Cuộc đua song mã

(ANTĐ) - Tròn 1 tháng vị trí lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị bỏ trống sau khi ông Dominique Strauss-Kahn bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vì liên quan đến bê bối tình dục, ngày 14-6, IMF đã công bố danh sách chính thức ứng cử viên tổng giám đốc.
Vị trí cao nhất IMF giờ đây là cuộc đua song mã giữa hai  ứng viên là bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi ông Stanley Fischer, Thống đốc ngân hàng Trung ương Israel - đối thủ được đánh giá nặng ký trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc IMF đã bị loại khỏi cuộc đua. Mặc dù thông báo của IMF không đưa ra lí do giải thích tại sao ông Fischer không lọt vào danh sách cuối cùng này, tuy nhiên, theo quy định của IMF, ông Fischer năm nay đã 67 tuổi, vì thế sẽ chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc trong 2 năm tới nếu đắc cử và việc thay đổi quy định này sẽ rất khó khăn.
Cuộc đua song mã ảnh 1
Cựu giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn (giữa)
Dù cả 2 ứng viên cuối cùng là bà Lagarde và ông Carstens đều nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước thành viên, song bà Lagarde, 55 tuổi, được xem là có nhiều cơ hội hơn. Đứng sau lưng bà Lagarde là châu Âu, nơi IMF đang can dự mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính lớn tại đây. Bà Christine Lagarde được đánh giá là một nhà thương thuyết lão luyện với 4 năm giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp và nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Erozone. Phát biểu trước báo giới, bà Christine Lagarde khẳng định thông điệp của mình rằng không phải nước Pháp, cũng không phải Liên minh châu Âu ủng hộ bà, mà bà đại diện cho tất cả các thành viên của IMF và nếu được lựa chọn là Tổng Giám đốc IMF, bà sẽ tập trung mọi nỗ lực để phục vụ tất cả các nước thành viên, chú trọng đến tính đa dạng và sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Con đường trở thành Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dường như rộng mở hơn đối với bà Lagarde khi ngoài châu Âu, bà vừa giành thêm được sự ủng hộ của Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), và Indonesia - nền kinh tế đang phát triển lớn đầu tiên công khai ủng hộ bà. Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng nữ chính khách này không phải không gặp khó khăn trên con đường chinh phục vị trí cao nhất IMF, nhất là khi bà đang có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc điều tra lạm dụng quyền hạn. Ngày 10-6 vừa qua, một tòa án Pháp cho biết sẽ hoãn đến ngày 8-7 việc đưa ra quyết định mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào Bộ Tài chính Pháp và trách nhiệm của bà Lagarde trong vụ phê duyệt bảng thanh toán trị giá 285.000.000 euro cho một doanh nhân, là bạn của Tổng thống Nicolas Sarkozy vào năm 2008, tuy nhiên bà Lagarde cho biết, bà tự tin vào kết quả điều tra. Trong khi đó, ông Agustin Carstens giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico được hơn 4 năm. Nhiều người cho rằng, với kinh nghiệm là người đứng đầu ngân hàng trung ương sẽ giúp ông Carstens ứng phó nhanh hơn với khó khăn của các quốc gia vốn đang cần sự giúp đỡ của IMF. Năm 2003, thời kỳ bà Lagarde vẫn còn là một luật sư, ông đã được bổ nhiệm vào chức Phó Tổng giám đốc IMF. Ông Cartens có lợi thế là nhận được sự ủng hộ của các quốc gia ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quan điểm của ông Carstens còn quá bảo thủ, đặc biệt với các thị trường mới nổi. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico cũng thừa nhận rằng đối thủ của ông có lợi thế trong cuộc đua này. “Tôi không ngộ nhận về bản thân mình. Nó giống như là bắt đầu một trận đấu bóng với tỷ số 5-0”, ông Carstens nói và cho rằng, nếu một ứng viên châu Âu được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc IMF, nó sẽ gây ra sự xung đột về quyền lợi do cuộc khủng hoảng nợ đang tiếp diễn tại một số quốc gia châu Âu. Hiện ông Carstens đang ở Washington nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ bởi Mỹ và Nhật Bản chưa bày tỏ quan điểm nào về cả hai ứng viên. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất vừa được hãng tin Reuters thực hiện, 32 trong số 56 chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng bà Lagarde có lợi thế hơn. Nhiều nhà phân tích đánh giá, mọi cánh cửa để đến với chiếc ghế Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dường như cũng đang được mở ra đối với bà Lagarde, bởi theo luật bất thành văn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chiếc ghế của thể chế tài chính đa phương này luôn thuộc về một người châu Âu, dù cho một số nước có tỏ ra không hài lòng. Ban điều hành IMF cho biết sẽ gặp gỡ 2 ứng viên và dự kiến đưa ra lựa chọn cuối cùng vào ngày 30-6 tới.