Cuộc đời cựu Tổng thống ở quốc đảo sắp chìm có 110.136 người dân

ANTD.VN - Kiribati được xem là quốc gia đầu tiên mà tất cả lãnh thổ đất liền sẽ biến mất do vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng có lẽ, sẽ không nhiều người trên thế giới biết được điều đó nếu không có sự nỗ lực không mệt mỏi của một Đại sứ môi trường - cựu Tổng thống Anote Tong.

Một trẻ em ở Kiribati Kiribati - quốc đảo nằm ở khu vực Thái Bình Dương trong cơn triều cường

Nước biển dâng - mối đe dọa thực sự

Theo Ngân hàng Thế giới, Kiribati, quốc đảo nằm ở khu vực Thái Bình Dương, được tạo thành từ 33 đảo san hô vòng, trong đó hầu hết là các hòn đảo diện tích chưa đầy 2km2 với chiều cao trung bình 1,8m so với mực nước biển. Từ lâu, nước biển dâng luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với Kiribati, bởi nó có thể biến toàn bộ 110.136 người dân quốc gia này trở thành dân tị nạn.

“Các hòn đảo của chúng tôi sẽ không thể ở được trong khoảng thập kỷ tới”, cựu Tổng thống Anote Tong mới đây trả lời phỏng vấn với Hãng CNBC cho biết. Những người dân sống trên quốc đảo Kiribati tin rằng chỉ cần một thế hệ nữa thôi, toàn bộ phần đất liền của quốc gia này sẽ bị nhấn chìm trong nước.

Ông Anote Tong sinh năm 1952, đắc cử Tổng thống của quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati lần đầu tiên vào năm 2003 và tiếp tục tái cử 2 nhiệm kỳ sau đó vào năm 2007 và năm 2012. Tốt nghiệp trường Đại học Canterbury ngành Khoa học và có bằng Thạc sĩ Kinh tế của trường Kinh tế và Khoa học chính trị London, cựu Tổng thống Kiribati là người có công lớn trong việc thu hút sự chú ý của quốc tế khi cảnh báo rằng đất nước của ông có thể sẽ không thể cư trú được vào năm 2050 do nước biển dâng và nhiễm mặn vì biến đổi khí hậu.

Cựu Tổng thống Kiribati - ứng viên Giải Nobel Hòa bình thường xuyên cảnh báo tới quốc tế rằng tị nạn có thể là giải pháp cuối cùng cho những tai ương của Kiribati. Mùa hè năm 2008, nhà chức trách Kiribati đã yêu cầu Australia và New Zealand chấp nhận các cư dân Kiribati như là những người tị nạn thường trú. Tháng 6-2008, ông Anote Tong lúc đó là Tổng thống đương nhiệm đã nói rằng quốc gia này đã chạm đến “điểm không thể quay trở lại”.

Cựu Tổng thống Anote Tong

Vì tương lai của thế hệ sau

Đối mặt với nguy cơ mất nước đến ngày càng gần, trong thời gian tại nhiệm, ông Tong đã mua 6.000 mẫu đất (2.428ha) trên đảo quốc Fiji để người dân Kiribati có thể di cư tới đó và mỗi năm sẽ di dời 75 công dân tới New Zealand. “Nếu ở lại đảo, chúng tôi phải nâng đảo”, nhưng đó là điều không dễ dàng. Bởi vậy, để khắc phục những hậu quả của khí hậu, quốc đảo xa xôi này đã tham vấn các Chính phủ láng giềng và công ty tư nhân về công nghệ cải tạo đất liền cũng như biện pháp xây dựng nhà nổi cho người dân.

“Nếu Kiribati không thể thích nghi được những thách thức môi trường, chúng tôi sẽ phải cam chịu thực tế tàn khốc di cư. Nhưng chúng tôi sẽ không ngồi yên chờ đợi điều đó diễn ra. Bởi nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi sẽ trở thành dân tị nạn khí hậu”. 

Ông Anote Tong (Cựu Tổng thống quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati)

Không chỉ lên tiếng trên khắp các diễn đàn quốc tế thời gian qua, cựu Tổng thống Kiribati còn nêu một tấm gương phi thường trong bảo vệ di sản thiên nhiên. Đó là ông chỉ đạo xây dựng Khu bảo tồn Quần đảo Phoenix - một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất trên thế giới với quy mô 408.250km2, được Liên hợp quốc công nhận là Di sản thế giới năm 2008.

Rời chính trường năm 2016, hiện giờ ông vẫn là một nhà hoạt động môi trường tích cực, đảm nhiệm cương vị Đại sứ của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế - một tổ chức phi Chính phủ mới đây công bố kế hoạch trồng 73 triệu cây ở rừng Amazon.

“Kể từ khi nghỉ hưu, tôi vẫn là người ông của một đàn cháu, nên vấn đề này với tôi vẫn rất quan trọng. Tôi quan sát bọn trẻ chơi và tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra với thế hệ trẻ này? Bởi vì biến đổi khí hậu có thể chưa đe dọa cuộc sống của tôi nhưng nó chắc chắn sẽ đe dọa tương lai của cháu tôi. Đây là cách chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề, nó là vấn đề của thế hệ sau. Chúng ta đang nói về con người, về tương lai của con người, tương lai của các dân tộc đang bị đe dọa”, cựu Tổng thống Anote Tong chia sẻ.