Cuộc đời ly kỳ của cô gái Hà thành bị mất tích (1)

ANTĐ - Cuộc trốn chạy diệu kỳ dưới gầm xe tải và hạnh phúc hồi sinh của thiếu nữ Hà thành sau hơn 20 năm bị lừa bán lấy chồng Trung Quốc. Người cứu cô gái ấy thoát khỏi “nhà chồng” là một người lái xe tải thuê, cũng người Việt Nam, họ đã có một “cam kết”: nếu không thành thì cả hai cùng chết; nếu trốn thoát thành công, thì sẽ nên vợ nên chồng… 

Gần một tháng trôi qua kể từ ngày cô con gái út bé bỏng và xinh đẹp trở về, gia đình bà H. vẫn chưa hết ngỡ ngàng.

Hạnh phúc may mắn đến bàng hoàng khiến cả nhà bà không tin đó là sự thật: cô con gái út bé bỏng và xinh đẹp sau hơn hai chục năm “mất tích” đã tìm đường trở về nhà bằng xương bằng thịt, vẫn lành lặn, dù thời gian, sự vất vả, cực nhọc có làm cô già đi mấy phần.

Thiếu nữ Hà thành 21 năm về trước bị mất tích đã tìm đường về quê hương...
Thiếu nữ Hà thành 21 năm về trước bị mất tích đã tìm đường về quê hương...
Và, câu chuyện về cuộc trốn chạy khỏi xứ người, phải đan lưới trốn dưới gầm xe tải vượt hàng ngàn cây số trốn chạy khỏi nhà “chồng” ở một vùng heo hút đồng rừng Trung Quốc của cô gái Hà thành còn ly kỳ hơn cả một cuốn tiểu thuyết, bà H. phải cảm nhận bằng trái tim yêu thương của người mẹ, bà mới hiểu, cô con gái út bé bỏng của mình nói thật…
Sinh năm 1975, Linh là cô gái út xinh đẹp trong gia đình 5 anh em; trên cô là bốn người anh trai. Tuổi thơ tươi đẹp của thiếu nữ Hà thành những tưởng sẽ được êm đềm, nhưng không ai lường trước được chữ ngờ. 
Sự bướng bỉnh của cô thiếu nữ mới lớn, vừa bước vào những năm đầu tiên của trường cấp III, cô đã đối diện với bước ngoặt kinh khủng của cuộc đời: trong một lần đi chơi với bạn bè mà không xin phép gia đình, mấy người anh của cô đã không kìm chế nên đã mắng mỏ.
Cả giận mất khôn, Linh bỏ đi chơi cùng nhóm bạn, tụ tập ở một quán hát Karaoke... Rồi, đến khi tỉnh dậy, cô thấy mình ở giữa một vùng xa lạ, heo hút, xung quanh là núi rừng bủa vây, một nơi mà cô chưa từng nghĩ đến trong đời.
Một người đàn ông xa lạ từ đâu bước ra, nói với Linh bằng giọng tiếng Việt lơ lớ:“Mày bị đưa sang Trung Quốc và họ đã bán mày cho tao. Bây giờ, mày sẽ phải chọn một trong số những người mà tao đưa đến làm chồng”. 

Người mẹ hạnh phúc không tin rằng đó là sự thật
Người mẹ hạnh phúc không tin rằng đó là sự thật
Thời kỳ đó, tệ nạn mại dâm chưa bùng phát như hiện nay. Các cô gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc may mắn không bị đưa vào các “động quỷ”, họ chịu chung số phận bị gả bán cho những người đàn ông Trung Quốc quá tuổi không có khả năng tài chính để lấy người Trung Quốc, và về làm vợ đúng nghĩa thực hiện vai trò của những chiếc “máy đẻ” để duy trì nòi giống. 
Một cô gái mới lớn, và là dân thành thị, được ăn học tử tế như Linh, nên nhận thức và nhan sắc của cô hơn hẳn những người con gái nhẹ dạ khác cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngày đầu tiên, người ta dắt đến “ra mắt” cho cô bốn người đàn ông già hom hem, trong đó có người móm mém 80-90 tuổi. 
Cô bật cười với người môi giới: “Mấy ông này bằng tuổi ông tôi, làm sao lấy được?”. Lần thứ hai, lại những người “ít già” hơn, Linh lại từ chối. Cô tuyệt thực, nhịn ăn… mấy ngày trời để đòi về không được. Chủ nhà hăm dọa, nếu không nghe lời sẽ bị cắt gân và đánh cho đến chết. Nói rồi, họ ném lại cho cô một chiếc chăn lạnh lẽo, và khóa trái căn phòng bé như một cái lều. 
Nửa đêm, không hiểu bằng cách nào Linh đã xé chiếc chăn thành những mảnh nhỏ, bện lại và nối chúng với nhau thành một chiếc dây. Cô bé 16, 17 tuổi tụt từ trên gác hai xuống qua ô cửa sổ bằng cách bám lấy sợi dây tự chế ấy.

