Cưới hỏi theo thời

ANTD.VN - Là nói đến chuyện phong tục từ vạn cổ nước Việt ta mà thôi. “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác…” là những câu đúc rút khái quát trong áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” mà Nguyễn Trãi đã viết vào năm 1428.

Cưới hỏi theo thời ảnh 1Một đám cưới Hà Nội xưa

Đã gọi là phong tục thì phần lớn hiển nhiên là theo phép tắc của cư dân những vùng địa lý nhất định. Không thể mang phong tục chỗ này áp đặt vào chỗ kia. Cưới hỏi là phong tục cổ truyền lâu đời nhất của người Việt cũng mang tính tương đối ở những vùng miền và giai đoạn lịch sử khác nhau. Điểm chung nhất chỉ là cái đích đến của sự kiện. Trai trở nên có vợ và gái có chồng. Chỉ đổi khác chủ thể hôn lễ khi mà chế độ quân chủ thay thế cho chế độ mẫu hệ. Đại khái trước khi Hùng Vương thách cưới “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” thì các bà mới là người làm việc ấy.

Lịch sử của người Việt còn ghi nhận một hình thái hôn nhân không cưới hỏi. Đó là vào những giai đoạn hoặc những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Ví như Chử Đồng Tử là anh nhà chài nghèo khó không có nổi chiếc khố đeo trên người bỗng một hôm được công chúa Tiên Dung cưới về làm phò mã. Hoặc anh cu Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân chỉ bằng bốn bát bánh đúc mà “nhặt” được vợ. Những cuộc hôn nhân tình cờ như thế thời nào cũng có. Cho đến tận bây giờ.

Hôn nhân của người Hà Nội trước hòa bình 1954 vẫn theo lối cũ gồm có rườm rà sáu lễ tất cả. Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Nạp tệ, Thỉnh kì, Thân nghinh. Ba lễ đầu tiên chủ yếu cho nhà trai nhà gái tìm hiểu tuổi tác hoàn cảnh đôi bên nhằm tránh những xung khắc tướng số cô dâu chú rể và cặn kẽ đến tận mẹ chồng nàng dâu. Chỉ sau lễ Nạp tệ mới coi như cuộc hôn nhân đã được định đoạt. Và cũng chỉ đến lúc ấy trai gái mới có quyền tâm sự công khai bằng đôi vần thơ nhung nhớ gửi trao hoặc đến nhà nhau uống chén trà nguội dưới sự kiểm soát lịch sự mà khắt khe của nhà gái.

Sau hòa bình, người Hà Nội thực hiện nếp sống mới do chính quyền cách mạng vận động. Việc cưới hỏi trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thị dân cũ chỉ còn duy trì ba lễ. Dạm ngõ (Nạp thái), Ăn hỏi (Vấn danh), Thành hôn (Thân nghinh). Thị dân mới nhiều người chỉ còn theo hai lễ Ăn hỏi, Thành hôn mà thôi. Nếp sống hôn nhân này lần đầu tiên đề cao giá trị dân chủ của công cuộc tìm hiểu giữa người nam và người nữ. Nó bớt đi được khá nhiều nhiêu khê phức tạp của tập tục cũ cũng là bớt đi sự can thiệp của người khác vào chủ thể của cuộc hôn nhân. Thế nhưng cũng có mặt tiêu cực của nó. Đó là hình như đã giảm bớt đi phần trách nhiệm của những người trong cuộc. Một trong những nguyên nhân khiến cho hôn nhân trở nên kém bền vững. 

Đám cưới Hà Nội cho đến thập kỷ 70 thế kỷ trước vẫn chủ yếu tổ chức tại nhà. Cả thành phố chỉ có vài ba phòng cưới cho thuê. Phòng cưới Hòa Bình ở đầu phố Bà Triệu, phòng cưới Trăm Hoa ở dốc Bà Triệu, phòng cưới Thủ Đô ở gần ga Hàng Cỏ… Những phòng cưới này quanh năm chỉ có mùa cưới vào tháng mười âm lịch cho đến trước Tết Nguyên đán là có khách. Cũng phải những gia đình có điều kiện mới đủ tiền thuê phòng cưới. Đó là những phòng cưới tiệc ngọt trong một căn phòng rộng chưa đến trăm mét vuông. Bàn ghế hai hàng dọc bày bánh kẹo thuốc lá nước chè. Người nhấm nháp tại chỗ thì ít mà bỏ túi mang về thì nhiều nên đám nào cũng hết nhẵn. Có tiền thuê thêm dàn nhạc sống của mấy tay đàn ghi ta chơi biến tấu những bản nhạc thời chiến thành ra êm dịu hoặc nhí nhảnh tươi vui. Chỉ bánh kẹo, thuốc lá Tam Đảo và trà nguội thôi nhưng cũng đủ sức hình thành nên cả một đội ngũ đi dự đám cưới “lậu”. Nghĩa là không phải khách của nhà trai cũng chẳng phải khách nhà gái.

