Cuộc khủng hoảng sức khỏe vô hình bị lãng quên ở Congo

ANTD.VN - Trong những khu rừng rộng lớn bao phủ Cộng hòa Dân chủ Congo, có rất nhiều loài rắn độc sinh sống. Trong khi đó, nhiều cộng đồng dân cư đang phải tìm kiếm kế sinh nhai trong những khu rừng rậm rạp vì nghèo đói, xung đột và tác động của biến đổi khí hậu. Bị rắn độc cắn được coi là một trong những “cuộc khủng hoảng sức khỏe” vô hình đáng lo ngại nhất ở Congo hiện nay. 

Cuộc khủng hoảng sức khỏe vô hình bị lãng quên ở Congo ảnh 1Patrick Atelo cho biết, anh bắt gặp rắn hàng ngày

Rừng nhiệt đới: Môi trường sống “hoàn hảo” của rắn cực độc

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, khoảng 5 triệu ca bị rắn cắn xảy ra mỗi năm, khiến khoảng 81.000 đến 138.000 người tử vong. Một vết cắn từ rắn lục, rắn hổ mang hoặc rắn mamba có thể khiến nạn nhân thiệt mạng sau vài giờ hoặc mang thương tật suốt đời. Các triệu chứng của nhiễm độc rắn cắn bao gồm hoại tử mô, đau đớn dữ dội và buồn nôn. Với những trường hợp bị rắn cắn, thuốc giải độc chuyên dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Những loài rắn nguy hiểm nhất thường trú ngụ ở khu vực mà dân cư nông thôn ít có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đầy đủ. Nạn nhân là những người kém may mắn, không được tiếp cận với thuốc chống nọc độc kịp thời. Các khu rừng nhiệt đới xa xôi của Congo là môi trường sống “hoàn hảo” cho các loài rắn độc và việc can thiệp y tế đối với nạn nhân ở khu vực này gần như không thể.

 “Do không thể tiếp cận được với thuốc chống nọc độc, nhiều người dân ở Congo sử dụng phương pháp chữa bệnh truyền thống, không mang lại hiệu quả tích cực. Chúng tôi không có tiền để sản xuất huyết thanh hoặc phân phối chúng trên khắp đất nước. Các quốc gia có nhiều loại rắn độc tương tự Congo như Costa Rica, Ấn Độ có các chương trình nghiên cứu quy mô về nọc độc và sản xuất thuốc giải độc. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các Quỹ từ thiện quốc tế để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của trung tâm”. 

Chuyên gia Sophie Bokuta (Trung tâm Nghiên cứu chống nọc độc rắn, trường Đại học Kinshasa)

“Những con sông lớn ở Congo là môi trường sống chính của các loài rắn có nọc độc. Những loại rắn này thường săn cá và chim dọc theo bờ sông” - François Nsingi, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chống nọc độc thuộc trường Đại học Kinshasa nói - “Hiện trung tâm thiếu hụt nghiêm trọng các loại rắn phục vụ chương trình nghiên cứu chống nọc độc. Rất hiếm rắn ở quanh Kinshasa nhưng đi xuống vùng có nhiều sông, bụi rậm thì chúng xuất hiện phổ biến hơn”. 

Ở các tỉnh Tây Bắc Congo, đặc trưng bởi những dòng sông uốn lượn và khu rừng rậm, những cư dân nơi đây có nguy cơ bị rắn cắn rất cao. Patrick Atelo, người đã sống ở khu vực gần sông Ruki trong nhiều năm nói rằng, anh bắt gặp rắn hàng ngày nhưng chúng không hung dữ với mọi người. Chúng không tấn công trừ khi cảm thấy nguy hiểm như trong trường hợp con người giẫm lên đuôi chúng chẳng hạn.

“Chất độc ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể tôi. Tôi không thể nhớ nổi mình là ai. Tôi là người may mắn sống sót. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người chết vì nọc độc rắn, trong đó có cả người thân trong gia đình. Cháu trai tôi nôn mửa, ngất đi khi ra ngoài chơi và bị rắn cắn. Thằng bé chết chỉ vài giờ sau đó”, Monique Dongo, một người dân bị rắn độc cắn kể lại.

Cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu kinh phí phục vụ nghiên cứu

Thực tế cho thấy, nạn nhân chết vì bị rắn cắn là điều không thể tránh khỏi nhưng thiếu kiến thức về các phương pháp điều trị cơ bản, khả năng chống độc kém là mối đe dọa nghiêm trọng với các cộng đồng xa xôi, đặc biệt là những người làm việc hàng ngày bên sông và đồng ruộng. Cơ sở hạ tầng yếu, thiếu kinh phí là trở ngại lớn nhất của Congo trong việc sản xuất thuốc chống nọc độc rắn. Hiện nay, phần lớn thuốc chống nọc độc rắn ở Congo được nhập từ Mexico và có sẵn ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, thuốc chống nọc độc này hoàn toàn không thể tiếp cận được các khu vực xa xôi của đất nước.

Tiến sĩ Guy Kalambayi thuộc Tổ chức WHO nhận định, việc đầu tiên cần làm ở Congo là phải có số liệu để đánh giá tính chất, mức độ của vấn đề đang diễn ra trong thực tế. “Rắn cắn đe doạ cuộc sống của người dân là vấn đề chưa được coi trọng ở Congo, chưa có con số thống kê chính thức nào về vấn đề này. Vấn đề có thể được giải quyết nếu Congo có sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức nhân đạo quốc tế”,  Tiến sĩ Guy Kalambayi nói.