Cuộc đời sẻ chia của cụ bà nhân hậu

ANTĐ - Bước qua chín thập kỷ, cụ bà vẫn ngày ngày duy trì nếp sống giản dị, thanh đạm của mình, và dành tiền tiết kiệm để giúp đỡ những hoàn cảnh khốn cùng được nêu trên mặt báo. Mọi thứ xung quanh cụ, từ việc cụ sống thế nào cho tới làm từ thiện ra sao, đều đơn giản tới mức ngỡ ngàng, trái ngược với cuộc sống vốn xô bồ, gấp gáp.

Cuộc đời sẻ chia của cụ bà nhân hậu ảnh 1Cụ bà Phạm Thị Hạnh luôn dành một khoảng thời gian trong ngày để theo dõi báo chí

Cụ bà chuyên đi làm từ thiện

Vào một ngày cuối tháng Chạp năm Giáp Ngọ, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cận kề thì tòa soạn Báo An ninh Thủ đô được tiếp một cụ bà rất đặc biệt. Cụ tới nhờ báo chuyển số tiền 1 triệu đồng tới một bà cụ 90 tuổi ở Quảng Ngãi, không con không cháu, sống cô độc trong căn chòi rách. Hoàn cảnh khốn khó của bà cụ 90 tuổi đã được Báo ANTĐ đăng tải trong số báo cuối tuần mà cụ bà làm từ thiện đọc được.

Cụ bà đến và đi rất nhanh nên không ai kịp rõ thông tin cụ thể về cụ. Ấn tượng mà cụ bà để lại trong tôi chỉ là bức ảnh do anh em chụp vội khi cụ đi về, cùng vài mẩu chuyện ngắn về các chuyến từ thiện mà cụ kể lại với các nhân viên ở tòa soạn. Điều đó khiến nhiều anh em cảm thấy day dứt vì đã không kịp giữ cụ đủ lâu để hỏi han thêm, để nhận được chút chia sẻ ý nghĩa trong dịp cuối năm.

Sự day dứt ấy, may thay, đã được giải tỏa khi vào một ngày đầu Xuân đẹp trời, cụ bà lại xuất hiện tại tòa soạn tiếp tục làm việc thiện.

Cuộc đời sẻ chia của cụ bà nhân hậu ảnh 2Dù đã 94 tuổi, cụ ông vẫn miệt mài đọc sách báo để cập nhật thông tin

Sống phải biết sẻ chia

Cụ bà tên là Phạm Thị Hạnh, năm nay đã 91 tuổi. Cụ sống cùng chồng là một sĩ quan quân đội hàm Thiếu tướng đã về hưu, hơn cụ 3 tuổi. Hồi còn trẻ, cụ Hạnh từng là công nhân của nhà máy Z1-19 thuộc Cục Quân giới, nơi ông là cục trưởng. Hiện hai cụ đang ở căn nhà nằm sâu trong một con ngõ trên đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội). Mái tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu, đôi bàn tay gầy gò, nhăn nheo cùng cái lưng còng lum khum bước từng bước, cụ bà có dáng vẻ hết sức dễ gần, như hình ảnh người bà hiền hậu trong câu chuyện kể tuổi thơ.

Khi đặt chân vào nhà của cụ, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự đơn sơ, quá đỗi giản dị của ngôi nhà. Người ta thường nói, khi bản thân “no ấm đủ đầy” thì mới nghĩ tới chuyện san sẻ vật chất cho người khác. Nhưng điều này không đúng với hai cụ. Căn phòng nơi các cụ sống vẫn giữ được những nét đặc trưng của thế hệ xưa, từ cánh cửa sổ cho tới những bộ quần áo treo bên cạnh, rồi cái giường, cái tủ cũ và chiếc ghế còn cũ hơn nữa.  Hai cụ vẫn hàng ngày giữ thói quen đọc sách báo, nhưng chẳng cần dùng tới kính lão. Cụ bà vui vẻ kể, nhiều lần cụ ông phải kêu lên: “Bà đọc nhiều quá, không nghỉ ngơi gì cả, coi chừng kẻo mệt!”

Theo chia sẻ của cụ Phạm Thị Hạnh, hàng ngày, cứ 5h30 là cụ trở dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cụ ông. Xong xuôi, tới 8h là cụ lại chống gậy đi chợ đối diện gần nhà. Và một thói quen hàng ngày của cụ là đi qua sạp báo, mua những tờ báo yêu thích như An ninh Thủ đô, Lao động… Từ đây, những cánh báo trở thành cầu nối để cụ bà biết về những mảnh đời cơ cực, những hoàn cảnh khốn cùng.

Cuộc đời sẻ chia của cụ bà nhân hậu ảnh 3Căn phòng đơn sơ, giản dị của hai cụ

Cụ chia sẻ: “Mình bớt ăn đi một chút, giúp họ được chút nào, hay chút đó. Mình có bát cơm ăn, thì cũng muốn giúp họ có được bát cháo”.

Những đồng lương hưu chẳng nhiều nhặn, song tới giờ này, hai cụ vẫn không phải “phiền hà” gì tới con cháu, cả trong tài chính cũng như công việc chợ búa, cơm nước hàng ngày. Khi được hỏi về các trường hợp từng được cụ hỗ trợ, cụ Hạnh chỉ nhớ chung chung: “Từ năm 2005, tôi đã làm từ thiện rồi. Làm từ thiện cần nhất phải xuất phát từ cái tâm!”.

Khi chuẩn bị chia tay hai cụ, tôi mới nhận ra “kho báu” quý giá mà các cụ đang sở hữu: Đó là các con, các cháu, các chắt biết yêu thương, đùm bọc và quan tâm lẫn nhau, đó là những chồng báo dày được cụ bà cột lại để lưu giữ những thông tin hữu ích và đó là niềm hạnh phúc sau 10 năm dành những đồng tiền tiết kiệm để làm từ thiện, san sẻ tình thương với những cảnh đời bất hạnh.

Nói lời tạm biệt hai cụ, tôi ra về, đúng lúc đường Phan Đình Phùng vào giờ tan tầm cao điểm buổi chiều. Dòng người hối hả, vội vã di chuyển, tiếng còi xe dồn dập, cuộc sống xô bồ vẫn đang tiếp diễn. Còn ở trong ngõ kia, có một ngôi nhà rất đỗi yên bình đang nằm đếm thời gian, để tiếp tục chứng kiến những câu chuyện đẹp của cụ ông, cụ bà giàu lòng nhân ái.