Cuối năm, Quốc hội xem xét đề án đổi mới sách giáo khoa

ANTĐ - Sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. 

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bên cạnh những nội dung theo thông lệ của một kỳ họp cuối năm, riêng khối lượng xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 8 cũng rất lớn, dự kiến chiếm tới 24,5 ngày làm việc. “Với 30 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết được QH thông qua và cho ý kiến, đây là số lượng văn bản pháp luật kỷ lục mà QH xử lý tại một kỳ họp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói. Trong đó, dự kiến QH sẽ  thông qua 17 luật, 1 nghị quyết.

QH cũng dự kiến thực hiện giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Tổng thời lượng của kỳ họp dự kiến là 35 ngày, làm việc 5/7 ngày thứ 7.

Tại phiên họp sáng 16-7, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi cho biết, hồ sơ dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã được Bộ Giáo dục gửi tới cơ quan thẩm tra.

“Rút kinh nghiệm lần trước, hồ sơ dự thảo lần này đã được chuẩn bị khá kỹ, bao gồm cả dự thảo đề án, đánh giá tác động, tổng kết…, nhưng vẫn còn “nợ” lại nội dung về kinh phí, chờ Chính phủ xem xét, quyết định tại phiên họp thường kỳ tháng 8. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn có thể xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9, trước khi trình ra Quốc hội. Tôi cho rằng dự thảo đề án có nhiều khả năng đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8”, ông Đào Trọng Thi nói.

Cuối buổi sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp riêng, cho ý kiến một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc sau nội dung này.

Đề án đổi mới sách giáo khoa phổ thông thu hút sự chú ý của toàn xã hội


Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận  ngày 11-6 vừa qua, con số 34.000 tỉ đồng trong đề án đổi mới sách giáo khoa làm xôn xao dư luận thời gian qua được đặt ra. Trả lời câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Con số 34.000 tỉ đồng xuất hiện lúc nào? Khi UBTVQH họp thì tôi đi công tác nước ngoài, UBTVQH cho phép thứ trưởng đi họp thay. Khi báo cáo chính thức UBTVQH thì không có con số 34.000 tỉ đồng. Đến lúc UBTVQH thảo luận, chất vấn thì Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai có hỏi về khả năng xã hội hóa nguồn kinh phí để triển khai ngoài ngân sách nhà nước là bao nhiêu? Lúc này trong tay thứ trưởng thay mặt tôi đi họp không có con số 34.000 tỉ đồng, mà một đồng chí cấp vụ ngồi ghế sau trao lên tờ giấy. Thưa Quốc hội, thông cảm cho là anh em dự phiên họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên bị khớp. Đây là con số chưa có bàn bạc, chưa có thống nhất”.

“Sau đó tổ chức cuộc họp báo để nói lại rằng 34.000 tỉ đồng là làm nhiều việc, nhưng nói không khéo, không đầy đủ cho nên nhân dân lại thấy con số 34.000 tỉ đồng là đúng. Đây là lỗi kỹ thuật, sai sót. Để xảy ra sai sót như thế, tôi với tư cách là bộ trưởng xin báo cáo là thực hiện sự ủy quyền của Thủ tướng chưa đầy đủ, gây nên sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân. Mà cái lo lắng nhất là mấy anh này vẽ ra để tiêu tiền, để thất thoát tiền nong của đất nước, của nhân dân. Sự việc là như vậy chứ không có vấn đề gì khác” - ông Phạm Vũ Luận nói.