Cuối năm, lãi suất cho vay có giảm?

ANTD.VN - Nhu cầu vốn của nền kinh tế các tháng cuối năm khá cao, nhiều ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất huy động đối với một số kỳ hạn, đồng thời tung ra các chương trình khuyến mại nhằm thu hút tiền gửi. 

Lãi suất huy động đã tăng nhẹ, trong khi lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm

Gần đây, nhiều ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mại dành cho khách hàng gửi tiết kiệm. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng lãi suất kỳ hạn 15 tháng 7,5%/năm, kỳ hạn 18 tháng 7,8%/năm, kỳ hạn 24 tháng 8%/năm và cứ 200 triệu đồng tiền gửi được tặng quà bằng hiện vật hoặc tiền mặt 300.000 đồng. Riêng khách hàng gửi tiền đến hạn 15 tháng tiếp tục gửi kỳ hạn 18, 24, 36 tháng sẽ được cộng thêm 0,1% lãi suất. Các mức lãi suất này tăng khoảng 0,4-0,5%/năm so với biểu lãi suất thông thường.

Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), người gửi ít nhất 10 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 7,4%/năm sẽ được tặng 0,2% lãi suất, đồng thời tặng thêm 0,2%/số tiền gửi. Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) cũng có chương trình khuyến mại lớn…

Lãi suất huy động tăng nhẹ

Theo quan sát thị trường, lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng TMCP nhỏ đã tăng khoảng 0,1-0,4%. Khảo sát của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho thấy từ giữa tháng 9-2017, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 1 tháng, 6 tháng tăng nhẹ từ 4,5%/năm lên 4,7%/năm và từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm.

Xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động, theo các chuyên gia là để các ngân hàng cạnh tranh, giữ khách hàng. Đối với các tổ chức tín dụng nhỏ, lãi suất huy động tăng cuối năm còn nhằm đảm bảo các chỉ tiêu theo tỉ lệ an toàn mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Đặc biệt trong điều kiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vừa được nới từ mức 18% lên 21-22% thì các ngân hàng cần thêm một lượng vốn lớn để bơm ra thị trường.

Trong khi đó, một số ngân hàng đang rơi vào cảnh khó huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng do “án” cho vay không đúng quy định dẫn đến phải tăng cường huy động trong dân cư.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước mới công bố, đa phần các tổ chức  tín dụng đều kỳ vọng lãi suất những tháng cuối năm sẽ giảm.

Dự báo về diễn biến lãi suất trong quý IV-2017, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có bình quân kỳ vọng giảm đối với cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi  là 0,06 - 0,15 điểm phần trăm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP lớn có bình quân kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh nhất (-0,45 điểm phần trăm) và lãi suất tiền gửi tăng cao nhất (+0,57 điểm phần trăm).

Bình quân toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng giảm 0,22 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay và tăng 0,17 điểm phần trăm đối với lãi suất tiền gửi trong quý IV-2017.

Còn dư địa giảm lãi vay

Đánh giá về xu hướng lãi suất quý IV, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể là áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Dollar Index đã giảm khá mạnh. Lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%).

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ các tháng cuối năm chỉ còn chưa tới 20% kế hoạch, lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng khoảng 1 - 1,5 điểm % so với đầu năm 2017. Và cuối cùng là yếu tố hỗ trợ từ phía cơ chế, pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện giảm bớt nợ xấu, từ đó giảm lãi suất.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh lên 21% sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay những tháng cuối năm. Do đó, xu hướng lãi suất nên tuân theo quy luật thị trường thay vì can thiệp bằng biện pháp hành chính.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dù phải thực hiện khá nhiều mục tiêu, nhưng hệ thống ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6,9%/năm của quý II xuống còn 6-6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,5-1%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh...

Vì vậy, theo TS Võ Trí Thành, không nên có sự can thiệp tạo sức ép giảm lãi suất mà nên để tự thị trường điều chỉnh, nếu không sẽ gây méo hoạt động của thị trường. “Lãi suất là giá cả hàng hóa và được quyết định theo cung cầu thị trường. Mức lãi suất như hiện nay là phù hợp và nên tiếp tục được duy trì” - TS Võ Trí Thành nói.