Những cuộc vượt ngục gay cấn như phim hành động

Cuộc vượt ngục kinh hoàng bằng thuốc nổ của tên cướp cực kỳ nguy hiểm

ANTĐ - Antonio Ferrara, tên cướp nổi tiếng nhất nước Pháp phải trả lời 21 câu hỏi về cuộc đào tẩu hi hữu khỏi trại giam Fresnes. Cảnh sát chống khủng bố GIGN phụ trách áp tải tên tội phạm này bằng ô tô bọc thép, chân và tay hắn bị xiềng xích, cấm mở mũ trùm đầu và băng keo dán mắt cho đến khi tới cửa phòng xử án. Một chiếc trực thăng giám sát đoàn áp tải tù nhân. Trong thời gian diễn ra phiên xét xử, tòa án đã bị biến thành pháo đài thiết giáp, không một chi tiết nào được bỏ sót, kể cả kịch bản bắt cóc một quan tòa.

Quá khứ bất hảo với những vụ cướp động trời

Antonio Ferrara còn có biệt danh Nino hay Suco sinh ngày 12-10-1973 gần thành phố Napoli của Italia. Năm 1983, cả gia đình Ferrara chuyển đến sinh sống tại quận Val-de-Marne, ngoại ô Thủ đô Paris. Cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, nên năm 16 tuổi Ferrara bỏ học. Hắn làm đủ thứ việc để mưu sinh. Nhưng chẳng có việc gì hắn làm được đến quá hai, ba tháng do tính tình hay gây gổ của mình. Hậu quả là, chẳng nơi nào làm ăn tử tế chấp nhận hắn. 

Năm 18 tuổi, Ferrara với gương mặt lạnh lùng và ăn ảnh đã thu hút sự chú ý của một tay săn người mẫu đồng tính tên là Olivier Masson. Dĩ nhiên để có đất sống, Ferrara phải đồng ý chấp thuận cuộc tình đồng tính bệnh hoạn với Masson. Nhưng chẳng bao lâu sau, Ferrara được Masson bán sang tay cho một hãng người mẫu. Không ngờ đây là vận may cho Ferrara, hắn bắt đầu trở thành một trong những người mẫu nam đắt khách của hãng này. Đây là lý do khiến Ferrara được gọi là “vua sắc đẹp”. Vậy nhưng chưa đầy 2 năm sau, Ferrara đã bỏ nghề người mẫu để trở thành trùm tội phạm chuyên nghiệp.

Năm 1994, Ferrara tập hợp một số tên tội phạm người Italia dạt đến Pháp và lập ra một băng nhóm tội phạm chuyên tổ chức các vụ cướp có vũ trang hùng cứ tại quận Val-de-Marne. Tháng 7-1997, Ferrara bị bắt giữ khi tổ chức cướp tiền tại một bưu điện ở Joinville-le-Pont, khu ngoại ô phía Tây Thủ đô Paris. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày bị giam giữ tại nhà tù Fresnes, Ferrara đã vượt ngục.

Ngày 26-12-2000, tại khu Gentilly thuộc quận Val-de-Marne, đã xảy ra một vụ cướp xe chở tiền táo bạo. Bị rơi vào ổ phục kích của 6 tên tội phạm di chuyển trên 3 chiếc xe, chiếc xe chở tiền của Hãng Brink’s đã nổ tung bởi những thỏi thuốc nổ gắn một cách chuyên nghiệp vào cửa sau bọc thép của chiếc xe. Chỉ trong vòng có vài phút, bọn tội phạm đã cướp 6 triệu euro và bỏ trốn. 

Tích cực điều tra vụ cướp, cảnh sát không chỉ thu hồi được 1/3 số tiền bị cướp mà còn phát hiện tên chỉ huy vụ cướp không ai khác là Ferrara. Sau một chiến dịch truy bắt gắt gao, ngày 13-7-2002, Ferrara bị bắt. Lục soát nhiều nơi trú ngụ của Ferrara, cảnh sát thu giữ được cả một kho vũ khí lớn gồm hàng chục súng AK-47, súng ngắn đủ loại, súng bắn tên lửa, lựu đạn, gần 50kg đạn các loại và chất nổ. Đặc biệt, đây là loại chất nổ mà Ferrara dùng để phá xe chở tiền của Hãng Brink’s.

Vụ vượt ngục táo tợn nhất trong lịch sử nước Pháp

Tuy nhiên, trong khi đang bị giam giữ tại nhà tù Fresnes để đợi tuyên án, Ferrara đã tổ chức vượt ngục gây chấn động nước Pháp vào ngày 12-3-2003. Để chuẩn bị cho vụ vượt ngục này, với sự giúp đỡ của một nhân viên giám thị biến chất và luật sư riêng, thuốc nổ đã được tuồn vào buồng giam cho Ferrara. Sau đó, hắn ta bất tuân lệnh giám thị để chuyển sang khu vực bị biệt giam ở gần cửa phía sau của nhà tù rất dễ đào thoát. Sáng sớm ngày 12-3-2003, đồng phạm của Ferrara đã đốt một số xe hơi gần trại giam để đánh lạc hướng sự chú ý của bảo vệ trại giam. 

Đúng 4 giờ 30 phút, đồng bọn ở bên ngoài chia thành hai nhóm, một nhóm dùng súng tự động bắn xối xả vào các trạm gác quanh nhà tù, trong khi nhóm thứ hai dùng súng phóng tên lửa bắn phá cổng sau rồi cho nổ các khối thuốc nổ tạo nên những lỗ thủng trên các bức tường bên trong trại giam. Nhân lúc lực lượng bảo vệ và giám thị bị rối loạn, Ferrara đã dùng thuốc nổ phá chấn song cửa sổ buồng giam thoát ra ngoài và được đồng bọn đón bằng xe hơi rời khỏi Thủ đô Paris xuôi xuống miền Nam. Vụ vượt ngục chỉ diễn ra đúng 15 phút. 

