Cuộc đời của “Đệ nhất đào hoa” – NSND Thế Anh

ANTĐ - Thế Anh bước vào ứng thí trong tâm thế của một người không biết gì về nghệ thuật, không có khái niệm sân khấu là như thế nào. Nhưng, ngay lập tức ông được tuyển vào trường với một lý do lãng xẹt: đẹp trai và cao to.

Ở tuổi thất tập cổ lai hi, NSND Thế Anh vẫn rất phong độ và sôi nổi, nhất là khi ông nói về nghệ thuật thì mới biết, dù ở bất kỳ quãng thời gian nào trong đời người, trong trái tim ông, tình yêu dành cho điện ảnh, sân kháu vẫn luôn nóng bỏng và cũng đẩy những trăn trở. Hơn 70 tuổi, NSND Thế Anh đã đóng góp trong gần 100 bộ phim, phẩn lớn là những phim nổi tiếng và nhiều vai diễn trong đó là những vai để đời như Trung uy Phương (“Nổi gió”) hay Ba Duy (“Mối tình đầu”)... Ngày xưa, biết bao nhiêu người phụ nữ đã “chết lên chết xuống”, ngây ngất với vẻ đẹp trai, nụ cười có chiếc răng duyên không lẫn vào đâu được của chàng Trung uý Phương ấy.

Gia đình NSND Thế Anh và câu chuyện Tần Hương Liên của Việt Nam

Thế Anh tâm sự, cuộc đời của ông có thể viết thành một bộ phim, đó sẽ là một bộ phim rất dữ dội với đủ những cung bậc của đời sồng này.

Sinh năm 1938, NSND Thế Anh là chàng trai Hà Nội gốc, lại là dân phố cổ. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả tại phố Lò Rèn, mẹ ông là tiểu thương buôn bán sắt theo cái “ngành” của con phố thời bấy giờ. Thế Anh vẫn còn nhớ như in hình ảnh mẹ ông ngày xưa, lúc nào cụ cũng đẹp rạng rỡ với mái tóc dài chẫm gót chân. Mẹ ông sinh được 3 người con, Thế Anh là út. Người anh ở giữa sớm qua đời, ngày con trai mất, cụ với mái tóc dài miên man ấy cứ lăn lăn, lăn lăn theo áo quan của con từng phút rời xa. Hình ảnh ấy luôn hằn lên trong tâm trí NSND Thế Anh khi nhớ về mẹ. Cụ từng là hoa khôi của cả một vùng.

Đẹp là thế nhưng mẹ ông không thuộc diện “ngồi mát ăn bát vàng” mà rất năng nổ bán buôn chăm lo nuôi gia đình. Vừa buôn bán sắt ở nhà, cụ vừa thường xuyên nhảy tàu về Hải Phòng buôn chuyến. Cha ông là người học hành xuất sắc. Bà nội Thế Anh kể lại, từ tấm bé cha ông học hành chăm chỉ ít ai bằng. Ngày đó có phong trào nhảy đầm, cha Thế Anh cạo đầu để xấu xí, không dám bước ra ngoài đi chơi, đi nhảy, ép mình ngồi nhà học bài. Hay thức khuya học, ông ngâm chân vào nước nóng để tránh muỗi và không bị ngủ gật. Sau này dù Thế Anh cũng là người học rất giỏi, từ ngoại ngữ đến các môn học tự nhiên nhưng cũng chưa “thấm gì” so với cha.

Những êm ấm của gia đình không được bao lâu, khi cậu bé Thế Anh còn nhỏ thì cha đậu học bổng sang Pháp học làm bác sĩ, Thế Anh sớm xa rời vòng tay thương yêu của cha từ đó. Ngày cha lên đường, người nhà phải bế Thế Anh đi chỗ khác để tránh sự bịn rịn khi chia tay. Không ngờ, kể từ giây phút đó, suốt cả cuộc đời ông không gặp lại được cha mình. Bởi, thật không may là khi cha tốt nghiệp thì xảy ra chiến tranh, thế là cha “mắc kẹt” tại Pháp không trở về Việt Nam được. Những ngày thơ ấu, cậu bé Thế Anh và anh trai lớn lên chỉ với bàn tay chăm sóc ấm áp đầy nỗi buồn của người mẹ, Thế Anh buồn lắm. Ông đã từng rất giận cha đã bỏ mẹ con ông đi, cậu bé từng nghĩ “sẽ không bao giờ... chơi với cha nữa”.

