Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi

ANTĐ - “Ai đó có thể quên quá khứ bởi lịch sử như một dòng nước cứ trôi đi, chỉ có hai bên bờ là còn ở lại. Nhưng việc CATP Hà Nội, cụ thể là đồng chí Giám đốc CATP đã nhớ đến cái điều ở lại đó làm chúng tôi vô cùng xúc động. Cái xúc động này nó làm chúng tôi suy nghĩ về trách nhiệm trong phần còn lại của cuộc đời những người lính già. Chúng tôi phải làm gì để tiếp tục bảo vệ được thành quả mà cuộc kháng chiến của chúng ta đã đạt được và thành quả xây dựng đất nước hôm nay? Dù trong hoàn cảnh nào của đất nước, thì những người lính năm xưa vẫn vậy. Họ vẫn là những con người dám hy sinh, biết hy sinh vì Tổ quốc”.  

Đồng chí Lê Anh Khái – một cựu chiến binh đã từng đi B, từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường đến dự buổi gặp mặt cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra sáng nay 11-4-2015 tại Công an thành phố Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Tri ân với những người đã cống hiến vì Tổ quốc

Hôm nay quả là một ngày đặc biệt với những đồng chí nguyên là cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam và thân nhân các gia đình liệt sĩ. Những người đồng đội năm xưa, nay tóc đã bạc, chân đã run, họ được gặp nhau ôm lấy nhau, bắt tay nhau hỏi thăm nhau về cuộc sống thường ngày, cùng ôn lại những ngày tháng hăng hái lên đường  đi theo tiếng gọi thiêng liêng: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…

Đại tá Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc CATP Hà Nội nhớ lại, ngày ấy được lệnh lên đường, các cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô ai cũng háo hức muốn được ra ngay mặt trận. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đường đi là những gian lao, hiểm nguy, bom đạn rình rập, không ai nản chí, các cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội đã vượt mọi gian lao vất vả, nêu cao vai trò xung kích, tham gia các mũi tấn công, kịp thời chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của các tổ chức tình báo, biệt kích, cảnh sát, chiêu hồi, nhà lao, nhanh chóng triển khai các công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng giải phóng. Mỗi cán bộ Công an Hà Nội đều rất vinh dự và tự hào đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội thăm hỏi các cán bộ Công an
Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam và Trung tá, nữ quân y sỹ Trường Sơn Nguyễn Thị Kim Quy

Những người lính năm xưa vẫn vậy, vẫn vẹn nguyên cảm xúc của cuộc chiến, vẫn vẹn nguyên nghĩa tình đồng đội. Cựu chiến binh Lê Anh Khái đến dự buổi gặp mặt, ông đã mặc bộ quân phục mà ông giữ từ năm 1970 cho đến bây giờ. Người cựu chiến binh ấy chia sẻ: “Hôm nay, đến đây tôi được gặp những người bạn, những người đồng đội dù có thể không cùng chiến trường nhưng chúng tôi đều cùng một thời máu lửa với nhau, chúng tôi đã trải qua ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh. Cuộc gặp mặt nghĩa tình như thế này làm chúng tôi vô cùng xúc động và lại càng nhớ đến đồng đội của mình. Ngày tôi đi B, tôi được về 3 ngày, chỉ nói với mẹ được một câu: “Chiến thắng con về”. Và rồi tôi đã trở về, còn bao đồng đội tôi vẫn chưa về. Những suy nghĩ ấy đã ám ảnh chúng tôi. Còn ngày nào đó, còn sức khỏe, và dù chỉ còn một vài đồng trong túi, tôi cũng sẽ bỏ ra cùng con em các liệt sĩ đi tìm các anh ấy trở về….”

Trong những cuộc chiến “chia lửa” cho chiến trường miền Nam, trong số hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội lên đường thì có tới  67 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Những người cha, người mẹ, người vợ, người con đã không bao giờ được gặp lại người thân yêu nhất của mình. Nhưng sự hy sinh đó không vô nghĩa. Sự hy sinh đó đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự hy sinh đó đã góp phần làm rạng rỡ, tô thắm truyền thống Anh hùng của Công an Thủ đô.

