Cuộc đời sóng gió của một họa sỹ tranh lụa tài hoa

ANTĐ - Hơn 70 năm vẽ người đẹp, cuộc đời của cố họa sỹ Lê Năng Hiển, một trong những họa sỹ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam gắn liền với các bóng hồng và những mối tình dang dở. Nhưng cũng nhờ họ, ông đã tìm nguồn cảm hứng sáng tạo và lao động nghệ thuật chân chính. 

Cuộc đời sóng gió của một họa sỹ tranh lụa tài hoa  ảnh 1Chân dung tự họa của họa sỹ Lê Năng Hiển

Quẩn quanh “cơm áo gạo tiền”

Xem tranh Lê Năng Hiển vẽ về thiếu nữ, thật khó để hình dung, rằng tác giả lại không hề được học qua trường lớp đào tạo nào về mỹ thuật. Tất cả đều tự mày mò học, ông đã đánh thức khả năng tiềm ẩn trong con người mình. Những nét vẽ của ông đã đạt đến độ điệu nghệ trong nghệ thuật tranh lụa. Từng đường nét của người phụ nữ hiện lên trong tranh ông nhuần nhuyễn, tế nhị và đầy gợi cảm. Thiếu nữ với tà áo dài mỏng manh vừa hư vừa thực, mơ màng trong vẻ đẹp đài các, kiêu sa. 


Cuộc đời sóng gió của một họa sỹ tranh lụa tài hoa  ảnh 2Một phần bức tranh khổ lớn “Trận Bạch Đằng giang” do cố họa sỹ Lê Năng Hiển sáng tác, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Cùng thời với họa sỹ Bùi Xuân Phái, Lê Năng Hiển nổi lên là một tài tử trong giới nghệ thuật Hà Nội khi có thể đóng kịch, viết văn và vẽ tranh. Ông đã từng đứng ra thành lập một đoàn kịch của riêng mình, vừa làm diễn viên, vừa làm đạo diễn và kiêm nhiệm đủ thứ việc chỉ để thỏa thú chơi đam mê. Với riêng hội họa, dù chỉ coi như cuộc chơi nhưng Lê Năng Hiển đã dành trọn cuộc đời để theo đuổi và là số ít họa sỹ của thời kỳ ấy sống được bằng nghề vẽ. Tranh ông đã được hãng đấu giá Sotheby’s bán ngang ngửa với tranh của họa sỹ Việt kiều Lê Phổ hay Mai Trung Thứ. 

Ít người biết rằng, tác giả của các bức họa mượt mà ấy có cuộc đời chìm nổi. Sinh ra trong một gia đình có tiếng tại Hà Nội với 13 đời sinh sống tại ngõ Phất Lộc, một trong những con ngõ cổ của Hà Nội 36 phố phường xưa, nhưng thời thế biến động, Lê Năng Hiển đã không được hưởng cuộc sống vương giả. Ông sớm bươn chải nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai.

Cuộc đời sóng gió của một họa sỹ tranh lụa tài hoa  ảnh 3

Tác phẩm “Hòa đàn” của họa sỹ Lê Năng Hiển

Ông từng làm kế toán cho Sở Nước Hà Nội, làm diễn viên  kịch…Sau cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, ông tái hôn khi đã 50 tuổi và có 3 người con với người vợ thứ hai. Với từng ấy miệng ăn, lương của vợ ông lại quá thấp nên tất cả gánh nặng đều dồn lên vai ông. Các bức tranh lụa vẽ thiếu nữ của ông liên tiếp ra đời một phần cũng bị thúc ép bởi chuyện “cơm áo gạo tiền”. Giá cả vừa phải, tranh lại đẹp nên Lê Năng Hiển được nhiều Việt kiều đến nhờ vẽ chân dung.

Ông hiểu và thuộc áo dài Việt Nam đến mức người mẫu không cần mặc áo dài ông cũng vẽ như họ đang khoác lên mình tà áo mỏng manh ấy. Và người mẫu nếu có đậm đà thì ông cũng sẽ biết cách làm tôn lên đường nét thời thiếu nữ kiêu sa của nhân vật. Cũng nhờ các Việt kiều, tranh Lê Năng Hiển hiện đang có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Ông được công nhận là một trong các nghệ sỹ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam. 

Chín mối tình dang dở

Là người chịu ảnh hưởng của Tây học nhưng lại nghiên cứu rất sâu về văn hóa Việt, ông luôn tìm các chi tiết trong tranh như họa tiết rồng phượng trên tà áo, một chiếc bình, một cái mành che trước cửa, để diễn tả nét rất riêng của người Việt trong tranh. Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, Lê Năng Hiển luôn nhận mình là tài tử phiêu du cùng các sắc độ đậm nhạt.

Chuyên vẽ người đẹp nên cuộc đời ông gắn liền với các bóng hồng. Ông không ngần ngại tiết lộ 9 mối tình dang dở đã trải qua trong cuốn tự truyện và chỉ có một mối tình trọn vẹn bên người vợ thứ hai cùng trách nhiệm làm chồng, làm cha. Mỗi mối tình đi qua đều để lại trong ông những kỷ niệm đẹp và trong cuộc đời này, ông luôn thầm cảm ơn họ đã mang lại cho ông niềm cảm hứng sáng tác bất tận cùng đề tài thiếu nữ.

Ngoài đề tài thiếu nữ, Lê Năng Hiển còn được đánh giá cao ở mảng tranh lịch sử với các bức tranh khổ lớn như “Chiến thắng Bạch Đằng giang”, “Trận Ngọc Hồi-Quang Trung đại phá quân Thanh” được trưng bày tại các bảo tàng lớn. Với vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử, Lê Năng Hiển đã tái hiện các trận chiến rất chân thực và ông có thể đứng hàng giờ trước bức tranh để kể về bối cảnh lịch sử, về không khí của trận chiến.

Ông nghiên cứu lịch sử, viết truyện ký lịch sử có tranh minh họa, được giới sử học và GS Phan Huy Lê nhận xét: "Đọc những trang viết của Lê Năng Hiển giúp người xem tranh hiểu sâu sắc hơn về cảm nhận của họa sĩ về lịch sử và càng nâng cao hơn sự thưởng thức tác phẩm tranh lịch sử". Với từng ấy lĩnh vực đã thử sức và cống hiến, ông xứng đáng được gọi là người nghệ sỹ tài hoa.