Cuộc đua toàn cầu tìm vaccine ngăn chặn Covid-19

ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, nhiều quốc gia đang nỗ lực chạy đua tìm vaccine phòng ngừa.   

Cuộc đua toàn cầu tìm vaccine ngăn chặn Covid-19 ảnh 1 Các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực chế tạo vaccine ngăn chặn Covid-19

35 công ty và viện nghiên cứu trên thế giới tham gia bào chế vaccine

Cuộc đua tìm vaccine ngừa SARS-CoV-2 đã diễn ra từ đầu năm, khi Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nỗ lực này trong thời gian gần đây trở nên khẩn trương hơn. Vì không có thuốc đặc trị, nên việc tìm ra vaccine ngừa SARS-CoV-2 là lối thoát duy nhất ngăn chặn dịch bệnh này. Giới y học đã thành công trong việc nghiên cứu và tạo ra được các nền tảng quan trọng cho việc phát triển vaccine như: xây dựng hệ thống nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm, giải mã toàn bộ bộ gene và tìm hiểu các cấu trúc phân tử của loại virus này.

Trong cuộc chạy đua tìm vaccine ngừa SARS-CoV-2, không chỉ có hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, mà các nước châu Âu như Anh, Đức, Nga cùng Australia, Israel cũng tham gia tích cực. Còn nếu tính theo số công ty và viện nghiên cứu trên thế giới, hiện có khoảng 35 đầu mối đang tham gia nỗ lực bào chế vaccine ngừa SARS-CoV-2.

Tại Mỹ, Viện quốc gia các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) ngày 16-3 thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine có tên gọi ARNm-1273 tại thành phố Seattle, với sự phối hợp của Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna.

Loại vaccine này được tạo ra chỉ 42 ngày sau khi chuỗi di truyền của SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu Trung Quốc cung cấp cho các đồng nghiệp ở Mỹ hồi giữa tháng 1 vừa qua. Nó được phát triển dựa trên một phân tử ARN thông tin (ARNm) nhằm kích thích tế bào miễn dịch xem các protein sợi trên bề mặt virus Corona là kháng nguyên và sản sinh kháng thể chống lại.

Nếu người được tiêm vaccine sau đó nhiễm virus Corona, hệ miễn dịch đã có kinh nghiệm rồi sẽ phản ứng lại bằng cách tạo kháng thể để bảo vệ họ khỏi nhiễm bệnh. Đã có 45 người tình nguyện, tuổi từ 18 đến 55, tham gia thử nghiệm trong khoảng thời gian 6 tuần. Họ được tiêm hai mũi vaccine ARNm-1273 cách nhau 28 ngày.

Trong khi đó, Trung Quốc huy động khoảng 1.000 nhà khoa học đang tham gia nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2. Hiện có 9 loại vaccine đang được phát triển tại nước này. Trong số đó, triển vọng nhất là vaccine do Công ty CanSino Biologics phát triển. Vaccine này được cho là không chứa các chất gây nhiễm bệnh, an toàn, ổn định cao và chỉ cần tiêm chủng một lần. Hiện Công ty CanSino Biologics đang tuyển các tình nguyện viên từ 18 - 60 tuổi và chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 tham gia quá trình thử nghiệm lâm sàng trong 6 tháng. 

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, các nhà khoa học Israel cũng đạt được nhiều bước tiến trong nghiên cứu để có thể tự tin tuyên bố sẽ cho ra đời vaccine ngừa SARS-CoV-2 ngay trong tháng 3 này. Họ điều chỉnh một loại vaccine ngừa virus viêm phế quản gia cầm (IBV) để tạo ra vaccine ngừa SARS-CoV-2 và hiện đang nỗ lực để đạt các tiêu chuẩn an toàn cho phép thử nghiệm.

Ở châu Âu, đáng chú ý nhất là kết quả nghiên cứu của Công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức). Công ty này nghiên cứu một số loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 và hiện chọn 2 loại triển vọng nhất để thử nghiệm lâm sàng vào tháng 6 tới. Tại Pháp, Viện Pasteur đã điều chế được một loại   vaccine ngừa SARS-CoV-2 dựa trên vaccine sởi bằng cách cấy thêm gene của virus Corona vào virus sởi đã chết. Hướng nghiên cứu này từng được Viện Pasteur áp dụng trong hai cơn dịch SARS và MERS-CoV.

