Cuộc đụng độ giữa những siêu cường

ANTĐ -Tuyên bố của Tổng thống Mỹ B. Obama rằng các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu phải do Mỹ viết ra, chứ không phải là các nước nào đó như Trung Quốc, cho thấy cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.
Cuộc đụng độ giữa những siêu cường ảnh 1

Hàng Trung Quốc tràn ngập các cửa hàng ở Mỹ

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ đề cập đến Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đang giảm xuống, trong khi thị phần của Trung Quốc ngày càng tăng lên và đang tiếp cận thị phần của Hoa Kỳ. Bất chấp thực tế trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại, nhưng năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vượt mức 10 nghìn tỷ USD, đưa nước này cùng Mỹ trở thành hai nền kinh tế có quy mô vượt 10 nghìn tỷ USD duy nhất trên thế giới.

Khi mà quy mô của nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian, thì tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh lớn dần cũng là điều dễ hiểu. Điều này thể  hiện rõ nhất qua kế hoạch của Trung Quốc cho ra đời Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này dẫn đầu với số vốn ban đầu 100 tỷ USD để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) do Mỹ và châu Âu chi phối.

Không thể để mất vai trò lãnh đạo thế giới, Mỹ đã khởi xướng việc thành lập Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ và các nước châu Á – Thái Bình Dương. Hiện tại, kinh tế Mỹ - EU chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Một khi TTIP ra đời nó sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương Mỹ - EU lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Nhờ đó, quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và châu Âu cũng được củng cố vững chắc hơn. 

Liên quan đến TPP, với 12 nước tham gia cho đến thời điểm hiện nay gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore, Brunei, Việt Nam và Nhật Bản, TPP dự kiến sẽ trở thành một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 804 triệu người (11,2% thế giới) và sản lượng kinh tế đạt 27.807 tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới. Vì vậy, TPP được kỳ vọng sẽ đem đến những cơ hội lớn cho Mỹ.

Tất nhiên Trung Quốc cũng không thiếu các con bài trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Quả thật, sức hấp dẫn của thị trường khổng lồ cũng như tiềm năng ngày càng nổi trội của Trung Quốc luôn khiến các đối tác phải phân vân trong cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Thực tế cho thấy bất chấp việc Washington công khai cho rằng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là công cụ để Trung Quốc mở rộng “quyền lực mềm”, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức và Italy đã sớm xác nhận tham gia AIIB. Đồng minh của Mỹ là Nhật, Australia cũng đã đánh tiếng cho biết sẽ xem xét và có thể tham gia.

Bắc Kinh cũng rất khôn ngoan khi lợi dụng mâu thuẫn hiện nay giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề Ukraine để kéo Mátxcơva về phía mình. Nhân chuyến sang Nga dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ ký tuyên bố chung về hợp tác trong việc kết nối xây dựng liên minh kinh tế Âu-Á và vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa”. Hai nước cũng sẽ ký khoảng 40 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, hợp tác kỹ thuật quân sự và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có thỏa thuận thành lập công ty liên doanh cho thuê máy bay của Nga tại các thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD.

Như vậy, rất khó để Mỹ có thể ngăn cản sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như ép các nước khác, trong đó có Trung Quốc, tuân theo những nguyên tắc thương mại mà Mỹ đặt ra. Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ - Trung sẽ còn gay gắt.