Vượt hàng nghìn cây số về dự buổi gặp mặt cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam hôm nay, bà Nguyễn Thị Túy là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Khá đã khóc. Đôi mắt của người vợ liệt sĩ giờ đã mờ đi vì tuổi tác, nhưng đôi mắt ấy vẫn ánh lên niềm tự hào. Bà nói: “Chồng tôi hy sinh đó là một sự mất mát lớn lao, nhưng đó cũng là niềm vinh dự, tự hào. Trong cái hòa bình của ngày hôm nay, có nhiều người đã ngã xuống và có một phần máu thịt của chồng tôi. Chồng tôi đi B năm 1964 thì đến năm 1968 ông ấy hy sinh. Một mình tôi gắng gượng vượt qua khó khăn nuôi con cái trưởng thành. Tôi sống với con gái ở Quy Nhơn, bấy lâu nay không được ai liên lạc gì. Nay nhận được giấy mời của Công an Hà Nội đến dự cuộc gặp mặt này, tôi rất xúc động. Tôi cảm ơn tấm lòng của Công an Hà Nội”.

Bày tỏ sự cảm ơn trước sự tri ân của đồng chí Giám đốc CATP Nguyễn Đức Chung đã quan tâm, tổ chức cuộc gặp mặt những cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, Đại tá Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Ban liên lạc B-C-K,  CATP Hà Nội đã nói: Ngày kỷ niệm 30-4 đã thắp sáng niềm tin về một thời quá khứ oanh liệt đã qua của dân tộc và xúc động dâng trào của mỗi người lính nay mái tóc không còn xanh nữa. Ký ức về chiến tranh có lẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng những người lính đã từng vượt Trường Sơn đi cứu nước.  Hơn tất cả đó là sự ghi nhớ quá khứ để từ đó chúng ta không được phép quên đi quá khứ và cả những thế hệ mai sau cũng sẽ tự hào tiếp bước cha anh gánh vác sứ mệnh nặng nề mà lịch sử đang đặt trên vai họ. Việc tổ chức cuộc gặp mặt một cách chu đáo, và nhiệt tình của Công an Hà Nội âu đó cũng là cách để tri ân quá khứ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội tặng hoa chúc mừng Ban liên lạc B-C-K Công an Hà Nội

Tiếp lửa truyền thống cách mạng

Không chỉ là sự gặp gỡ của những người đồng đội đã từng chiến đấu vào sinh ra tử, mà cuộc gặp mặt những cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam còn là sự gặp gỡ của thế hệ cha anh đi trước và thế hệ trẻ Công an Thủ đô ngày hôm nay. Nếu ai đó, có mặt ở Hội trường CATP Hà Nội sẽ cảm nhận rất rõ sự tiếp nối đó. Những người lính già trò chuyện với những chiến sĩ trẻ măng như trò chuyện với những đứa con, đứa cháu của mình. Những chiến sĩ trẻ ân cần chu đáo tiếp đón những người lính già bằng những câu nói, hành động rất trân trọng, tình cảm: Bác ơi, hội trường có bậc đấy ạ, bác đi cẩn thận ạ! Bác ơi, để cháu xách túi cho ạ! Để cháu cài phù hiệu cho bác nhé! Chào bác, bác dạo này có khỏe không ạ?... Cử chỉ đó làm những người lính già cảm thấy lòng mình ấm lại. Vì họ hiểu chính những hình ảnh  của họ, tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do của họ sẽ có những thế hệ đang tiếp nối truyền thống của họ đó là những chiến sĩ Công an Thủ đô hôm nay đang nỗ lực hết sức mình vì Thủ đô bình yên.

Cả hội trường đã lặng khi xem lại những hình ảnh tư liệu về những người chiến sỹ Công an Thủ đô hăng hái lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng như lắng nghe câu chuyện kể về những kỷ niệm về năm tháng gian khổ hào hùng, những trận đánh không thể nào quên, những bức ảnh đã đi vào lịch sử, những thời khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng… Những năm tháng ấy đã được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của đồng chí trưởng ban liên lạc cán bộ Công an Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh Quách Văn Biền; đồng chí nguyên Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội Vũ Thọ Xương – cán bộ tham gia chi viện chiến trường miền Nam;  Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Thệ - một trong những người đầu tiên chứng kiến, tiếp nhận việc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30-4-1975. Và cuộc giao lưu đó cũng là sự tiếp lửa của thế hệ cha anh đi trước đối với những người đang kế tục sự nghiệp dựng xây đất nước để họ hiểu hơn về giá trị của hòa bình, để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục đóng góp sức lực vào công cuộc giữ gìn ANCT, trật tự an toàn xã hội.