Làm sao không giận được khi Thế Anh chứng kiến mẹ cứ lầm lụi, tảo tần một mình nuôi hai con lớn khôn. Bao hy sinh, đau khổ cụ đều giữ cho riêng mình. Thế Anh cảm phục và thương mẹ vô cùng. NSND Thế Anh thường nghĩ, câu chuyện của gia đình ông, của mẹ ông chẳng khác nào câu chuyện Tần Hương Liên nổi tiếng của Trung Quốc. Tần Hương Liên tần tảo hôm sớm nuôi chồng đi học, đỗ đạt thành tài thì chồng quên ân nghĩa xưa, vui với vinh hoa phú quý. Mẹ ông là Tần Hương Liên của Việt Nam, cụ cũng chăm sóc, lo cho chồng đi học, đỗ đạt thành tài nhưng rồi vì điều kiện lịch sử ngáng trở, ngày chồng vinh hoa thì cụ không được hưởng những phú quý từ chồng... Cha Thế Anh là người giỏi giang, ở bên Pháp sau khi tốt nghiệp cụ trở thành một bác sĩ giỏi, mở được bệnh viện tư khá nổi tiếng. Điều đó, không phải người Pháp nào cũng làm được.

Cậu bé Thế Anh có gien học giỏi, nên được theo học các trường nổi tiếng thời bấy giờ như Lycée Albert Sarraut, trường Tư thục Khai Thành, Minh Tân, Hoàng Hữu Nam. Thế Anh từ nhỏ tới lớn lúc nào cũng có tâm lý dẫn đầu, ở đâu cũng muốn toả sáng là ngôi sao, không muốn lép vế, không chịu thua kém ai cả. Thuở đi học, Thế Anh đã luôn luôn khẳng định vi trí số 1 trong trường lớp. Cuộc sống không hề êm ấm, gia đình Thế Anh có sự chuyển đổi về chỗ ở vì lý do chiến tranh, di chuyển từ phố Lò Rèn về sống tại phố Phù Đổng Thiên Vương.

Cũng từ giai đoạn này, mẹ ông không còn buôn sắt và cũng không đủ sức khoet, điều kiện đi buôn bán xuôi ngược, cuộc sống gia đình có nhiều vất vả. Nhìn thấy mẹ cực khổ lo cho hai con, cậu bé Thế Anh thương mẹ lắm, muốn đỡ đần mẹ gánh nặng kinh tế. Ngay từ khi học lớp 9, lớp 10, Thế Anh đã đi làm gia sư kiếm tiền, học lớp 9 thì đi dạy lớp 8, học lớp 10 thì đi dạy lớp 9. Việc dạy của Thế Anh cũng khá, mỗi tuần dạy 4 - 5 buổi liền, rất nhiều người đã ngạc nhiên về sự giỏi giang của cậu bé. Tiếng Pháp giỏi, Thế Anh lại là cậu bé ham học, đọc rất nhiều sách tự nhiên của nước ngoài nên lại càng nhiều kiến thức, cang giỏi, dạy gia sư rất uy tín.

Trong sự xa cách nghìn trùng về địa lý, với những hoàn cảnh riêng tư, có lẽ cả Thế Anh và cha ông đều không muốn... nhớ đến nhau nữa. Thế Anh mang tâm lý hận người cha đã bỏ mẹ con ông đi, để cho mẹ ông cực khổ cả về đời sống lẫn tâm lý, còn cha ông ở Pháp sau này cũng lập gia đình riêng và có hạnh phúc riêng. Cha cũng không nghĩ đến ngày có thể trở về gặp lại các con, vì ngày đó việc qua lại giữa Pháp - Việt không đơn giản như thời nay.

