Cuộc gặp khó quên

ANTĐ - Trong suốt những năm tháng hoạt động nghề báo, đã có biết bao những cuộc gặp gỡ, cuộc trò chuyện mà tôi không thể nào nhớ hết được. Nhưng cũng có những cuộc gặp mà với tôi, có lẽ cả cuộc đời làm báo cũng không thể nào quên…

Cuộc gặp khó quên ảnh 1Trung tướng Phạm Hồng Cư trò chuyện cùng phóng viên ANTĐ

Phong thái của vị tướng già...

Tôi vẫn nhớ như in cuộc gặp gỡ với Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1986-1995), Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 2 (1978-1986) trong một chuyến công tác tại huyện Mê Linh, Hà Nội vào một ngày cuối tháng 3-2013. Lúc đó, ấn tượng khó quên của tôi về vị tướng già ấy có lẽ chính là gương mặt vui tươi, hiền hòa với nụ cười luôn nở trên môi. Nhưng ẩn sâu trong đôi mắt tinh anh ấy dường như có một nỗi buồn khó nói nên lời mà phải tới cuộc gặp gỡ, trò chuyện lần thứ hai tại căn nhà yên bình của Trung tướng Phạm Hồng Cư giữa lòng Thủ đô, tôi mới có thể thấu tỏ.

Buổi chiều hôm ấy, tôi được Trung tướng Phạm Hồng Cư tiếp đón tại nhà riêng. Trước cổng là khóm tre được trồng đã lâu, rủ bóng ra đường sau bức tường rào bao quanh căn nhà. Bên trong, từ bộ bàn ghế, phòng bếp đến nơi làm việc của Trung tướng đều rất giản dị. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn giữ được phong thái điềm tĩnh, đôi chân rắn giỏi trong từng bước đi và trí nhớ vẫn rất tuyệt vời…

Bật khóc khi lần đầu gặp Bác Hồ

Ông dẫn tôi tới phòng làm việc với một tủ sách lớn, trong đó đa số là những cuốn sách về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… cùng với những bức ảnh chụp đen trắng đôi chỗ bị ố vàng về cuộc chiến gian khổ của quân và dân Việt Nam trong những năm tháng bom đạn mà người lĩnh già ấy đã có mặt. Trung tướng Phạm Hồng Cư kể: “Tôi không thể nào quên về ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Lúc ấy, chúng tôi đứng xếp hàng nghiêm trang dưới lá cờ Tổ quốc, chờ đợi giây phút trọng đại của dân tộc. Trên quảng trường là các vị lãnh đạo như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… họ đều mặc vest màu đen. Đúng lúc ấy, một cụ già mặc bộ đồ kaki trắng, chân đi dép cao su bước ra. Tất cả mọi người đều nhường chỗ cho cụ…”.

Nói đến đây, Trung tướng bật khóc. Nỗi xúc động dâng lên trong ông khiến những nếp nhăn trên trán, mắt và hai gò má xô lại. Ông xua tay ra dấu cho tôi biết là ông đang không thể kìm nén nổi lòng mình. Rồi ông kể tiếp: “Lúc ấy, một đồng chí đứng cạnh huých vào tay tôi hỏi nhỏ: Cậu có biết người ấy là ai không? Tôi lắc đầu thì đồng chí ấy tiếp: Chủ tịch Hồ Chí Minh đấy... Ôi chao ôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ai chả nghe nói đến nhưng có phải ai cũng được gặp mặt đâu. Chúng tôi còn trẻ, chỉ được nghe kể về Người nên khi biết đó chính là Bác Hồ thì anh em chúng tôi ai cũng không kìm nổi nước mắt. Người thì rưng rưng, người thì òa lên sung sướng. Sướng lắm! Sướng lắm các đồng chí ạ!...”. Nói xong, ông lại thổn thức. 

Ông kể cho tôi nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và thêm một chi tiết khiến tôi không nén nổi xúc động. Năm đó, tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ còn có anh trai của Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ngay sau khi trận chiến kết thúc, ông đã đi tìm người anh của mình và gặp một người bạn, được người này cho biết anh trai ông đã hy sinh. Lần thứ ba vị tướng già rơi nước mắt, ông nói: “Anh ấy mất rồi, đó là câu nói đau đớn nhất đối với tôi lúc đó. Bởi những người lính chúng tôi đều đang hân hoan trong niềm vui chiến thắng, và trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy như đứt lìa một cánh tay…”. 

Trước khi chia tay tôi, ông hát một đoạn trong bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”: “Người về đem tới ngày vui, mùa thu nắng tỏa Ba Đình, với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…”. Tiếng hát run run trong giọng trầm xúc động ấy đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng tôi. 

Động lực để phấn đấu

Lời chia sẻ cuối cùng của Trung tướng Phạm Hồng Cư cho đến giờ vẫn cứ khắc khoải trong tôi: “Điều tôi mong muốn là con cháu lớp lớp sau này sẽ ghi sâu lịch sử dân tộc, để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.

Chia tay Trung tướng Phạm Hồng Cư, tôi cảm thấy lòng mình buồn vui lẫn lộn. Buồn vì trong thời đại hôm nay, khi đất nước được hòa bình, ấm no, hạnh phúc thì vẫn còn không ít người trẻ chưa biết trân trọng, không gắng sức học hành, lao động mà lầm lạc vào con đường tội lỗi hoặc gây ra những đau thương, mất mát cho người thân, gia đình, bạn bè và xã hội… Nhưng tôi cũng cảm thấy vui vì những câu chuyện được nghe kể như tiếp thêm sức mạnh cho tôi phấn đấu, để từ nay, tôi có thể dùng ngòi bút của mình như một vũ khí chiến đấu, tiếp tục lao động trên mặt trận đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, góp sức nhỏ bé trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.