Bước sang thập kỷ 80, đám cưới ở thành phố càng giản tiện hơn nữa bởi lúc này chế độ bao cấp đã lên đến đỉnh điểm khó khăn. Đã có nhiều đám cưới được tổ chức ở cơ quan bởi cũng không còn nhà riêng nào đủ chỗ làm đám cưới. Thuê phòng cưới lại càng không vì chẳng cô dâu chú rể nào có đủ tiền. Nhiều đám cưới còn bỏ qua cả thủ tục chụp ảnh lưu niệm. Và áo quần lam lũ sau chiến tranh khiến cho khách khứa chỉ còn nhận ra cô dâu chú rể khác người thường ở chỗ có cài bông hoa trước ngực.

Cưới hỏi theo thời ảnh 2Khách mời dự đám cưới thập niên 1960-1970 (Ảnh Internet)

Như một cách để thị dân truy lĩnh lại những tháng năm chiến tranh gian khổ, đám cưới ở Hà Nội hơn chục năm gần đây có nhiều biến đổi phi thường. Một phần du nhập lối sống phương Tây trưởng giả và phần khác khôi phục lại nếp cũ nhiêu khê phiền toái rườm rà. Một đám ăn hỏi thôi cũng phải thuê đông đàn dài lũ đi bưng tráp quả phủ vải điều. Tùy theo nhà gái thách cưới 9 hay 7 tráp mà bố trí cho đủ nhân sự. Ngày giờ chọn kỹ lưỡng, nhà trai dù có đến sớm cũng phải đứng ngoài cửa mà đợi. Lỡ tắc đường phải cử người đến trước thông báo cho nhà gái chọn giờ mới. Lễ vật ăn hỏi thường được người già nhất bên nhà gái đứng ra mở lễ chia phần. Phần sai cô dâu chú rể mang lên bàn thờ gia tiên. Phần khác chia cho con cháu trong nhà. Một phần là lại quả cho nhà trai. Những bàn tay già run rẩy tám chín chục xuân với cặp mắt kèm nhèm tháo được trăm mối dán băng dính trong suốt không hề dễ. Đã thế việc này lại kiêng kỵ tuyệt đối không được dùng dao kéo. Sợ rằng đôi trẻ dễ chia lìa.

Sau lễ ăn hỏi, trai gái bắt tay vào việc chụp ảnh cưới. Nhà ít tiền chụp độ trăm tấm ảnh cô dâu chú rể dạo bước quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Nhà có điều kiện mang thợ ảnh ra nước ngoài ôm hôn nhau chụp kỷ niệm bên tháp Eiffel - Paris hoặc õng ẹo ẻo lả bên mấy cô diễn viên chuyển giới ở Pattaya - Thái Lan. Chụp ảnh dạng này phải chi đến tiền tỷ. Chẳng sao cả. Ai lại đi tính giá kỷ niệm bao giờ!

Tiệc cưới phần lớn được làm theo lối công nghiệp ở những nhà hàng khách sạn lớn. MC thao thao bất tuyệt nói những câu trơn tuột không thể vô duyên hơn. Nhạc mở không thể to hơn và pháo giấy bì bọp nổ như rũ chiếc váy ướt. Cỗ bàn với những món giống hệt nhau ít nhất là trong mùa cưới ấy của vài nhà hàng cung cấp tiệc cưới trong thành phố đảm nhiệm. Khách đi dự hai đám cưới một ngày chắc chắn được ăn hai bữa cỗ giống nhau đến cả chiếc tăm cài trong bao giấy có in chữ song hỷ màu đỏ. Một tháng dùng đến năm chiếc tăm ấy là vừa vặn hết lương. Nếu tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn 5 sao có dàn nhạc sống kéo violon và các thiên thần trẻ con nâng váy cưới cô dâu thì tiền mừng 1 triệu đồng là chưa đủ suất ăn của mình.

Thế nhưng tình hình hôn nhân bây giờ hình như lỏng lẻo hơn trước nhiều. Có những “hotgirl” chưa đầy 30 đã kịp làm đến bốn đám cưới như vậy. Tốt thôi. Chí ít cũng nuôi sống được dăm tờ báo lá cải trong vòng một tuần lễ.

Cưới hỏi là phong tục cổ truyền lâu đời nhất của người Việt cũng mang tính tương đối ở những vùng miền và giai đoạn lịch sử khác nhau. Điểm chung nhất chỉ là cái đích đến của sự kiện. Trai trở nên có vợ và gái có chồng.