Tổng thống Nga V.Putin:

“Cuộc sống thời chiến của cha mẹ tôi đầy khắc nghiệt nhưng không hận thù”

ANTĐ -“Trong chiến tranh, không có gia đình nào không có sự mất mát, hy sinh. Tất nhiên, trong đó có cả đau buồn, bất hạnh,  bi kịch, thậm chí có cả những gia đình phải chia lìa. Nhưng cha mẹ tôi, không một ai căm ghét kẻ thù, đó là điều làm tôi rất ngạc nhiên. Riêng cá nhân tôi, nói thật lòng, đến tận bây giờ tôi vẫn không thể hiểu hết được tấm lòng đó”. Đây là những tâm sự được Tổng thống Nga V.Putin chia sẻ với độc giả của Tạp chí “Pioneer - Tiền Phong” của Nga về cha mẹ mình trong những năm tháng khó khăn của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, đã trôi qua hơn 7 thập kỷ.
“Cuộc sống thời chiến của cha mẹ tôi đầy khắc nghiệt nhưng không hận thù” ảnh 1

Tổng thống Putin và cha mẹ

Mặc dù cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của người dân Liên Xô đã đi qua hơn 7 thập kỷ, nhưng những nỗi đau, mất mát quá lớn của những người dân Xô Viết do chiến tranh vẫn chưa thể lành. Trong khoảng thời gian 4 năm,  cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 8,6 triệu binh sĩ Hồng quân, trong đó hơn 3 triệu người lính đã bị sát hại trong các nhà lao của Đức Quốc xã, ngoài ra còn hàng chục triệu dân thường cũng bị thiệt mạng. Gia đình Tổng thống Putin cũng nằm trong số đó. 

Tổng thống Putin  thừa nhận rằng, có những chuyện trong gia đình đến bây giờ ông mới chia sẻ bởi “Thành thật mà nói, bố tôi không thích và không bao giờ muốn động chạm đến vấn đề này. Thường thì tôi hay nghe người lớn trò chuyện với nhau về những kỷ niệm của họ thời chiến tranh, trong đó có cả chuyện đau buồn về gia đình tôi, thế nhưng đôi khi họ lại muốn ngồi kể trực tiếp cho tôi nghe”. 

Sau khi bị thương, cha của Tổng thống Putin làm việc trong 1 trang trại

Cha - mảnh đạn nằm vĩnh viễn trong cơ thể 

Ông Vladimir Spiridonovich Putin, bố của Tổng thống Putin cũng là một quân nhân, ông tham gia quân ngũ vào năm 1939 thuộc đội du kích của Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD), đơn vị tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Nga (KBG) mà sau này đương kim Tổng thống Putin cũng tham gia.

Đơn vị đó có 28 chiến sĩ, nhưng sau một trận chiến chống lại sự càn quét của phát xít Đức ở thị trấn Kingisepp, giáp biên giới với Estonia, 24 người đã hy sinh, chỉ có ông Vladimir và 3 người khác còn sống. “Họ đã bị quân Đức phục kích vì chính người dân địa phương đã chỉ điểm. Nhưng cha tôi sống sót được là nhờ ông đã nằm ẩn mình dưới đầm lầy trong nhiều giờ và dùng cây sậy để thở, trong khi ông vẫn nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng bước chân của lính Đức Quốc xã truy lùng xung quanh”.

Sau đó, ông Vladimir được tổ chức chuyển về hoạt động ở Leningrad (St.Petersburg) và ông đã bị thương vì bị một tên lính Đức ném 2 quả lựu đạn về phía đội của ông. Dù bị thương nhưng ông vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ được giao là buộc phải trở lại bờ bên kia của sông Neva. “Lúc đó, sông Neva đã bị đóng băng hoàn toàn và được quân Đức canh phòng rất nghiêm ngặt với nhiều loại pháo và súng máy hạng nặng và cơ hội để thoát sang bờ bên kia chỉ một phần triệu”. 

Bố ông Putin đã bị thương và được một người quen đưa vào bệnh xá cấp cứu khi mảnh lựu đạn vẫn còn găm trong chân ông. Người đó đã ngồi chờ các bác sĩ phẫu thuật cho cha của ông Putin thành công mới rời khỏi bệnh viện. Một điều thú vị mà Tổng thống Putin muốn nhắc lại về câu chuyện của bố mình là rất tình cờ cha ông và vị ân nhân kia đã gặp lại nhau trong một cửa hàng tạp hóa ở Leningrad vào hồi đầu những năm 60 của thế kỷ trước. “Thật xúc động, họ đã khóc khi nhận ra nhau, những giọt nước mắt mừng tủi của những người lính”.

