Cuối năm - “mùa” làm ăn của sách tử vi, bói toán

ANTĐ - Những ngày cuối năm được coi là “mùa đẹp” của sách tướng số, bói toán, mê tín dị đoan. Mặc dù bị cấm lưu hành vì nội dung nhảm nhí, phi khoa học, nhưng sách bói toán vẫn được bán công khai ở  khắp nơi lượng tiêu thụ không hề nhỏ.

Cuối năm mua sách để… đoán vận mệnh

Dễ nhận thấy nhất là tại các quầy sách vỉa hè, hàng rong, gần các đền chùa, các điểm du lịch, bến xe, công viên, trạm xe buýt, bệnh viện... Tại đây, sách mê tín dị đoan chiếm thế “thượng phong” với những tựa sách hàng chục năm vẫn vậy như: Tử vi tướng pháp trọn đời, Bói toàn thư, Đoán mộng, giải mộng, Xem quẻ chân gà, Số tiền định, Sách xem tuổi làm nhà và dựng vợ, gả chồng... Hầu hết sách được bày bán đều là sách photocopy hoặc in màu sơ sài, nhem nhuốc không in tên tác giả và nơi xuất bản rõ ràng. Thậm chí nhiều cuốn còn viết sai chính tả nhưng vẫn được rất nhiều người mua.

Một người bán hàng rong ở hồ Hoàn Kiếm cho biết, những ngày cuối năm sách tử vi, bói toán bán chạy nhất. “Dễ bán nhất là những tờ tử vi phô tô nói trước vận hạn trong năm theo từng tuổi với giá bán khoảng 5.000 - 10.000 đồng/ cuốn. Có những khách mua 4-5 cuốn cho cả gia đình để ngẫm trong cả năm. Vài năm trở lại đây người ta cũng xem trên mạng nhiều chứ không thì bán còn chạy nữa” - chị này nói. Không chỉ tại các địa điểm công cộng mà ngay ở những sạp báo cũng vô tư bày bán những cuốn sách này. Chủ một sạp báo trên phố Định Công cho biết, vì thấy nhiều người hỏi mua nên chị cũng lấy về bán. “Người ta đưa sách đến mình bán lấy lãi chứ cũng chẳng biết sách của nhà xuất bản nào, có bị cấm hay không, cũng chẳng biết sách lấy từ đâu, cứ mấy tuần người ta lại đưa đến”.

Có thể thấy một điểm chung là đa phần các loại sách mê tín dị đoan được bán rong hoặc tại các điểm công cộng đều không rõ xuất xứ, không ghi nhà xuất bản hoặc một nhà xuất bản với cái tên lạ hoắc. Tên tác giả thì thường là những cái tên cũng chẳng ai biết nhưng nghe rất “nho học” như: Quảng Lân Nguyệt Lan, Bảo Trai Đường, Thiệu Vi Hoa... 

Tại nhà sách M. A trên phố Đinh Lễ chúng tôi đếm được hàng chục tựa sách với những cái tên như: Hóa giải vận hạn, Dự trắc theo lá bài, Khai vận đỏ, Tài vận 12 tuổi Giáp, Phương pháp dâng sao giải hạn, 200 câu hỏi về giải mộng, Xem tay đoán người… Thậm chí nhiều sách mê tín dị đoan núp bóng khoa học được phát hành công khai như Tử vi dưới ánh sáng khoa học, Tổng hợp các luận điểm tử vi, Tử vi lý học, Bói bài và căn cứ thực tế, Khoa học về tướng số... Đa phần các cuốn sách này của các nhà xuất bản địa phương hoặc một số nhà xuất bản nhỏ liên kết với các nhà sách phát hành. Một số cuốn sách thoạt nhìn không có vẻ gì là mê tín dị đoan nhưng khi đọc nội dung thì lại là những câu chuyện ma quái, câu khách. 

Khó diệt cỏ dại

Trong khi Nhà nước đang nỗ lực bài trừ mê tín dị đoan thì việc lưu hành công khai và ngày càng nhiều những cuốn sách này dường như đang thách thức các nhà quản lý. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng sách mê tín dị đoan nói riêng và sách lậu nói chung khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Các loại sách nói trên chủ yếu in đi in lại nhiều năm hoặc được lấy từ trên mạng, đem phô tô rồi đóng thành tập bán nhiều vào dịp cuối năm, Tết. Hiện Sở cũng giao cho các phòng văn hóa quận, huyện tăng cường thu giữ sách lậu, không rõ nguồn gốc nhưng không hề dễ bởi các đối tượng bán sách có quá nhiều chiêu tẩu tán hàng. Trong khi quy định mức xử phạt mới dừng lại ở việc thu sách, cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính với số tiền ít ỏi, chẳng khác nào “gãi ngứa”. 

Ở khía cạnh chuyên môn, ông Nguyễn Kiểm (nguyên Cục trưởng cục Xuất bản, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất bản) cho rằng để hạn chế những loại sách có nội dung không lành mạnh cần sự quyết liệt của tất cả các bộ, ngành liên quan. Thực tế là việc chạy theo lợi nhuận của các nhà xuất bản đã để “lọt” rất nhiều cuốn sách không đạt chất lượng. Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động xuất bản nhưng lại không chịu trách nhiệm về nội dung các ấn phẩm xuất bản mà trách nhiệm này thuộc về Tổng biên tập của các nhà xuất bản. “Cục xuất bản chỉ có chức năng hậu kiểm nhưng mỗi năm có hàng chục nghìn đầu sách nộp lưu chiểu, chia cho số ngày trong năm thì mỗi ngày bộ phận đọc lưu chiểu phải thẩm định tới trên dưới 100 đầu sách. Vì thế “con đê” này khó mà giữ được lũ” - ông Kiểm nói. 

Theo lẽ thường, một ấn phẩm muốn xuất bản phải qua nhiều lượt biên tập, kiểm duyệt nội dung tại các nhà xuất bản, tuy nhiên do chạy theo lợi ích kinh tế nên nhiều nhà xuất bản để mặc đơn vị liên kết tự biên tự diễn, muốn làm gì thì làm, còn mình chỉ có một nhiệm vụ là… bán giấy phép xuất bản. Bởi vậy, không ít nhà xuất bản đã “lót đường” cho những cuốn sách mê tín dị đoan được công khai lưu hành.

Thực tế thì ở nhiều nước láng giềng, cơ quan quản lý xuất bản của họ cũng không chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm nhưng do dân trí cao, nhà xuất bản có ý thức công dân, ý thức về thương hiệu nên họ rất ít để lọt những cuốn sách nội dung kém chất lượng. Còn ở ta, chừng nào người dân vẫn đổ xô vào việc bói toán, buôn thần bán thánh thì chắc chắn chừng đó những cuốn sách mê tín dị đoan vẫn còn đất tồn tại. Vì vậy, việc đánh mạnh vào các nhà xuất bản in trái phép, các cơ sở in lậu là cần thiết, rất cần phải tăng cường kiểm tra các cơ sở in và điều chỉnh tăng mức xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nếu cần thiết. Phải xử lý tận gốc việc in lậu, chứ nếu chỉ đi kiểm tra, rồi xử phạt vài cửa hàng bán sách thì chỉ như: phủi bụi.