Không ai có thể độc quyền vaccine ngừa SARS-CoV-2 

Mặc dù chưa có loại vaccine ngừa   SARS-CoV-2 nào chính thức được đưa vào sử dụng nhưng đã nổ ra cuộc cạnh tranh vị thế sản xuất độc quyền loại vaccine này. Truyền thông Đức cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách thuyết phục những nhà khoa học Đức hợp tác để Mỹ có giấp phép sản xuất độc quyền vaccine ngừa SARS-CoV-2. Nỗ lực của Chính phủ Mỹ được cho là nhắm vào Công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức). CureVac được thành lập vào năm 2000, đặt trụ sở tại bang Thuringia, chuyên về phát triển các biện pháp điều trị ung thư, bệnh hiếm gặp và vaccine ngừa bệnh.

Theo tờ Die Welt (Đức), ông Daniel Menichella, Giám đốc điều hành CureVac đã được mời đến Nhà Trắng vào ngày 2-3 gặp Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Mike Pence và đại diện nhiều hãng dược của Mỹ. Công ty không tiết lộ phía Mỹ có đề nghị gì, nhưng tờ Die Welt trích dẫn các nguồn tin thân cận với Chính phủ Đức cho biết ông Donald Trump đã đề nghị trả CureVac khoảng “1 tỉ USD” mua bản quyền vaccine của công ty này với điều kiện  vaccine “chỉ dành riêng cho Mỹ”. 

Mặc dù, Công ty CureVac đã ra thông cáo phủ nhận việc bán công ty hay bán công nghệ cho Mỹ nhưng câu chuyện trên đang làm chính trường Đức nóng lên. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: “không cho phép người khác tiếp cận kết quả nghiên cứu độc quyền này”. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết: “nghiên cứu vaccine của Đức không phải để bán”.

Còn Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thì khẳng định chính phủ không những phải đảm bảo an ninh biên giới và nguồn lương thực, mà còn phải bảo vệ “dược phẩm của chúng ta”. Hiện Chính phủ Đức đang lên kế hoạch đề nghị với CureVac sản xuất vaccine tại quê nhà. 

Về phía Mỹ, các quan chức chính quyền khẳng định với tờ The New York Times rằng câu chuyện trên đã được thổi phồng. Họ cho biết Chính phủ Mỹ đã thảo luận với hơn 25 công ty tuyên bố có thể chế tạo vaccine, đồng thời phủ nhận cáo buộc cho rằng Mỹ đang tìm cách giữ vaccine cho riêng mình. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với bất kỳ công ty nào tuyên bố có thể chế tạo được vaccine và mọi giải pháp hiệu quả sẽ được chia sẻ với thế giới”.

 Chưa biết thực hư câu chuyện trên thế nào nhưng để có loại vaccine hoàn chỉnh ngừa SARS-CoV-2 sẽ còn phải mất nhiều thời gian. Theo các chuyên gia y tế, vào mỗi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, vaccine phải được thử nghiệm trên động vật, rồi trên người. Sau đó phải mất từ 6 đến 36 tháng để sản xuất, đóng gói, rồi gửi đến các nước có nhu cầu, các nước này còn phải tiến hành kiểm tra chất lượng của vaccine.

Vấn đề là độ an toàn của vaccine là yêu cầu rất cao. Giáo sư virus học Khương Thế Ba của Đại học Phục Đán, Thượng Hải, Trung Quốc, nhấn mạnh tuy rất cấp bách song việc nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống SARS-CoV-2 không thể được tiến hành một cách vội vã mà phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn.

Cơ quan y tế của Mỹ cũng nhìn nhận cuộc thử nghiệm phải trải qua rất nhiều giai đoạn để có thể xác định vaccine có hiệu quả và an toàn hay không. Họ dự báo là nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cũng phải mất đến một năm rưỡi. Còn các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vaccine để bán ra thị trường.