Cuộc đua áp lực và duy nhất!

ANTD.VN - Năm 2019, Hà Nội có gần 104.000 học sinh sẽ tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT với mục tiêu vào bằng được một trường công lập. Thực tế cho thấy, năm nào số học sinh được vào công lập cũng chỉ trên 60%. Điều này đồng nghĩa là 40% còn lại đã thất bại trong cuộc đua đầu tiên được coi là có tính quyết định tương lai của mỗi người.

Việc đua vào những trường công lập lớn, có tiếng thực tế là nhằm tìm kiếm một vé đảm bảo cho suất vào đại học bởi uy tín, chất lượng của các trường này. Quan điểm vào bằng được đại học để có tấm bằng cử nhân, kỹ sư vẫn in đậm trong tâm trí mỗi phụ huynh, dù hàng ngày thông tin về thừa thầy thiếu thợ vẫn tràn ngập khắp các phương tiện truyền thông.

Vậy phải chăng đây là con đường duy nhất để chọn lựa đối với các bậc phụ huynh và học sinh? Chỉ với tấm bằng cử nhân thì các em mới có thể lập nghiệp trong tương lai? Liệu còn có những lối đi khác sáng sủa hơn cho gần một nửa số học sinh không thể vào công lập?

Đánh giá về vấn đề này, ngành giáo dục và LĐ-TB&XH đều cho rằng, học nghề là hướng đầu tư không “lỗ” như phụ huynh lâu nay vẫn quan niệm. Những tấm gương thành công vì ham mê theo đuổi nghề của mình không ít nhưng vẫn chưa đủ trở thành động lực để thay đổi quan điểm về con đường học thức của đa số các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội. Chính bởi vậy, dù kêu gọi phân luồng sau THCS, học nghề kết hợp với học văn hóa thay vì chỉ học THPT đã diễn ra rất nhiều năm nay thì con số vẫn chỉ  ở khoảng 10-15% số học sinh sau THCS học nghề.

Thậm chí, ai cũng thấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội huy động 20-30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng nghề có vẻ xa vời. Các giải pháp đang được bàn luận để nâng cao tính phân luồng làm giảm áp lực cuộc thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội hiện được đánh giá là mức cạnh tranh cao hơn nhiều so với vào đại học. 

Tuy nhiên, nếu vẫn chỉ là giảm học phí mà thiếu những đầu tư trọng điểm vào những ngành nghề có tính ứng dụng cao, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động thì cũng không thể thuyết phục những phụ huynh vốn rất băn khoăn về chất lượng dạy nghề khi lâu nay phần lớn chỉ có những học sinh yếu không đỗ vào đâu mới phải học nghề.

Mặt khác, những tác động bên ngoài này cũng chưa thể hấp dẫn được những đối tượng có năng lực thực sự chuyển hướng sang học nghề. Đơn giản là bản thân các em không có cơ hội trải nghiệm, chưa được hướng nghiệp một cách chuyên nghiệp, cá biệt hóa từng đối tượng để biết năng lực của mình thích hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai nào. Khi chưa có được những dữ liệu phù hợp, rõ ràng sự lựa chọn tối ưu của các bậc phụ huynh và học sinh vẫn là đối đầu với cuộc đua đầy áp lực và gần như là duy nhất: vào được công lập THPT.