Cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tờ trình mới nhất của Chính phủ nêu, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam sẽ do Bộ GTVT đảm nhiệm và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Đây là tờ trình lần thứ tư về dự án kể từ tháng 9/2021 tới nay.

Trong tờ trình lần này, Chính phủ cũng báo cáo, tiếp thu, giải trình kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội.

Trong tờ trình của Chính phủ lần này về tổ chức thực hiện dự án, Chính phủ vẫn đề xuất Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án, trừ các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đề xuất riêng.

Tại Tờ trình lần này, Chính phủ đã bỏ nội dung "trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó".

12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam sẽ được cấp tập triển khai trong giai đoạn 2022-2025

12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam sẽ được cấp tập triển khai trong giai đoạn 2022-2025

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Toàn bộ 12 dự án thành phần triển khai theo hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481ha. Giải phóng mặt bằng tất cả các dự án theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 146.990 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 95.800 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.000 tỷ đồng (khoảng 14.983 hộ dân bị ảnh hưởng); chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 12.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng 20.000 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án: chuẩn bị dự án năm 2021-2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và giải phóng mặt bằng tái định cư năm 2022-2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Với tiến độ trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp, đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần, và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến. Còn các đoạn có yêu cầu kỹ thuật phức tạp như xây cầu, hầm lớn, nền đường phải xử lý đất yếu... sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương.