Cuộc sống đáng mơ ước khi xe ô tô bị cấm ở trung tâm phố cổ

ANTD.VN - Ở Pontevedra, thành phố miền Tây Bắc Tây Ban Nha, thay vì tiếng động cơ, tiếng còi xe náo động khắp phố, giờ chỉ còn tiếng chim chóc, tiếng cười nói của người dân. Mọi chuyện thay đổi tích cực từ sau quyết định trọng đại của Thị trưởng Miguel Anxo Fernández Lores.

“Trước khi tôi trở thành Thị trưởng, 14.000 xe ô tô đi ngang qua phố này mỗi ngày. Số lượng xe lưu thông trong một ngày còn nhiều hơn cư dân sống ở đây”, Thị trưởng Miguel Anxo Fernández Lores vừa mở cửa sổ văn phòng vừa nói. Nhậm chức Thị trưởng từ năm 1999, triết lý của ông Fernández Lores rất đơn giản: “Sở hữu một chiếc xe không cho bạn quyền chiếm không gian công cộng”. 

Cuộc sống đáng mơ ước khi xe ô tô bị cấm ở trung tâm phố cổ ảnh 1Khu phố Calle Mellado ở TP Pontevedra, Tây Ban Nha thay đổi sau khi cấm xe ô tô

Trung tâm phố cổ đang “chết mòn” được hồi sinh 

Ông Fernández Lores trở thành Thị trưởng sau 12 năm đảng của ông vẫn chỉ là đảng đối lập. Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, ông đã “đòi lại” 300.000m2 ở khu vực phố cổ cho người đi bộ. Khi ấy, ngài Thị trưởng nhận thấy “trung tâm lịch sử của thành phố đã chết!”, bởi không gian dày đặc xe cộ, ô nhiễm, tiếng ồn và sự trì trệ. “Ban đầu, chúng tôi nghĩ đến việc cải thiện điều kiện giao thông nhưng không thể đưa ra kế hoạch khả thi. Thay vào đó, chúng tôi quyết định lấy lại không gian công cộng cho người dân và để làm điều này, chúng tôi quyết định loại bỏ phương tiện”, ông Lores kể lại. 

Toàn bộ đường đi quanh các phố có từ thời Trung cổ này được lát đá granite. Nhà chức trách cấm xe vào khu vực trung tâm bằng một loạt biện pháp: đóng cửa tất cả các bãi đỗ xe ở trung tâm thành phố và mở các bãi đỗ xe ngầm hay bãi xe ở ngoại vi, với 1.686 địa điểm miễn phí; phân bố lại hệ thống đèn giao thông, hạn chế tốc độ ở khu vực bên ngoài xuống còn 30km/h.

Lợi ích đem lại là không thể phủ nhận. Trên cùng con đường, nơi 30 người chết vì tai nạn giao thông từ năm 1996 đến 2006, đến 10 năm tiếp theo chỉ có 3 người thiệt mạng và con số là 0 kể từ năm 2009. Lượng khí thải CO2 ở khu vực này giảm 70%. Gần 3/4 người sử dụng phương tiện ô tô trước kia nay chuyển sang đi bộ hoặc xe đạp. Trung tâm Pontevedra thậm chí có thêm 12.000 cư dân mới. Ngoài ra, các trung tâm mua sắm lớn vẫn tồn tại cho thấy hiệu quả kinh doanh vẫn tốt dù tình hình kinh tế Tây Ban Nha suy thoái. “Thành phố thật hoàn hảo đối với người đi bộ. Bạn có thể đi khắp thành phố trong 25 phút. Có những thứ bạn có thể chỉ trích, nhưng không có gì có thể khiến bạn từ chối mô hình này”, kiến trúc sư Rogelio Carballo Soler nhận định.

“Với tôi, đây là thiên đường”

Đương nhiên, việc cấm xe không đơn giản, có người phản đối bởi họ nghĩ rằng mọi người có quyền lái xe đến bất cứ nơi nào họ muốn. Tuy nhiên, không có đặc quyền nhưng có ngoại lệ: nếu ai đó muốn kết hôn trong khu vực cấm xe hơi, cô dâu và chú rể có thể đi bằng xe ô tô, nhưng những người khác phải đi bộ. Đám tang cũng vậy. Người ta phàn nàn nhiều nhất là kế hoạch dẫn đến tắc nghẽn giao thông ở vùng ngoại vi và không có đủ chỗ đỗ xe.

“Tôi đã sống ở Madrid và nhiều nơi khác nhưng đối với tôi, đây là thiên đường. Ngay cả khi trời mưa, tôi vẫn đi khắp mọi nơi. Những người bán hàng dù có khiếu nại nhưng họ vẫn sống sót bất chấp khủng hoảng. Đây cũng là nơi tuyệt vời để có con”, cư dân Raquel García nói. Đồng tình với việc này, phụ huynh Víctor Prieto góp ý: “Cần có thêm nhiều khu vực mà bạn có thể đỗ xe trong 5 phút để bạn có thể đưa trẻ đến trường khi trời mưa. Ở đây, nếu trời mưa to, mọi người có thói quen lấy xe ô tô đi, nhưng giờ họ làm điều đó ít hơn. Hiện tại tôi hầu như không sử dụng xe của mình”. 

“Dự án này đều do ngân sách địa phương tài trợ và không nhận được sự trợ giúp từ chính quyền khu vực hoặc Trung ương. Về hiệu quả, có thể coi đây là dự án công cộng quy mô lớn nhưng chi phí thực hiện không nhiều. Chúng tôi còn chưa thực hiện các dự án lớn mà chỉ làm những gì trong tầm tay của mình”.

Ông Fernández Lores (Thị trưởng TP Pontevedra, Tây Ban Nha)