Cước vận tải phớt lờ giá xăng dầu

ANTĐ - Giá xăng dầu tiếp tục giảm lần thứ 2 trong tháng này. Thêm vào đó, giữa tháng 6, Bộ Tài chính đã phải “lên tiếng” yêu cầu giảm giá cước vận tải. Nhưng, những động thái này dường như chỉ là đấm vào... không khí đối với các doanh nghiệp vận tải.

Vận tải khó chạy theo xăng dầu

Giá xăng giảm nhiều lần nhưng người dân phải trả giá dịch vụ vận tải cao

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã 6 lần tăng giảm, trong đó, 2 lần tăng tổng là 3.000 đồng/lít xăng và 1.500 đồng/lít dầu. Cùng với đó, sau 4 lần giảm, giá xăng đã giảm được 2.600 đồng/lít, giá dầu giảm 1.800 đồng/lít. Như vậy, sau 4 đợt giảm giá, giá xăng vẫn cao hơn mức cũ là 400 đồng/lít, duy có giá dầu diezel giảm sâu hơn 300 đồng/lít.

Ở đợt giảm giá vừa qua, Hiệp hội ô tô vận tải đã đề nghị các doanh nghiệp taxi giảm giá cước, với mức giảm từ 400-800 đồng/km. Trước đó, vào giữa tháng 3, giá taxi đồng loạt ở hai miền Nam và Bắc đã tăng từ 700-1.500 đồng/km. Lý giải cho mức đề nghị giảm cước đối với taxi ở mức 400-800 đồng/km, ông Hùng cho rằng, sau 4 lần giảm giá, xăng vẫn cao hơn mức cũ 400 đồng/lít, vì vậy, không thể giảm sâu hơn được.

Còn đối với cước vận tải hàng hóa, theo ông Hùng, do năm nay kinh tế khó khăn, hàng hóa vận chuyển ít, trong đợt tăng giá xăng dầu hồi cuối tháng 4, một số đơn vị đã điều chỉnh giá cước. Bởi vậy, trong đợt giảm giá này, ông Hùng khuyến cáo, nếu doanh nghiệp nào đã tăng thì nên giảm, tối thiểu là về mức cũ, hoặc có thể giảm sâu hơn để thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, với vận tải hành khách, qua hai đợt tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên giá cước. Nên dù ngày 21-6 vừa qua, xăng dầu có tiếp tục giảm, trong đó, giá dầu giảm sâu hơn mức cũ nhưng lại không đáng kể. So với mức giá trước ngày 10-3, thì giá dầu giảm sâu hơn 300 đồng/lít, chỉ chiếm 1,5% giá nhiên liệu, vì vậy, giá cước vận tải hành khách có giảm cũng chỉ ở mức 0,8%, không đáng kể, mà thủ tục lại phiền hà. “Xăng dầu có sự biến động rất thất thường, nếu giá cước vận tải cũng điều chỉnh lên xuống liên tục theo thì rất bất cập. Bởi vậy, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp, chỉ khi nào giá xăng dầu có sự biến động 10% trở lên hãy tính đến chuyện tăng giảm giá cước vận tải”, ông Hùng nói.

Chỉ đạo, vẫn làm ngơ?

Giá cước taxi được kỳ vọng giảm nhiều nhất sau đợt giảm giá xăng dầu vừa qua. Tuy nhiên, hiện nhiều hãng taxi vẫn đang nghe ngóng để có thể đưa ra mức điều chỉnh giá. Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT taxi Hương Lúa cho biết, hiện giá cước của hãng này vẫn thấp hơn so với các hãng khác là 500 đồng/km, vì vậy, hãng chưa có quyết định gì trong việc giảm giá cước. “Chúng tôi vẫn đang cân nhắc, tính toán các yếu tố chi phí đầu ra đầu vào rồi mới đi đến quyết định giảm hay không. Song, nếu có giảm cũng chưa thể giảm ngay được”, ông Sáu nói. Ông Sáu cho rằng, nếu có giảm, thì mức giảm cũng chỉ khoảng 300 đồng/km, có thể hãng này sẽ chờ đợt giảm giá xăng dầu tiếp theo rồi mới điều chỉnh cước taxi.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc taxi Nguyên Minh cho biết, trong hai đợt xăng dầu tăng giá trước đó, giá cước taxi của hãng chưa có sự điều chỉnh, nên lần này, giá xăng giảm thêm 700 đồng/lít cũng không tác động tới giá cước. “Các lần tăng giá xăng trước đó, hãng cũng đã dự đoán được việc lên giá không kéo dài, và chắc chắn sẽ hạ, nên giá cước kể từ đầu năm đến nay vẫn được giữ nguyên mức 11.000 đồng/km cho 20km đầu”, ông Minh nói. 

Trước đó, ngày 17-6, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện các giải pháp bình ổn giá trên địa bàn. Bộ này đề nghị các Sở Tài chính địa phương hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm. Đồng thời các sở cũng chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu) rà soát tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hóa, dịch vụ hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường, có tính đến yếu tố giảm giá xăng dầu và các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm một lần nữa nhưng chỉ đạo của Bộ Tài chính vẫn chưa mang lại hiệu quả.