Cuộc nội chiến không lối thoát và nỗi buồn chiến tranh ở Libya

ANTD.VN - Cuộc nội chiến giữa các nhóm dân quân miền Đông và lực lượng nổi dậy miền Tây Libya đang tiếp tục leo thang, kéo theo sự can dự của nước ngoài. Gần 8 năm sau khi Tổng thống Libya Moammar Gadhafi bị lật đổ, hòa bình dường như là khái niệm còn rất xa vời với người dân nước này.

Một đám cháy trên đường phố trung tâm ở Tripoli, nơi cuộc nội chiến thứ ba bắt đầu leo thang

Mối xung đột giữa miền Tây và miền Đông, giữa thành thị và bộ lạc ở Libya nổ ra lần nữa. Tới nay đã có khoảng 1.000 người dân thiệt mạng và 5.000 người bị thương trong cuộc giao tranh ở phía Nam Tripoli. Cuộc chiến không chỉ hủy diệt Libya, mà còn hủy hoại cả con người ta “từ bên trong”, như lời thừa nhận của Jamal Al-Aweeb Aweeb - một chỉ huy lực lượng dân quân ở Tripoli.

Hỗn loạn vì tranh giành quyền lực và tài nguyên

Một chiều tháng 6-2019, chỉ huy Jamal Al-Aweeb đứng trong một tòa nhà nham nhở vết đạn ở trận địa Wadi ar-Rabia, cách trung tâm Thủ đô Tripoli của Libya khoảng 20km. Ở phía Đông tòa nhà, 50 người thuộc lực lượng dân quân al-Bunyan al-Marsous dàn trận, còn cách đó vài trăm mét, phía đối thủ là đội quân từ thành phố Tarhunah.

“Bối cảnh giống như năm 2011, khi người Tarhunan ủng hộ Tổng thống Gadhafi và chúng tôi đã chiến đấu với họ ở Misrata”, ông Aweeb nói. Người đàn ông 58 tuổi này đã chiến đấu liên tục trong 8 năm qua, đầu tiên là chống lại ông Gadhafi, sau đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và bây giờ là nguyên soái tự xưng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA), hiện kiểm soát phần lớn đất nước và đã phát động cuộc tấn công nhằm vào Tripoli từ tháng 4-2019. 

“Chiến tranh để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn chúng tôi. Một số người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình trong một thế giới bom đạn. Tôi không biết liệu họ có thể sống bình thường được nữa không. Có lẽ dù là một nhà độc tài, còn hơn là chiến tranh và tình trạng vô Chính phủ”.

Một người dân Thủ đô Tripoli, Libya

Libya từ lâu không còn là một nhà nước đúng nghĩa và hiện có 2 chính phủ. Một ở miền Đông, ủng hộ ông Haftar, một cựu đại tá 75 tuổi, người đã từng giúp ông Gadhafi đảo chính và nắm quyền. Ông Haftar sống ở Mỹ gần 20 năm rồi trở lại Libya sau khi chính quyền của Tổng thống Gadhafi thất thủ. Năm 2016, ông Haftar đã tự phong cho mình danh hiệu nguyên soái.

Trong khi đó, chính quyền đối lập ở miền Tây có tên gọi Chính phủ Hiệp thương Quốc gia (GNA), đứng đầu là Thủ tướng Fayez Sarraj ở Tripoli. Chính phủ này được Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu công nhận, nhưng không do Quốc hội bầu. GNA chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của dân quân, những người cai quản Tripoli trên thực tế.

Sau hơn 3 tháng nổ ra giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát Thủ đô Libya, tình hình ngày càng leo thang. Trên thực địa, đội quân LNA của ông Haftar tìm cách phòng thủ, nhưng giờ đây ngày càng phụ thuộc vào các cuộc không kích và vũ khí tối tân mà họ nhận được từ các đồng minh. 

Đó là bi kịch với một quốc gia có thể là nước giàu nhất lục địa châu Phi, với trữ lượng dầu lớn thứ 9 trên thế giới. Sự ra đi của ông Gadhafi sau 42 năm cầm quyền đã để lại một khoảng trống quyền lực lớn, làm bùng nổ cuộc tranh giành quyền lực và nguồn tài nguyên giữa các thành phố, bộ lạc và dân quân.

Giữa tất cả sự hỗn loạn này, hàng nghìn người di cư từ châu Phi vùng hạ Sahara bị mắc kẹt ở Libya trên hành trình dài đến châu Âu. Nhiều người đã bị dân quân giam giữ như nô lệ và một số bị buộc phải cầm súng. Gần đây nhất, hơn 50 người đã chết trong một cuộc không kích vào nhà tù dành cho người tị nạn ở Tripoli hôm 3-7.