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc và toàn thể lực lượng Công an Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội bày tỏ lòng tri ân và biết ơn vô hạn đối với các liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, các bác, các cô, các chú là các cán bộ Công an Thủ đô đã từng lăn lộn công tác, chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong kháng chiến chống Mỹ, đó là những người lính chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Trong hòa bình, những cán bộ chiến sỹ ấy tiếp tục miệt mài đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ nhân dân, đặc biệt là tham gia đóng góp nhiều ý kiến giá trị với Công an TP về công tác xây dựng lực lượng, và công tác đảm bảo an ninh trật tự. Những hoạt động đó mang ý nghĩa to lớn, không chỉ là nhịp cầu gắn bó tình đồng chí, đồng đội mà còn có tác dụng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, cổ vũ động viên các thế hệ chiến sỹ Công an Thủ đô hôm nay về tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Nhấn mạnh buổi gặp mặt nghĩa tình này là sự tiếp lửa truyền thống cách mạng, gửi gắm tâm huyết tới thế hệ hôm nay, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: “Cán bộ Công an Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc rằng những chiến công thành tích của Công an Hà Nội bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các cán bộ chiến sĩ thì còn có một phần đóng góp rất quan trọng của các bác, các cô, các chú – những người luôn theo sát, ủng hộ và giúp đỡ các hoạt động của Công an Thủ đô. Chúng cháu, những thế hệ kế tiếp xin hứa với các bác các cô, các chú sẽ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, mong rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các bác, các cô, các chú sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH, vào sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an Thủ đô chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Đại tá Nguyễn Duy Suất, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng Cục chính trị Công an nhân dân trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng phòng Tổ chức CAHN và đại diện ban liên lạc B, C, K công an Hà Nội

Tại buổi gặp mặt, CATP đã tổ chức trao thưởng 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và 8 giấy khen của Giám đốc CATP đối với các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam.

Những cảm xúc không thể quên
Ông Trần Vĩnh Long (80 tuổi, nguyên cán bộ Công an quận Đống Đa, chi viện chiến trường Bình Trị Thiên): Cảm xúc khó tả. 40 năm mà hôm nay mới như ngày nào chúng tôi xách ba lô vui vẻ lên đường.  Tới đây, nhìn hội trường khang trang, hiện đại của Công an Hà Nội mà tôi thấy rất mừng bởi sự không ngừng lớn mạnh của Công an Hà Nội.

Bác sỹ Bùi Thế Truyền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện CATP, chi viện chiến trường Quảng Đà): Thật mừng khi được gặp lại các đồng chí đồng đội hôm nay. Làm nhiệm vụ quân y khi chi viện miền Nam, tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, đây cũng là dịp ý nghĩa dể chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm, cùng nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hi sinh.

Đại úy Phạm Thùy Dương (Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư CATP): Cách đây 1 tuần tôi có được cùng đoàn công tác CATP lên Hà Giang. Đứng dưới cột cờ Lũng Cũ mà bao cảm xúc tự hào dâng lên. Hôm nay, tại cuộc gặp mặt này, tôi lại một lần nữa được nghe kể lại những ngày tháng chiến đấu hào hùng của thế hệ đi trước. Để xứng đáng với sự hinh sinh của bao lớp cha, mỗi ngày chúng tôi sẽ phấn đấu làm tốt từng công việc nhỏ nhất để phục vụ nhân dân.

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 4

Đồng chí Quách Văn Biền - Trưởng Ban liên lạc Công an Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh tặng tranh Công an Hà Nội

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 5

Trung tướng Phạm Xuân Thệ (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1), và đồng chí Vũ Thọ Xương (nguyên Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, cán bộ tham gia chi viện chiến trường miền Nam) cùng giao lưu, kể lại những kỷ niệm về những ngày tháng hào hùng năm nào.

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 6

Những cái bắt tay giữa của đồng chí, đồng đội năm xưa

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 7

Những bông hoa đỏ thắm trên ngực những người lính năm nào như nhắc lại một thời hoa lửa hào hùng

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 8

Những bức ảnh kỷ vật được chuyền tay nhau...

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 9

Thế hệ trẻ Công an Hà Nội hôm nay tri ân những lớp cha anh đi trước

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 10 Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 11

Niềm vui khi hai thế hệ gặp nhau

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 12

Những chiến sỹ trẻ ân cần tiếp đón các bậc lão thành

Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 13 Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi ảnh 14