Chiều ngày 10-7-2003, Ferrara bị phát hiện tại một quán rượu ở quận 12 của Thủ đô Paris cùng 2 tên đồng bọn. Cho dù hắn đã nhuộm tóc và giải phẫu một số bộ phận của gương mặt nhưng vẫn bị nhận dạng. Lập tức 140 nhân viên thuộc hai đơn vị cảnh sát đặc nhiệm của Bộ Nội vụ là BRB (Cảnh sát trấn áp tội phạm có tổ chức) và BRI (Cảnh sát trấn áp tội phạm nội đô) tiến hành bao vây quán rượu và bắt giữ Ferrara cùng đồng bọn. 

Để tránh xảy ra một vụ vượt ngục tương tự, lần này Ferrara được chuyển đến giam giữ tại nhà tù 

Fleury-Mérogis theo một chế độ giam giữ đặc biệt. Ferrara bị cách ly và giám sát 24/24 tiếng đồng hồ và liên tục chuyển đổi phòng giam. Vậy mà vào ngày 11-12-2005, chỉ hơn 2 tháng trước khi diễn ra phiên tòa đầu tiên xét xử, Ferrara lại tìm cách vượt ngục nhưng không thành. Sau vụ việc này, Ferrara là cái tên dẫn đầu trong danh sách những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm nhất nước Pháp.

Chiến dịch “đòn cân não”

Khi chứng kiến màn bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt, không một kẽ hở dành cho tên tội phạm Antonio Ferrara, hàng chục triệu người trên khắp thế giới không khỏi thắc mắc. Các phương tiện truyền thông đua nhau đưa tin, bình luận về màn “bày binh bố trận” tại Tòa án đại hình Paris. 

Cuộc vượt ngục của Fresnes được miêu tả lại trong một hồ sơ dày tới... 43 quyển. Người được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với Ferrara khi gã bị bắt lại sau lần vượt ngục khỏi nhà tù Fresnes vào sáng ngày 12-3-2003 là một viên cảnh sát cấp cao (giấu tên). Tại tòa, đòn cân não đầu tiên được tung ra với Ferrara, các điều tra viên đã để Ferrara ngồi chuyện trò với người mẹ. Các cảnh sát phát hiện ra rằng Ferrara đang mất bình tĩnh và hoang mang. Nhưng Ferrara cũng lấy lại được phong độ rất nhanh, chỉnh sửa tư thế ngồi và thái độ lại tỏ ra bất cần như lúc đầu. Đòn cân não thứ hai là trong phiên xử, Ban hội thẩm đưa ra cuốn video ghi lại toàn bộ cuộc vượt ngục sáng ngày 12-3-2003. Ferrara không dám nhìn, gã chỉ lướt qua chừng nửa giây rồi nhìn sang các bị cáo khác. 

Là một tên tội phạm chuyên nghiệp nên Ferrara vẫn bình tĩnh, cười nói, trả lời từng câu hỏi một cách trơn tru, ráo hoảnh về vụ vượt ngục. Khi quan tòa hỏi Ferrara phải chi cho “chiến dịch” vượt ngục bao nhiêu tiền, y cười ruồi, đáp “Một bao to tướng”! Nhưng y có phải là nhân vật chính duy nhất trong vụ vượt ngục này? Một danh sách dài những kẻ được tuyển mộ như: tài xế, người cho thuê phòng, làm giấy tờ giả, chuyên gia chất nổ... bị lôi ra ánh sáng. Như vậy ai là kẻ chủ mưu thực sự? 

Kết thúc bằng những bản án 

Phiên xử ngày 15-12-2008 diễn ra trong vòng an ninh được đặc biệt siết chặt với 90 cảnh sát làm nhiệm vụ. Ferrara đã thừa nhận mọi cáo buộc rồi  quay xuống nhìn người mẹ già khốn khổ, nói: “Con xin lỗi!”. Sau khi thẩm phán Lionel Moroni hỏi: “Sao bây giờ anh mới nói ra câu đó, điều gì đã khiến anh thay đổi?”. Tên tội phạm khét tiếng đã từng dọc ngang trời đất này chỉ trả lời bằng một câu ngắn gọn: “Chính những giọt nước mắt của mẹ ngày hôm nay”.

Trong thời gian từ tháng 2-2006 đến tháng 12-2008, đã diễn ra 3 phiên tòa để xét xử tội trạng của Ferrara với tổng cộng 43 năm tù. Trong đó: 15 năm tù được tuyên vào ngày 9-2-2006 về các tội vượt ngục khỏi nhà tù Fresnes vào năm 1997, cướp có vũ khí, bắt cóc con tin, giết người và bản án 11 năm tù giam được tuyên vào ngày 22-12-2006 về tội tổ chức cướp xe chở tiền của Hãng Brink’s tại quận Val-de-Marne.

18 đồng phạm cũng bị tuyên các mức án từ 4 - 15 năm tù, nhẹ nhất là án treo với các tội danh: hỗ trợ và tiếp tay cho vụ vượt ngục gây chấn động dư luận của Ferrara, phá hoại tài sản bằng thuốc nổ, đốt xe ôtô và vận chuyển vũ khí. Trong nhóm này có cả luật sư Karim Achoui, ông ta bị tuyên mức án 7 năm tù vì đã giúp thân chủ lên kế hoạch cho vụ đào tẩu và tiếp tay thực hiện; nhân viên bảo vệ trại giam Hocine Kroziz lĩnh án 12 năm tù có cùng tội danh với luật sư Achoui.