Cuộc sống dưới họng súng cướp biển

ANTĐ - Kể từ khi bị bắt cóc cho đến ngày được thả, lúc nào trên tàu cũng có từ 20-30 tay súng hải tặc “chăm sóc” các thuyền viên.

Hằng ngày, 20-30 tay súng cướp biển Somalia canh giữ các thuyền viên và chỉ thả họ sau khi một máy bay mang tiền chuộc đến.

Thuyền viên Đỗ Minh Thắng (phải) vẫn chưa hết bàng hoàng sau những ngày tháng sống dưới họng súng của bọn cướp biển Somalia


Sau 8 tháng các thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt giữ, đúng 15 giờ ngày 23-9, chuyến bay đặc biệt chở 24 thuyền viên tàu Hoàng Sơn Sun hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Dù vui mừng khôn xiết vì đã trở về với đất mẹ, đoàn tụ cùng gia đình nhưng trên gương mặt những thuyền viên này vẫn đọng lại nét sợ hãi và những tủi nhục khi bị giam giữ nơi xứ lạ.

Sống dưới họng súng

Sau thời gian phải chịu cơ cực, tất cả các thuyền viên đều gầy gò và đen đúa. Anh Đỗ Minh Thắng (SN 1984, trú phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) cho biết: Lần đầu tiên đi biển thì anh đã gặp nạn. Hơn 8 tháng bị giam giữ, Thắng gầy đi mất 8 kg.

 Thắng kể lại những ngày tủi nhục đã qua mà giọng còn thảng thốt: “Bọn cướp tấn công tàu vào buổi chiều. Lúc đó vừa hết ca trực, tôi đang nằm trong phòng thuyền viên thì được gọi lên boong tàu cùng những người khác qua hệ thống bộ đàm. Vừa lên boong, tôi thấy bọn cướp khoảng 20 tên đã ở trên tàu, tay lăm lăm súng AK, tiểu liên, B40… Cặp mạn tàu là những chiếc xuồng cao tốc của bọn cướp. Sau đó, bọn cướp lục lọi lấy đi tất cả từ tiền, trang sức, điện thoại, thậm chí cả quần áo và lương thực của các thuyền viên rồi đẩy chúng tôi vào buồng lái nhốt lại. Chúng đưa tàu Hoàng Sơn Sun về vùng biển Somalia, đậu cách bờ khoảng 3 hải lý”.

Những ngày đầu, bọn cướp cũng cho các con tin gọi điện về gia đình và công ty. Đây là cách chúng gây sức ép đòi tiền chuộc. Kể từ khi bị bắt cóc cho đến ngày được thả, lúc nào trên tàu cũng có từ 20-30 tay súng “chăm sóc” các thuyền viên. Họ cũng chỉ được quanh quẩn tại phòng lái với diện tích khoảng chục mét vuông. Thậm chí, khi đi vệ sinh, con tin cũng bị  2 tay súng canh trước cửa. Đỗ Minh Thắng cho biết chúng bố trí đông người canh gác không phải vì sợ con tin bỏ trốn mà sợ các nhóm hải tặc khác cướp tàu, cướp người vì khu vực này còn nhiều toán cướp biển khác hoạt động.

Bị bỏ đói và phơi nắng

Thuyền phó 3 Ngô Văn Trung (SN 1982, ngụ huyện An Lão, TP Hải Phòng) tâm sự từ khi bị bắt giữ, toàn bộ thuyền viên xác định “không có ngày về”. Tuy không bị bọn cướp đánh đập nhưng thỉnh thoảng, hải tặc lại tra tấn các con tin bằng cách bắt họ ra phơi nắng hàng giờ liền trên boong tàu, thậm chí còn bỏ đói. Nguồn thức ăn chính trên tàu là khoai tây và bột mì mà bọn cướp bố thí cho.

Trong số thuyền viên, thủy thủ trưởng Đặng Hữu Thái là người được nhóm cướp biển “ưu ái” cho ra boong tàu câu cá để làm thức ăn. Lúc đầu, câu được nhiều cá, anh Thái nảy ra sáng kiến phơi khô để ăn dần. Sau đó, không hiểu sao, cứ vài tuần bọn cướp lại bắt chạy tàu đi vài chục hải lý rồi quay về đỗ cách bờ 3 hải lý. Do khu vực này nước đục, cá không cắn câu nên thứa ăn cũng không còn như trước. Rau xanh là niềm mơ ước của các thuyền viên nhưng suốt thời gian ấy họ không có được ngọn rau nào.

Chỉ quanh quẩn ở phòng lái rộng khoảng chục mét vuông cùng mọi người, trong thời gian bị giam giữ, máy trưởng Bùi Thái Hùng, SN 1953, đã ghi lại nhật ký những ngày tủi hổ bị cướp biển giam giữ bằng những vần thơ. Ông Hùng cho biết cho đến khi về đến Việt Nam, ông đã làm được gần trăm bài thơ. Đêm giao thừa Tết Tân Mão vừa qua, vị máy trưởng này đã làm một bài thơ đón Tết “Chiều ba mươi Tết ăn da dê, cá nướng, miến măng ngóng ngày về…”. Ông Hùng giải thích: “Đón giao thừa mà anh em chỉ có vài con cá nướng và miếng da dê mà bọn cướp bỏ đi sau khi chúng ăn thừa mứa…”.

Thả tiền chuộc xuống biển

Khi được bọn cướp cho biết chuẩn bị nhận tiền chuộc, đoàn thủy thủ cả đêm mất ngủ. Đến ngày 16-9, một chiếc máy bay thể thao xuất hiện thả các túi tiền xuống rìa biển để bọn cướp dùng xuồng máy ra lấy. Tối 19-9, bọn cướp đã phóng thích tàu và các thuyền viên. Hai ngày sau, tàu về đến Oman và đến ngày 23-9, các thuyền viên được lên máy bay quá cảnh qua vài nước đến Thái Lan rồi bay thẳng về sân bay Nội Bài, kết thúc hành trình gian khổ.

Dù phải chịu bao cực khổ nhưng thuyền viên Đỗ Minh Thắng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đi biển vì với anh, đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp.