"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370

ANTĐ - Mạng truyền hình cáp của hãng thông tấn Mỹ CNN ngày 29-4 cho biết, lực lượng không quân các nước tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia đã tập kết tại Perth, Australia để tham dự lễ tuyên bố kết thúc giai đoạn tìm kiếm trên không.

Trải qua 52 ngày tìm kiếm trong vô vọng chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, lực lượng không quân đa quốc gia đã chính thức tuyên bố, giai đoạn tìm kiếm chiếc máy bay này từ trên không đã chính thức kết thúc.

Theo tin cho biết, tham gia buổi “hợp luyện” lớn này có khoảng 600 binh sĩ và các loại máy bay đến từ 7 quốc gia, tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn từ trên không bất thành này.

Theo thông báo của không quân Australia, các loại máy bay tham gia tìm kiếm rất đa dạng, bao gồm: Thủy phi cơ cứu hộ, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tiễu hàng hải, máy bay tác chiến chống ngầm, máy bay vận tải hạng nặng…

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 1
Đa dạng các loại máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm

Điểm danh sơ sơ trong các bức ảnh người ta nhận thấy có máy bay vận tải hạng nặng IL-76 của không quân Trung Quốc, máy bay vận tải C-130 của không quân Malaysia, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon của Mỹ, máy bay cảnh báo sớm Boeing 737 của Australia và máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion của Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tính chung, chiến dịch truy tìm tung tích chuyến bay MH370 có sự tham gia tìm kiếm từ 26 quốc gia trên thế giới, huy động vài chục tàu mặt nước, máy bay, tàu ngầm, trong đó nhiều nhất là máy bay. Đợt cao điểm là ngày 10/4, có tổng cộng 14 máy bay (10 quân sự và 4 dân sự) và 13 tàu tham gia tìm kiếm.

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 2
Lực lượng không quân đa quốc gia tham gia chiến dịch tìm kiếm

Tính đến thời điểm này, chi phí tìm kiếm chiếc máy bay đã ngốn tới hàng trăm triệu USD, trở thành vụ tìm kiếm máy bay tốn kém nhất lịch sử, vượt xa mức chi phí tìm kiếm chiếc máy bay AF447 của hãng hàng không Air France kéo dài 2 năm tại Đại Tây Dương hồi năm 2009.

Chỉ tính riêng Trung Quốc, trong một tháng đầu tìm kiếm, cứu nạn đã chi tới hơn 30 triệu USD, trên tổng số hơn 50 triệu của tất cả các quốc gia. Chỉ tính riêng chi phí xoay hướng 21 vệ tinh phục vụ công tác tìm kiếm của Trung Quốc đã lên tới 16 triệu USD.

Tuy cách xa hàng nghìn km nhưng trong giai đoạn cao điểm Bắc Kinh đã điều động tới hơn 10 tàu mặt nước và hàng chục máy bay (cả cánh cố  định và trực thăng) tham gia lùng sục từ vùng biển Việt Nam-Malaysia, đến eo Malacca, sang Ấn Độ Dương.

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 3

Mô hình hoạt động của tàu ngầm tự động (AUV) Blue Fin 21

Hiện nay, tuy giai đoạn tìm kiếm từ trên không đã kết thúc nhưng giai đoạn tìm kiếm dưới nước vừa mới bắt đầu. Mọi trọng trách trong giai đoạn này được đặt lên các tàu lặn, tàu ngầm và tàu ngầm không người lái, đặc biệt là chiếc tàu ngầm tự động (AUV) Blue Fin 21.

Tính đến nay, tàu ngầm không người lái này đã 6 lần tiến hành các cuộc tìm kiếm dưới đáy đại dương, với độ sâu 3.000m. Các thiết bị cảm ứng phụ có thể quét trong vòng 100m, độ sâu tối đa đạt được trên 4.500m. Nó có khả năng khảo sát đáy biển, phát hiện, chụp lại các đối tượng sâu trong lòng đại dương ở độ sâu hàng ngàn mét.

Dưới đây là một số hình ảnh về lực lượng không quân đa quốc gia tham gia tìm kiếm, cứu nạn

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 4

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 5

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 6

"Cuộc hợp luyện buồn" của không quân đa quốc gia tìm MH-370 ảnh 7