Cuộc đời "Người đi tìm minh chủ" lận đận đến cả lúc chết và các cảnh diễn chớp nhoáng

ANTD.VN - Số phận nghiệt ngã của danh sỹ Ngô Thì Nhậm với nhiều góc khuất một lần nữa đã được tái hiện trên sân khấu cải lương. Vở diễn “Người đi tìm minh chủ” do các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện, đã cố gắng chuyển tải một cách khách quan nhằm hóa giải nỗi oan khiên mà Ngô Thì Nhậm đã phải hứng chịu, đồng thời làm nổi bật những công lao to lớn của ông đối với quốc gia, dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Triệu Trung Kiên về vở diễn giàu cảm xúc này.

PV: Với nhiều sóng gió mà Ngô Thì Nhậm đã trải qua, đạo diễn có tham vọng quá không khi muốn chuyển tải hầu hết các sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời danh sỹ thời hậu Lê-Tây Sơn?

Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Khi đọc kịch bản của tác giả Trần Trí Trắc, tôi lập tức thích ngay vì cuộc đời và số phận của Ngô Thì Nhậm có nhiều khúc quanh nghiệt ngã. Tác giả Trần Trí Trắc đã viết về ông dưới góc nhìn của con người ngày nay nhằm làm sáng rõ những nhận định chưa đúng cùng nỗi oan khuất mà Ngô Thì Nhậm đã hứng chịu.

Do vậy, để tạo nên mạch đi xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm, tôi đã đổi tên từ “Ngô Thì Nhậm” thành “Người đi tìm minh chủ” cũng một phần xuất phát từ quan điểm của danh sỹ là “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia, dân tộc, chứ không thờ chúa thờ vua”.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên

Cũng bởi quan điểm ấy mà cả cuộc đời mình, Ngô Thì Nhậm đã mải miết đi tìm “minh chủ” để cống hiến cuộc đời mình vì quốc thái, dân an. Nhưng rồi những nghiệt ngã của cuộc đời đã khiến ông phải lận đận, thăng trầm và nếm trải nhiều oan khuất. Và để giải nỗi oan này, tôi buộc phải đưa khán giả đưa qua nhiều nút thắt trong cuộc đời ông.

PV: Chỉ với 2 tiếng đồng hồ diễn ra, hình như đạo diễn đang đi lướt qua cuộc đời Ngô Thì Nhậm?

Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Nếu dàn dựng theo lối thông thường, vở diễn sẽ kéo dài đến hết đêm mất! (cười). Vì thế, tôi đã chọn thủ pháp ước lệ, đó là chìa khóa xử lý các không gian nối tiếp nhau. Và các lát cắt lịch sử cũng… mỏng nhưng lại được liên kết với nhau rất khéo để khán giả tiếp cận câu chuyện không bị sốc về mặt thời gian. Ngô Thì Nhậm đã trải qua các thời kỳ của chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Tông và sau đó là triều đại Tây Sơn nối sang thời Nguyễn Ánh. Vì khoảng thời gian dài lại nhiều sự kiện nên các lát cắt buộc phải nhanh. Tôi chủ yếu nhấn tới hình ảnh của Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Tông, Đặng Thị Huệ để phục vụ cho chủ đề đang phản ánh. Trải qua quá trình đi tìm minh chủ, Ngô Thì Nhậm đã phát huy được khả năng của mình và phụng sự cho lợi ích quốc gia dân tộc.

Một cảnh trong vở diễn "Người đi tìm minh chủ"

PV: Chắc vì vở diễn vội vã nên sau khi đóng màn, nhiều diễn viên đã kêu mệt, thưa đạo diễn:

Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Các diễn viên phụ đồng thời là người chuyển cảnh, đạo cụ, phục trang kêu mệt nhiều nhất. Tôi biết rất rõ điều ấy nhưng không còn cách nào khác để tạo nên một vở diễn có tiết tấu nhanh. Cứ thử hình dung, trong cái ánh sáng đỏ khép lại một cảnh để gợi lên cảm giác bức bối, ngột ngạt thời hậu Lê, các diễn viên phụ đã phải khẩn trương chuyển cảnh chỉ trong vài giây thì khán giả sẽ hiểu, các nghệ sỹ của đoàn đã cố gắng nhiều như thế nào. Chưa kể, vở này có tới cả chục cảnh diễn nối tiếp nhau như thế nên sức lực của diễn viên bỏ ra không hề nhỏ. Tôi trân trọng những cố gắng ấy của các bạn nghệ sỹ.

Ngô Thì Nhậm đã sống qua một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm của đất nước

PV: Qua các lát cắt mà đạo diễn đã chuyển tải trên sân khấu cải lương, anh mong muốn khán giả nhìn nhận về ông trên phương diện nào?

Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Ngô Thì Nhậm đã sống qua các thời của chúa Trịnh. Ông đã cố gắng rất lớn nhằm đem lại sự phồn thịnh, thái hòa cho nhân dân, đất nước. Nhưng ông chỉ là con người nhỏ bé, đành bất lực nhìn người dân sa vào cảnh lầm than.

Khi theo phò triều Tây Sơn, ông đã phát huy được hết tài năng trí tuệ của mình, giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh làm nên chiến công hiển hách. Nhưng cuộc đời của Ngô Thì Nhậm lại một lần nữa “chạm đáy” khi vua Quang Trung đột ngột băng hà. Dù Nguyễn Ánh lôi kéo ông nhưng Ngô Thì Nhậm đã một mực từ chối.

Và cuối cùng, ông đã bị Đặng Trần Thường hãm hại và đoạt mạng. Với rất nhiều dữ liệu lịch sử đã tái hiện trên sân khấu cải lương, điều tôi muốn khán giả nhìn nhận về ông nên được đánh giá bằng con mắt khách quan và công bằng.  Nếu đứng trên phương diện của con người thời trước, Ngô Thì Nhậm là người mắc tội khi không phò vua mà lại đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng cũng cần thấy rằng, Ngô Thì Nhậm đã nghĩ cho dân, cho nước nên mới hành động như vậy.

Một cảnh trong vở diễn

PV: Vở diễn đã khép lại với những tràng pháo tay không dứt của khán giả, thế nhưng, còn điều nào khiến đạo diễn lăn tăn về tác phẩm nữa không?

Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Vì thời gian của vở diễn có hạn mà lại có quá nhiều sự kiện lịch sử cần phản ánh, nên tôi vẫn thấy lấn cấn không biết vở diễn đã thực sự kỹ lưỡng khi đề cập đến cuộc đời danh sỹ Ngô Thì Nhậm. Với một câu chuyện vô cùng nhiều tình tiết, có thể tôi đã sa đà vào việc giản lược để khán giả cảm nhận dễ dàng hơn. Dù đã rất cố gắng nhưng tôi biết, vở diễn cần chỉnh sửa thêm một số chi tiết cũng như cách diễn xuất để tác phẩm được trọn vẹn hơn.

Xin cảm ơn đạo diễn Triệu Trung Kiên về những chia sẻ!