Jamal Al-Aweeb, chỉ huy Lữ đoàn 134 thuộc lực lượng dân quân al-Bunyan al-Marsous mệt mỏi với cuộc chiến hiện nay: “Ngày mai ai đó sẽ chết, và có thể sẽ tới lượt tôi vào ngày hôm sau”

Rối ren thêm do “cuộc chiến ủy nhiệm” 

Ngay trong tháng 12-2011, trong nỗ lực bảo đảm cơ sở quyền lực của mình, chính phủ chuyển tiếp lâm thời đã bắt đầu trả tiền cho các dân quân đã giúp lật đổ ông Gadhafi. Đó là sai lầm nghiêm trọng nhất của thời kỳ hậu Gadhafi. Các nhóm dân quân nhanh chóng sinh sôi nảy nở. Khi quá trình sản xuất dầu bước vào ổn định năm 2012, hàng tỷ đô la đã được chính phủ chuyển đến lực lượng dân quân. Nếu họ nhận được quá ít hoặc tiền đến quá muộn, họ lập các rào chắn hoặc xông vào các cơ quan công sở. Nhiều người hiện giờ vẫn kiểm soát các bộ và ngân hàng quan trọng. 

Không giống như Benghazi, cách Tripoli khoảng 1.000km về phía Đông, Thủ đô Libya không có cấu trúc nhân khẩu học đồng nhất. Trong hơn 40 năm dưới sự cầm quyền của ông Gadhafi, nhiều cư dân của các thị trấn nhỏ ở phía Tây Libya đã chuyển đến Tripoli, nơi hiện có dân số hơn 2 triệu người. Vì thế, nhiều dân quân ở Thủ đô có 2 nơi thuộc về - một ở Tripoli và một ở quê nhà của họ, chẳng hạn như Zaviya và Zlitan. 

Điều đáng nói, các bộ lạc và thành phố ở phía Đông đã thù địch với miền Tây của đất nước kể từ khi người Italy chiếm đóng hơn 100 năm trước. Các nhà cai trị thực dân đã đưa 100.000 đến 120.000 dân thường vào các trại ở phía Đông của đất nước, trong khi lực lượng miền Tây đã giúp Italy trong quá trình này. Với cuộc tấn công của ông Haftar, cuộc xung đột đông - tây cũ của Libya đã tái hiện.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội tự do đầu tiên, đất nước Libya ngày càng bị chia cắt. Đến nay, cuộc xung đột đang thu hút các quốc gia thực hiện một “cuộc chiến ủy nhiệm” ở Libya. Hầu hết các nước phương Tây đều ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Sarraj, chính phủ được báo cáo nhận vũ khí từ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Ai Cập đang cung cấp vũ khí cho “nguyên soái” Haftar.

Arập Saudi và Nga cũng ủng hộ LNA. Lực lượng đặc nhiệm Pháp đã hợp tác với nhóm của ông Haftar trong các cuộc tấn công chống lại các nhóm khủng bố bị tình nghi ở Sahara. Và vào cuối tháng 6-2019, mối nghi ngờ nổi lên rằng Paris có thể đã bán lại vũ khí cho lực lượng của ông Haftar. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng đã điện đàm với ông Haftar.

Ánh sáng nào lê lói cuối đường hầm?

Ở phía xa mặt trận, trên đường phố trung tâm Tripoli, cuộc sống thường ngày vẫn tiếp diễn. Con đường ven biển mọc lên các công viên giải trí nhỏ. Những vòng xoay, cầu trượt rực rỡ mỗi đêm. Nhưng giữa cảnh thanh bình ấy, người dân thành phố này gần như đã quen với những tiếng nổ nặng nề, buồn tẻ từ các cuộc không kích và đạn súng cối phía xa, nơi chiến tuyến. Cứ như thể họ không quan tâm ai giành được quyền lực, miễn là cuối cùng cuộc sống của họ trở lại yên bình.

 Ngang qua một chi nhánh của Ngân hàng Aman, ông Aweeb thấy rất nhiều người dân đứng xếp hàng. “Các dân quân từ Tripoli cũng kiểm soát các ngân hàng. Họ trở nên giàu có chỉ với một mánh khóe đơn giản: Kiếm tiền từ các sàn giao dịch tiền tệ bất hợp pháp khi mà thị trường “khát” tiền mặt trong lưu thông. 

Là chỉ huy của nhóm dân quân, nhưng Aweeb được hưởng mức lương không đáng là bao. Lực lượng dân quân của ông phụ thuộc vào quân đội Libya, cấp cao nhất là Thủ tướng Sarraj, nhưng họ đã không nhận được tiền lương thường xuyên. “Hai tuần trước, chúng tôi đã nhận được khoản thanh toán một lần 1.500 dinar, tương đương 300 euro. Một kg thịt cừu có giá 40 dinar. Vậy chúng tôi phải sống thế nào?”. Vợ ông, một giáo viên ở Misrata, kiếm được 850 dinar mỗi tháng và phải trang trải mọi thứ với mức lương ít ỏi này.

Aweeb không bao giờ muốn tham gia quân đội. Từng là sinh viên hàng đầu, ông được chính phủ của Tổng thống Gadhafi cử sang một học viện quân sự ưu tú. Nhưng sau 4 tháng, ông đã trốn sang Malta, rồi sang Đức để học ngành kỹ thuật 7 năm, với mong ước sẽ đóng góp xây dựng đất nước sau này. Vậy mà hiện giờ ông đã vướng vào cuộc chiến này 8 năm, trong khi vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng nào le lói cuối đường hầm. “Tôi không cảm thấy thoải mái khi chúng tôi đẩy lùi kẻ thù vài km. Ở cả hai phía, những người Libya trẻ tuổi lẽ ra nên xây dựng lại đất nước thì lại đang chết dần”, ông Aweeb chua xót nói.