Cuối năm, dịch vụ đổi tiền lẻ lại "nóng"

ANTD.VN - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng dịch vụ đổi tiển lẻ đã khá sôi động. Những năm gần đây, dịch vụ này đã không còn lộ liễu ở trên những con phố mà chủ yếu được quảng bá trên mạng xã hội.

Dịch vụ đổi tiền lẻ trực tiếp hiện chỉ còn rất ít, một vài điểm quanh các ngôi chùa lớn như Chùa Hà với chỉ một số loại tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 – 2.000 – 5.000 đồng. Trong khi đó, chỉ cần gõ cụm từ “đổi tiền lẻ” hay “đổi tiền mới” trên các công cụ tìm kiếm, dễ dàng tìm thấy hàng chục triệu kết quả. Người có nhu cầu chỉ việc ngồi nhà, gọi điện hoặc nhắn tin thì sẽ có người mang tiền đến tận nhà đổi.

Khảo sát trên một số trang đổi tiền lẻ đứng đầu danh sách tìm kiếm của google, có thể thấy mức phí phổ biến dao động từ 3 - 20% tùy mệnh giá và tùy lượng tiền đổi. Mệnh giá tiền càng cao thì chi phí đổi càng thấp. Ví dụ một website quảng cáo dịch vụ đổi tiền niêm yết phí đổi tiền mệnh giá 100.000 đồng từ 3% (với số tiền đổi trên 5 triệu đồng) đến 5% (với số tiền đổi dưới 5 triệu đồng). Tương tự, tiền 50.000 đồng mức phí 4-6%; tiền 20.000 đồng và 10.000 đồng phí 4-6%; 5.000 đồng mức phí 5-10%. Tiền 1.000 đồng và 2.000 đồng mức phí lên đến 15-20%.

Riêng tiền 500 đồng, năm nay hầu hết các điểm kinh doanh đổi tiền lẻ đều không thấy niêm yết, do Ngân hàng Nhà nước đã ngưng phát hành loại tiền này. Một vài nơi quảng cáo có đổi tiền 500 đồng nhưng mức phí đổi rất cao, 100 tờ 500 đồng (trị giá 50.000 đồng) phải trả mức phí lên đến 200.000 đồng.

Ngoài mức phí phổ biến nêu trên, nhiều điểm đổi tiền lẻ còn niêm yết một số loại tiền mới đặc biệt với mức phí cao. Chẳng hạn, bộ 10 tờ 1.000 đồng seri tứ quý có giá lên tới 200.000 đồng; bộ 10 tờ 2.000 đồng giá 220.000 đồng; 10 tờ 5.000 đồng giá 300.000 đồng.

Ngoài tiền Việt, địa chỉ đổi tiền lẻ còn nhận đổi cả các loại tiền thường được mọi người mừng tuổi dịp đầu năm như tiền 2USD, tiền xu, tiền một số quốc gia khác…

Dù bị cấm nhưng dịch vụ đổi tiền mới có phí vẫn sôi động mỗi dịp gần Tết

Có thể thấy năm nào gần dịp Tết nhu cầu đổi tiền lẻ cũng tăng cao, đặc biệt là những loại tiền mệnh giá nhỏ, nguyên seri chưa qua sử dụng. Số tiền lẻ này hầu như không được dùng làm phương tiện thanh toán mà được sử dụng vào các hoạt động tín ngưỡng như đi lễ hội, đền chùa...

Theo Ngân hàng Nhà nước việc đổi tiền thu phí là không hợp pháp là vi phạm quy định của Nhà nước, trong đó Nghị định 96 đã quy định rõ xử phạt với mức phạt lên tới 40 triệu đồng đối với cá nhân và chế tài phạt gấp đôi đối với tổ chức.

Để hạn chế tình trạng này, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành  phố để chi ra lưu thông mà không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri.

Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ trong dân vẫn rất lớn, chính vì vậy, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngày càng nở rộ và mức phí cũng ngày càng cao.