỉnh ngoài về; quản lý thị trường chịu trách nhiệm những phần việc, thủ tục hành chính quá trình kiểm, giữ các xe hàng lậu. Và cơ quan công an, biện pháp tố tụng sẽ được áp dụng khi cần thiết. Trong trường hợp này, liên ngành được đánh giá cần thiết và hiệu quả, bởi vừa phân định được trách nhiệm của từng lực lượng tham gia, vừa xử lý tận cùng cá nhân, tổ chức vi phạm.

Ngược lại, đã và đang có những cuộc liên ngành kiểm tra hành chính đối với cửa hàng A (kinh doanh rượu), đại lý B (kinh doanh mỹ phẩm)... Vi phạm thế nào cũng bị tìm ra, bởi đã kinh doanh thì kiểu gì chả có ít nhiều lỗi (?!). Thế nhưng, việc tìm và xử lý lỗi ấy đâu cần đến “sức mạnh” của liên ngành, nếu lực lượng được phân công phụ trách quản lý lĩnh vực, địa bàn ấy làm tròn trách nhiệm. Vả lại, tìm ra lỗi - vi phạm của cửa hàng A, đại lý B rồi, liên ngành sẽ chẳng bận tâm “truy” xem trách nhiệm để tồn tại lỗi ấy thuộc lực lượng nào. “Hiệu quả” của nhiều đoàn liên ngành lâu nay - vốn được tổ chức định kỳ, theo chuyên đề - đó là lực lượng nào tham gia cũng được tính kết quả. Song trong công tác chống buôn lậu, nó lại không cụ thể hóa được trách nhiệm của từng lực lượng chức năng. Trong chừng mực nào đó, nó còn hình thành tâm lý đùn đẩy trách nhiệm - vốn tối kỵ - đối với công tác chống buôn lậu.