Cuộc gặp "nằm ngoài giáo trình ngoại giao" mở ra hy vọng mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN - Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) đã mở ra hy vọng mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mở ra hy vọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã làm nhiều điều lịch sử. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên trong lịch sử tại Singapore với cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Triên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên này đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ), hơn thế ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên khi bước qua đường biên giới chia cắt giữa hai miền Triều Tiên tại DMZ.

Có thể vài chục bước chân của Tổng thống Donald Trump cũng như việc nhà lãnh đạo Mỹ này chỉ lưu lại trên lãnh thổ Triều Tiên trong thời gian ngắn ngủi vài chục giây chỉ mang tính biểu tượng, song điều đó cũng đủ làm lên lịch sử trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên suốt 7 thập kỷ qua. Không chỉ có vậy, cuộc gặp thượng đỉnh sau đó giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un mở ra hy vọng về việc tái khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa vốn giậm chân tại chỗ suốt hơn 1 năm qua.

Cuộc gặp giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un trong ngôi Nhà Tự do ở DMZ vào chiều 30-6 dự kiến ban đầu khá ngắn nhưng lại kéo dài tới 80 phút. Chưa có thông tin chính thức nào về những nội dung cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un được hai bên công bố, ngoài việc Tổng thống Mỹ cho biết hai bên sẽ nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa trong thời gian 2-3 tuần tới.

Cuộc gặp gỡ “phá cách” được mô tả “nằm ngoài giáo trình ngoại giao” giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại DMZ còn cho thêm một lần nữa cho thấy mối quan hệ cá nhân được thiết lập giữa hai nhà lãnh đạo này mà chính bản thân họ thường nói về nhau là “người bạn tốt”. Đây là điều được giới quan sát cho rằng có tác động tích cực trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa vô cùng khó khăn.

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể nói đã giậm chân tại chỗ suốt từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên đến nay. Trong hơn 1 năm qua, sau khi đạt được cam kết mang tính nguyên tắc tại Singapore, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên gần như không có bất cứ một tiến triển thực chất nào.

Đi vào thực thi cam kết phi hạt nhân hóa sau thỏa thuận tại Singapore, cả Mỹ và Triều Tiên mới nhận thấy có quá nhiều bất đồng, khác biệt giữa hai bên trong tất cả các vấn đề, từ xác định những cơ sở hạt nhân, nội dung, cách thức, lộ trình cụ thể của từng giai đoạn, bước đi… Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội cuối tháng 22-2019 là cơ hội để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un nhìn nhận rõ những khác biệt và đòi hỏi của nhau trong việc thực thi cam kết phi hạt nhân hóa.

Giải quyết một vấn đề vô cùng khó khăn mà hàm chứa trong đó cả những mâu thuẫn, đối đầu tích tụ suốt 7 thập kỷ giữa hai quốc gia chắc chắn không thể chỉ bằng một vài cuộc gặp thượng đỉnh hay thời gian đàm phán ngắn ngủi. Đó có lẽ là điều mà hai ông Donald Trump và Kim Jong-un hiểu rõ hơn ai hết. 

Bởi thế, “sợi dây” đối thoại luôn được duy trì giữa hai nhà lãnh đạo này, kể cả trong những lúc sóng gió nhất, đã đưa họ tới cuộc gặp lịch sử tại DMZ ngày 30-6. Điều đó cho thấy ý chí mạnh mẽ của cả Tổng thống Donald Trump cũng như Chủ tịch Kim Jong-un muốn tiến trình phi hạt nhân đạt được những bước đi thực chất, và điều đó mở ra hy vọng giải quyết vấn đề không chỉ liên quan tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Bắc Á mà cả thế giới.