Bà ngoại chụp ảnh cùng mẹ con Tổng thống Putin

Anh trai - mất sớm vì bệnh bạch hầu khi mới 3 tuổi

Một chuyện đau lòng đối với gia đình Tổng thống Putin trong Thế chiến II là về cái chết của người anh trai Putin. Tuy bị thương nặng ở chân nhưng bố của Tổng thống Putin vẫn để dành hết những phần chế độ cho thương binh gửi về cho vợ và đứa con trai 3 tuổi. “Nạn đói hoành hành khắp nơi, cha tôi đã phải chia suất ăn bệnh nhân của mình cho mẹ tôi. Ông đã giấu cả bác sĩ lẫn y tá. Và mẹ tôi lại giấu giếm mang về nhà cho con. Sau đó, mẹ tôi cũng bị cấm vào bệnh viện thăm cha vì các bác sĩ, y tá đã nhận ra điều bất thường khi thấy cha tôi thường xuyên bị ngất xỉu vì đói”. 

Khi ấy, trẻ em được tập trung lại chuẩn bị đưa đi sơ tán khỏi thành phố. Nhưng thật không may, anh trai của Tổng thống Putin đã qua đời vì bệnh bạch hầu, theo lời kể của mẹ ông. “Khi đó, anh tôi được khoảng 3 tuổi, anh tôi bị bệnh và không thể cứu chữa được. Người ta không nói anh ấy được chôn cất ở đâu. Bố mẹ tôi vẫn không biết cho đến khi ông bà đã mất”. Tổng thống Putin cũng cho biết: “Năm ngoái, một số người đã tìm thấy trong kho lưu trữ tài liệu những giấy tờ liên quan đến anh trai tôi. Tên, tuổi, ngày sinh, địa chỉ gốc đều phù hợp với anh trai tôi, và đó chính là anh tôi”.

Mẹ là tất cả, rất nhẹ nhàng và thánh thiện, nhưng... suýt bị chôn sống

Sau khi mất đứa con trai 3 tuổi, mẹ của Tổng thống Putin, bà Maria Ivanovna chỉ còn lại một mình và bà bị ốm nặng. Các bác sĩ và y tá đều cho rằng, bà không thể sống tiếp được nên đưa bà lên cáng mang đi chôn cất cùng nhiều thi thể khác.

Rất may, đúng thời điểm đó, cha của ông đã kịp về tới nhà. “Khi cha tôi về tới nhà, ông thấy rất nhiều thi thể trong làng được khiêng đi mai táng, trong đó có cả mẹ tôi và ông phát hiện mẹ tôi còn thở, ông hét toáng lên “Cô ấy còn thở”. Ông đã lấy nạng gỗ gạt các y tá ra và một mình chăm sóc mẹ tôi. Mẹ tôi đã được cứu sống. Mẹ tôi đã qua khỏi và sau này sống với chúng tôi tới năm 1999 thì qua đời, 1 năm sau khi cha tôi mất”. Ông Putin tâm sự: “Tôi là một đứa trẻ được sinh ra muộn. Mẹ sinh tôi lúc bà đã 41 tuổi. Mẹ là tất cả những gì quý giá nhất đối với tôi, rất nhẹ nhàng và thánh thiện”.

Mất mát, hy sinh quá lớn, nhưng không hận thù 

Vào những năm tháng khốc liệt nhất của Thế chiến II, cha mẹ của Tổng thống Putin đã chuyển về quê nhà ở tỉnh Tver, sau khi phá được vòng vây hãm của quân phát xít Đức và sống ở đó đến khi chiến tranh kết thúc. Gia đình bố ông cũng đông anh em, bố ông có 6  anh chị em nhưng 5 người đã hy sinh trong cuộc chiến. “Đó thực sự là bi kịch đối với gia đình ông bà nội tôi”, ông kể. Còn về gia đình bên ngoại của Tổng thống Putin, anh chị em của mẹ ông cũng có một vài người hy sinh. 

Tuy nhiên, những khó khăn, bi kịch của cuộc chiến đã không thể biến cha mẹ ông trở thành những con người độc ác, nuôi dưỡng hận thù. “Mặc dù gặp phải rất nhiều những mất mát, hy sinh, đau khổ, bất hạnh, nhưng cha mẹ tôi không hề hận thù. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi bảo: “Những người lính (Đức) thì làm gì có cái gì để chúng ta căm ghét. Họ cũng chỉ là những công nhân nghèo như chúng ta thôi nhưng đã bị đẩy vào trong cuộc chiến này. Đó là một phần những gì tôi nhớ được từ thời thơ ấu về cha mẹ. Quả thật, cuộc sống tuy đơn giản nhưng đầy khắc nghiệt”, Tổng thống Putin nói.