Cước vận tải vẫn chưa thể giảm theo xăng dầu

ANTĐ - Vào 14h chiều qua 7-6, giá xăng đã chính thức giảm thêm 800 đồng/lít, dầu giảm 700 đồng/lít, người tiêu dùng hy vọng, giá cả hàng hóa, trong đó có cước vận tải sẽ giảm theo. Tuy nhiên, mong mỏi này của người tiêu dùng một lần nữa lại rơi vào thất vọng. 

Xăng dầu giảm giá 3 đợt mà các công ty vận tải vẫn không giảm giá cước

Đại diện các Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (HHVTVN) cho rằng, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh nhưng mức giảm chưa đủ “ngưỡng” để giá cước có thể hạ. Vào ngày 23-5, giá xăng dầu cũng đã được điều chỉnh giảm tương ứng giá xăng là 600 đồng/lít, và giá dầu là 400 đồng/lít. Tuy nhiên, cước vận tải cũng như giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng không được giảm theo tương ứng. Nguyên nhân cũng không ngoài việc do xăng dầu giảm giá chưa đủ mạnh!

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HHVTVN, trong năm 2012, có hai đợt tăng giá xăng tổng cộng là 3.000 đồng/lít (đợt đầu ngày 7-3 với mức tăng 2.100 đồng/lít; đợt hai ngày 20-4 với mức tăng 900 đồng/lít), nhưng 3 đợt giảm giá chỉ có 1.900 đồng lít (ngày 9-5 giảm giảm 500 đồng/lít, ngày 23-5 giảm 600 đồng/lít và ngày 7-6 giảm 800 đồng/lít) cộng lại cũng chưa thể bằng đợt tăng giá xăng đầu nên giá cước vận tải sẽ không có sự điều chỉnh. “Việc giảm giá hai đợt như vậy chưa thể tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất, cũng như vận tải so với mức tăng giá hồi đầu năm. Sau ba lần điều chỉnh giảm giá xăng vẫn còn dương 1.100 đồng”, ông Hùng phân tích.

Còn với vận tải hành khách và vận tải hàng hóa chạy bằng dầu diezel, ông Hùng cho rằng, sau 2 lần giảm vẫn chưa quay lại mức cũ, nên cước vận tải chưa thể giảm ngay được! Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, 3 lần giảm giá xăng liên tiếp trong thời gian ngắn cũng là tín hiệu đáng mừng đối với doanh nghiệp vận tải trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Việc giảm giá xăng dầu giúp các đơn vị vận tải hồi sức và tái sản xuất mở rộng.

Còn đối với doanh nghiệp vận tải taxi, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi xăng tăng hai lần, một số hãng đã nâng giá cước. Hiện nay, với mức giảm giá xăng tổng cộng 1.900 đồng/lít có thể một số hãng này sẽ điều chỉnh mức giá để tăng tính cạnh tranh, nhưng sẽ không nhiều. Chi phí xăng dầu là chính yếu trong kinh doanh vận tải (chiếm 45% chi phí đầu vào). Vì vậy, giá xăng dầu tăng giảm liên tục cần phải tính toán hợp lý, tránh tác động đến việc doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước.

“HHVTVN cũng kiến nghị doanh nghiệp cần phải cân nhắc giá cước bởi nếu nâng giá lên người dân không chịu được sẽ kéo theo doanh thu thấp. Chỉ khi nào giá cước tăng, giảm trên hoặc bằng 10% thì mới tính đến chuyện điều chỉnh giá cước”, ông Hùng khẳng định. Bên cạnh đó, việc nâng, giảm giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, phát hành vé, niêm yết giá cước…

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, mức xăng giảm như hiện nay sẽ chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải, đồng thời sẽ không có hy vọng hạ giá cước. “Tuyến vận tải cố định giá vé không tăng sau hai lần tăng giá xăng vừa qua, nên giờ mức xăng có giảm cũng không ảnh hưởng. Duy chỉ có những doanh nghiệp đã tăng giá vé rồi sẽ phải xem xét liệu giá xăng có tiếp tục giảm nữa không thì mới có thể đưa ra những quyết sách”, ông Liên bày tỏ quan điểm.

Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp, thì các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động thái giảm giá cước. Trong khi đó, với đợt tăng giá xăng dầu vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, các loại cước vận tải như xe khách, vận tải hàng hóa, taxi đã được điều chỉnh tăng. Đến khi nào thì người tiêu dùng mới được các doanh nghiệp sòng phẳng trong biểu đồ tăng, giảm giá cả, dịch vụ?