Cuộc mưu sinh của “cô gái vàng”

(ANTĐ) - Những đỉnh cao đạt được trong ParaGames tại Philippines năm 2005 của vận động viên khuyết tật Nhữ Thị Khoa như bức tranh lấp lánh sắc màu. 5 tấm huy chương mà Khoa đạt được trên đấu trường thể thao giờ đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, “đấu trường” của chị là cuộc mưu sinh  giữa đời thường.

Cuộc mưu sinh của “cô gái vàng”

(ANTĐ) - Những đỉnh cao đạt được trong ParaGames tại Philippines năm 2005 của vận động viên khuyết tật Nhữ Thị Khoa như bức tranh lấp lánh sắc màu. 5 tấm huy chương mà Khoa đạt được trên đấu trường thể thao giờ đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, “đấu trường” của chị là cuộc mưu sinh  giữa đời thường.

“Đấu trường” của “cô gái vàng”

Nhữ Thị Khoa với 5 HCV Para Games III (2005)

Nhữ Thị Khoa với 5 HCV Para Games III (2005)

Chị không còn xa lạ đối với người đam mê thể thao đặc biệt là thể thao dành cho người khuyết tật. Cách đây 3 năm, chị là “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam. Thời gian lùi chưa xa, nhưng khuôn mặt tươi tắn, trẻ khỏe tràn căng sức sống của một vận động viên đã phai đi bởi những nét nhăn mưu sinh trên “đấu trường” đời thường, góc phố. Tôi không nhận ra chị. Khi ấy, nhìn trên màn hình tivi, chị rạng rỡ trong màu cờ Tổ quốc, với những tấm Huy chương Vàng lấp lánh trên ngực. Những giọt nước mắt trên đài vinh quang chiến thắng khiến người hâm mộ thể thao trên thế giới bất ngờ về con người nhỏ bé, ở một đất nước nông nghiệp chiếm 80% nhưng không hề kém cường quốc thể thao khác trong khu vực và thế giới...

Quãng thời gian của hai kỳ ASEAN Para Games II (2003) và Para Games III (2005) đã lùi lại dĩ vãng. Nhưng những khoảnh khắc vinh quang vẫn lắng đọng trong lòng người hâm mộ. Và con người làm nên vinh quang ấy không ai khác, chính là cô bé mảnh mai sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Hà Tây.

Nhữ Thị Khoa đến với thể thao một cách ngẫu nhiên và chia tay với thể thao cũng nhanh như khi đến. Hai kỳ thi đấu có thể là dài đối với một vận động viên nhưng nó cũng rất ngắn trong cuộc đời con người ấy. Lúc đó, câu chuyện về cô gái bán bánh mỳ giành được 5 Huy chương Vàng như kỳ tích của thể thao khu vực. Còn những người biết cảnh ngộ và nỗ lực của chị Khoa thì coi đó là lẽ tất nhiên. Giờ đây, có lẽ, “đấu trường” dài hơn cả, và khốc liệt không kém 2 kỳ thi kia là góc phố Trần Xuân Soạn - Lò Đúc. ở đây, chị đã có một đứa con gái và đang phải ngày đêm lăn lộn với cuộc sống trước mắt. Chị không còn phải nhoài người để chiếc xe lăn cán đích nhanh hơn mà phải nhoài người với những thùng hoa quả, bánh mì quanh mình.

Cuộc mưu sinh dù vất vả, vẫn đầy ắp tiếng cười
Cuộc mưu sinh dù vất vả, vẫn đầy ắp tiếng cười

Năm 2007, chị Khoa đã lập gia đình và sinh bé Chi. Có lúc bé Chi được mẹ cho ngồi xe lăn đi bán hàng, khi lại được bố địu trước ngực đi chở hàng. Khó khăn rất nhiều nhưng “cô gái vàng” một thuở coi đó là niềm hạnh phúc. Sự vươn lên trong “đấu trường” cuộc sống đã làm chị gầy đi nhưng “phong độ” của sự nỗ lực thì vẫn tràn căng. Chị không buồn, hay hối tiếc chuyện rời đấu trường. “Tôi nghĩ rất đơn giản, đó là cuộc chơi. Cuộc chơi nào cũng là sự phấn đấu để cán đích tốt đẹp”- chị Khoa tâm sự. Có bé Chi chị Khoa vất vả gấp bội, nhưng đó là chỗ dựa tinh thần của chị. Thực tế ở Hà Nội hiện nay để kiếm được nơi trông trẻ không dễ, vả lại phải có kinh tế khá giả. Hình ảnh bé Chi được theo mẹ, theo bố đi “làm ăn” đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. 

Chiếc xe lăn đã cũ, đệm đã sờn rách. Con người ngồi trên đó cũng đã già đi dưới tán xà cừ góc phố. Nhà chị Khoa thuê trọ trong con ngõ nhỏ phố Kim Ngưu. Ngày ngày, 7 giờ sáng chị Khoa đến với “đấu trường” ấy. Chị về nhà vào lúc 21 giờ. Khách hàng đến với chị rất đông, người qua lại nhiều lần thành quen. Có người biết chị là người “nổi tiếng” tìm đến mua, nhưng cũng có người đến mua hàng của chị vì thương chị vất vả, tật nguyền...

Đôi tay lớn và đôi chân nhỏ  

Phút giây hạnh phúc bên con
Phút giây hạnh phúc bên con

Sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn ở vùng quê thuần nông, chị Khoa ra thành phố kiếm sống với chiếc xe lăn làm phương tiện. Cơ duyên đến với thể thao của chị Khoa thật đơn giản. Trên góc phố ấy, trên chiếc xe lăn chất đầy hoa quả và bánh mì ấy chị đã gặp một người bạn. Chị nhận lời người bạn đến trung tâm cùng luyện tập. Những tháng ngày ở trung tâm là quá trình khổ ải luyện tập cho thể lực, kỹ thuật... Trong trung tâm, chị phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những nỗ lực trong cuộc sống. Có lúc, đôi tay tứa máu, chuột rút do luyện tập căng thẳng. Trong những tháng gấp rút luyện tập chuẩn bị cho kỳ ASEAN Para Gamess II đôi tay chị đã bị biến dạng. Những ngón tay chai cứng, bắp tay sưng phồng... nhưng chị không một mảy may có ý định bỏ cuộc. Và nỗ lực ấy là những tấm Huy chương Vàng lấp lánh...

Tôi hỏi chị tại sao những cái cột trên xe lăn to hơn phần còn lại? “Như vậy để tiện đu mình lấy hàng cho khách” - chị Khoa nói. Chị bán đắt hàng. Nhiều người khác cũng muốn “nhờ may” ở chỗ chị, họ mang hàng đến và ồ ạt đến quây quanh chị. Chị Khoa bảo: “Trước đây 2 tháng về thăm quê một lần giờ thì ít hơn. Đi lại tốn kém lại mất ngày bán hàng, tiền thuê nhà phải trả đúng tháng”. Một chiếc bánh mì trước đây bán 1 nghìn đồng thì giờ lên giá 2 nghìn đồng. Giá đắt hơn thì hàng cũng phải lấy ít đi. Tiếng ai đó nói, bán cho tôi cái bánh mì. Chị ngoái người lại, cười tươi: “Hết rồi thưa bác”.

Và chiếc xe lăn khuất dần dưới ánh đèn vàng cao áp. Một ngày như mọi ngày, “đấu trường” hôm nay của chị Khoa là như vậy.

Nguyễn Đức Tuấn