Màn đêm đem đặc. Chỉ có khung cảnh của một nơi xa lạ, không một ánh đèn. Chỉ có những khoảng đen sẫm có hình khối. Khi mắt đã quen với bóng tối, cô mới biết những khoảng sẫm đen đó là những đỉnh núi và những khu rừng vây bọc…

Cuộc trốn chạy đầu tiên không thành công. Chủ nhà bắt được, đánh đập, hăm dọa sẽ giết nếu như có lần thứ hai xảy ra…
Không xác định được phương hướng, không biết mình đang ở vùng nào, cách Việt Nam bao xa, đi theo hướng nào, về bằng cách nào nếu như may mắn trốn thoát. Những người cùng cảnh ngộ như Linh đã phải nhắm mắt đưa chân làm vợ những “ông chồng già” do bọn buôn người đưa đến, chẳng ai mong chờ đến ngày được trở lại quê hương. 
Lần cuối cùng, lão chủ buôn người to như một con gấu đưa đến ba người đàn ông xa lạ, và nói với Linh: “Đây là lần cuối cùng cho mày lựa chọn, hoặc là sống, hoặc là bị cắt gân chân sống đời cầm thú. Mày là đứa duy nhất mà tao dễ dãi được nhiều quyền lựa chọn người chọn làm chồng…”.
Buông xuôi theo dòng đời xô đẩy, Linh “chấm” người đàn ông trẻ nhất trong số đó chừng 50 tuổi, và cô trở thành “vợ” của người đàn ông cô chưa bao giờ biết, không hiểu ngôn ngữ, không một lễ vật cưới hỏi. Và tất nhiên, không cả tình yêu.
Cuộc đời làm vợ của Linh, về sau cô biết, đó là một vùng hoang vu thuộc Quảng Tây (Trung Quốc). Từ nơi bị giam giữ về đến “nhà chồng” là cả ngàn cây số và là vùng dân tộc heo hút.
Thiếu nữ Hà thành chân yếu tay mềm, chưa từng biết đến cây lúa là gì đã phải bắt đầu một kiếp trâu ngựa: quần quật mấy chục năm ròng, cô phải lao động cật lực như một nông dân, bởi, ở xứ khỉ ho cò gáy, vùng dân tộc heo hút của Quảng Tây, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, “nhà chồng” chỉ có nghề duy nhất là phát nương làm rẫy.
Cuộc “tình duyên” éo le của kiếp vợ gả bán, từ năm 1992 đến khi trốn thoát về Việt Nam, hơn 20 năm, Linh đã có hai mặt con với “người chồng” bỏ tiền ra mua mình: đứa con gái lớn 16 tuổi, đứa con trai 13 tuổi.
Cuộc sống không tình yêu và ước mơ trốn chạy để về với gia đình ở Việt Nam còn mạnh hơn cả tình yêu hai đứa trẻ, dù đó là cốt nhục của cô, nhưng nó không phải là kết quả của tình yêu. 
Ở nhà chồng, ba lần trốn chạy cô đều bị bắt lại. Lần thứ nhất, cô đi làm rẫy, men theo đường mòn trong rừng tìm lối ra nhưng không thành. Lần thứ hai, cô nói với đứa con gái lớn: “Mày có về thăm quê ngoại với mẹ không?”.
Đứa con gái gật đầu. Hai mẹ con lên kế hoạch bỏ trốn, nhưng bất thành. Đó là khoảng ba năm về trước. Gã chồng bắt được vợ mang về, không lôi vợ ra đánh đập nhưng đã nện cho đứa con gái một trận đòn tơi bời. Sau đó, gã cách ly hai đứa con không cho gặp mẹ. Đã ba năm trôi qua, cô bị nhà chồng ghẻ lạnh, hắt hủi không cho nhìn mặt con.
Những tưởng sau những lần bỏ trốn không thành, ngọn lửa ham sống của cô đã bị dập tắt, Linh lùi lũi như con trâu, con ngựa trong gia đình “nhà chồng”. Sau, cô xin chồng cho đi làm phu hồ, trộn bê-tông, trộn vữa cho một công trường ở trong vùng. Nhà chồng đồng ý. Đó cũng là dự định đi làm chắt chiu lấy tiền để dành cho cuộc trốn thoát cuối cùng của Linh…

(còn tiếp)