Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước:

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên Việt sử hùng ca

ANTĐ - “Ai đó có thể quên quá khứ bởi lịch sử như một dòng nước cứ trôi đi, nhưng việc CATP Hà Nội, cụ thể là đồng chí Giám đốc CATP đã nhớ đến điều còn ở lại  làm chúng tôi vô cùng xúc động. Nó cũng làm chúng tôi suy nghĩ về trách nhiệm của những người lính già - phải làm gì để tiếp tục bảo vệ được thành quả của cuộc kháng chiến và thành quả xây dựng đất nước hôm nay? Dù trong hoàn cảnh nào của đất nước, thì những người lính năm xưa vẫn vậy. Họ vẫn là những con người dám hy sinh, biết hy sinh vì Tổ quốc”.  

Đồng chí Lê Anh Khái – một cựu chiến binh đến dự buổi gặp mặt cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tổ chức sáng 

11-4 tại CATP Hà Nội, đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên Việt sử hùng ca  ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP cùng các cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam

Tri ân những người đã cống hiến vì Tổ quốc

Ngày hội ngộ quả là một ngày đặc biệt với những đồng chí nguyên là cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam và thân nhân các gia đình liệt sĩ. Những người đồng đội năm xưa nay tóc đã bạc ôm chầm lấy nhau, siết chặt tay hỏi thăm nhau về cuộc sống, cùng ôn lại những ngày tháng hăng hái lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên Việt sử hùng ca  ảnh 2

Niềm vui khi gặp lại người đồng chí, đồng đội năm xưa

Những người lính năm xưa vẫn vậy, vẫn vẹn nguyên cảm xúc của buổi lên đường, vẫn vẹn nguyên nghĩa tình đồng đội. Cựu chiến binh Lê Anh Khái đến dự buổi gặp mặt trong bộ quân phục mà ông giữ từ năm 1970 cho đến giờ. Người cựu chiến binh ấy chia sẻ: “Dù có thể không cùng chiến trường nhưng chúng tôi đều cùng một thời hoa lửa, đã trải qua ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Cuộc gặp mặt nghĩa tình như thế này làm chúng tôi vô cùng xúc động và lại càng nhớ đến những người đồng đội của mình vẫn chưa về. Những suy nghĩ ấy đã ám ảnh chúng tôi. Còn thời gian, còn sức khỏe và dù chỉ còn một vài đồng trong túi, tôi cũng sẽ cùng con em các liệt sĩ đi tìm các anh ấy trở về…”.

Trong số hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội đi “chia lửa” cho chiến trường miền Nam, có tới  67 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống. Những sự hy sinh đó đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 40 năm trước. Sự hy sinh đó đã góp phần làm rạng rỡ, tô thắm truyền thống Anh hùng của Công an Thủ đô.

Vượt hàng nghìn cây số về dự buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Túy, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Khá đã khóc. Đôi mắt của người vợ liệt sĩ giờ đã mờ đi vì tuổi tác, nhưng vẫn ánh lên niềm tự hào. Bà tâm sự: “Chồng tôi hy sinh là một mất mát lớn, nhưng đó cũng là niềm vinh dự, tự hào vì hòa bình ngày hôm nay có được là nhờ những sự hy sinh như thế. Tôi sống với con gái ở Quy Nhơn, bấy lâu nay cũng không có cơ hội  liên lạc với đồng đội cũ của ông ấy. Nay nhận được giấy mời đến dự cuộc gặp mặt, tôi rất xúc động trước tấm lòng của Công an Hà Nội”.

Cùng chung cảm xúc, Đại tá Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Ban liên lạc B-C-K, CATP Hà Nội khẳng định: “Ngày kỷ niệm 30-4 đã thắp sáng niềm tin về một thời quá khứ oanh liệt của dân tộc. Ký ức về chiến tranh có lẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng những người lính đã từng vượt Trường Sơn đi cứu nước. Hơn tất cả đó là sự ghi nhớ quá khứ mà chúng ta không được phép quên. Việc tổ chức cuộc gặp mặt một cách chu đáo và nhiệt tình của Công an Hà Nội cũng là cách để tri ân quá khứ”.

Tiếp lửa cho thế hệ sau

Cả hội trường đã lặng đi khi xem lại phim tư liệu về những người chiến sỹ Công an Thủ đô hăng hái lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, cũng như khi lắng nghe câu chuyện kể về những năm tháng gian khổ hào hùng, những trận đánh không thể nào quên, những bức ảnh đã đi vào lịch sử, những thời khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng… Những năm tháng ấy đã được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của đồng chí Trưởng Ban liên lạc cán bộ Công an Hà Nội tại TP.HCM Quách Văn Biền; đồng chí nguyên Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội Vũ Thọ Xương; Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Thệ - một trong những người có mặt trong khoảnh khắc lịch sử  30-4-1975. Và cuộc giao lưu đó đã đem lửa của thế hệ cha anh đi trước truyền lại cho những người đang kế tục để họ hiểu hơn về giá trị của hòa bình, để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc giữ gìn ANCT, TTATXH.

Đến dự buổi gặp mặt với tình cảm tri ân người đi trước, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, trong kháng chiến, cán bộ chiến sỹ CATP chi viện cho chiến trường miền Nam là những người lính dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Trong hòa bình, những cán bộ chiến sỹ ấy tiếp tục miệt mài với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho nhân dân.

Nhấn mạnh buổi gặp mặt nghĩa tình này là sự tiếp lửa truyền thống cách mạng của thế hệ hôm nay, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: “Cán bộ Công an Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc rằng trong những chiến công của Công an Hà Nội luôn có một phần đóng góp rất quan trọng của các bác, các cô, các chú – những người luôn theo sát, ủng hộ và giúp đỡ Công an Thủ đô. Chúng cháu, những thế hệ kế tiếp xin hứa với các bác, các cô, các chú sẽ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mong rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các bác, các cô, các chú sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, vào sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an Thủ đô chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Tại buổi gặp mặt, CATP đã trao 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và 8 giấy khen của Giám đốc CATP cho các cán bộ chi viện chiến trường miền Nam.