Cuộc rượt đuổi gian nan

ANTĐ - Theo thông tư vừa được Bộ Tài chính ban hành, từ ngày 17-1-2014 sẽ có 5 đối tượng được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng  thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2017. Đó là trường hợp hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền nợ, đã ngừng kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập, đã có quyết định đình giải thể. Các doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa thành công ty cổ phần cũng như doanh nghiệp đã giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước cũng thuộc diện được xóa nợ.

Theo thông tư trên, những trường hợp xóa nợ trên 10 tỷ đồng phải xin phép Chính phủ. Động thái này được đánh giá là một bước “giải cứu” những doanh nghiệp đang trong tình trạng đình trệ cũng như những hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đang khốn đốn. Năm 2013 vô vàn khó khăn đã khép lại với kết quả lợi nhuận èo uột đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, trong khi không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền dự báo lợi nhuận thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh việc phải lo cạnh tranh gay gắt, sức mua giảm sút, nhiều doanh nghiệp liên tục phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từng quý cho phù hợp để cầm cự, duy trì lợi nhuận. So với các ngành kinh doanh như điện, xăng dầu, viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng, cao su, xi măng, mía đường chịu sức ép lớn hơn nhiều.

Không ít doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2013 với mức giảm lợi nhuận tới 50%, thậm chí phải “hy sinh” một phần lớn diện tích đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chuyển cho đơn vị khác thuê, lấy tiền duy trì sản xuất.

Việc cắt giảm nhân lực, cho nghỉ việc dài hạn hoặc sa thải người lao động là do không còn sự lựa chọn nào khác. Ở một mảng sáng trong “bức tranh” kinh tế, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước thông báo đã “gặt hái” lợi nhuận lớn. Đứng đầu danh sách là Tổng công ty Khí Việt Nam, tổng doanh thu đạt trên 65.000 tỷ đồng, chiếm 10% doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và chiếm 2% GDP của cả nước.

Trong nhóm các doanh nghiệp đạt lợi nhuận “khủng”, theo Bộ Tài chính, còn có Tập đoàn Viễn thông quận đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, lũy kế tháng 11, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt gần 7,38 tỷ USD. Nhiều chuyên gia dự tính, với việc tăng giá điện trong thời gian qua, năm ngoái, EVN có lãi ít nhất bằng mức lãi 6.000 tỷ đồng của năm 2012.

Trong 1.000 loại giá ở nước ta, hiện có 996 loại đã đi theo cơ chế thị trường, chỉ còn lại 4 loại giá chưa được thị trường hóa. Đây chính là 4 loại giá cực kỳ quan trọng: xăng, dầu, điện-khí, than được Nhà nước điều tiết bằng công cụ hành chính. Chừng nào hệ thống giá này chuyển sang cơ chế thị trường đầy đủ thì mới thực sự tạo được môi trường cạnh tranh sòng phẳng, công khai, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế. Chạy theo cơ chế thị trường thực sự là cuộc rượt đuổi gian nan.