Nhưng, số phận lại thật lạ kỳ. Khi Thế Anh vào vai Trung uy Phương trong phim “Nổi gió”, tên tuổi, sự nghiệp của ông bắt đầu rạng rỡ, bộ phim nổi tiếng khắp nơi và được đem qua Pháp chiếu giới thiệu. Ban đầu, tính tự ái, sự tự kiêu trong người ông lớn hơn nhu cầu tìm kiếm, ông cho rằng mình cũng là một người nổi tiếng, cuộc sống khá giả, chẳng cần gì đến người cha đã bỏ mẹ con mình ra đi không ngày trở lại như thế. Nhưng rồi, ông sau khi suy nghĩ, ông viết một tá thư gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó là ông Xuân Thúy, rằng ông có một người cha đang sống tại Pháp, nhờ đoàn ngoại giao tìm giúp xem cha ông giờ thế nào.

Thế rồi, bộ phim được chiếu ở Pháp, chính cha ông là người đi dự xem và cha con nhận ra nhau từ phim. Từ đó, cha ông đã viết thư về nhận con... Tuy nhiên trong suốt cả quá trình cha con nhận nhau đó, chỉ có những lá thư làm cầu nối, Thế Anh và cha vẫn chưa có dịp gặp nhau cho tới khi cha ông qua đời. Bất ngờ là khi cha ông mất, luật sư ở bên Pháp đã gọi điện về xác minh lý lịch và Thế Anh được thừa kế một phần gia tài của cha, số gia sản đó đủ để ổng sống cũng khá giả. Ông giãi bày, nhiều người thấy nhà ông lớn, khá giả cứ nghĩ ông đi đóng phim, làm nghệ thuật giàu lắm, nhưng thực ra không phải, đó cũng là nhờ tài sản cha ông để lại mà nên. Cũng nhờ sự “yên ấm” của hậu phương mà ông không phải bươn bả kiếm sống, không phải chạy theo phim ảnh để kiếm tiền mà chì làm những gì mình thích và tâm huyết.

Thực ra, ngày xưa, khi viết thư tìm cha, Thế Anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vì cha giàu có, cũng chẳng bao giờ mảy may nghĩ đến chữ tiền. Ông nghĩ rất đơn giản rằng sau chừng ấy năm xa cách, sau những khổ đau mà me con ông chịu thì ông cũng muốn biết cha mình như thể nào. Với ông, tâm lý lúc đó gặp được thì tốt, chẳng gặp được thì thôi, bởi cha đã làm mẹ ông và các con khổ tâm. Nhưng rồi về sau này, càng lớn lên, càng từng trãi, Thế Anh mới nghĩ được rằng cũng không thể trách cha mình quá được, bởi đó là cuộc đời và phải chấp nhận nó. Cuộc đời này có những bi kịch và đó là một phần của cuộc sống. Thế Anh cũng rất hiểu cha ông có những điều đau khổ ở tận tâm can khi sống xa xôi, cách biệt như thế.

Con đường trở thành “đệ nhất” trong nghệ thuật

Cũng chính vì những lý do gia đình không êm đẹp như thế mà đời lại cho điện ảnh một Thế Anh thật tuyệt vời. Nhiều khi có cảm giác, mọi sự sắp đặt của ông trời là để dẫn dắt Thế Anh đến với nghệ thuật và để lại những thành tựu thuộc vị trí hàng đầu.

Cũng như bất kỳ bà mẹ nào ở thời xưa, mẹ Thế Anh cũng mong con mình lớn lên học hành đỗ đạt để làm kỹ sư, bác sĩ, chẳng ai muốn con làm cái nghề nghệ thuật bị gọi là “xướng ca vô loài” này. Hơn nữa, Thế Anh lại học giỏi như thế, chuyện làm bác sĩ, kỹ sư là chuyện nằm trong tầm tay, đâu có gì khó. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, ông công tác tại Trường Trung Cao cấp Quân sự trong 2 năm.

Năm 1961, ông trúng tuyển vào Khoa Toán -Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Nhưng cuộc đời lại không dễ dàng để chàng thanh niên đẹp trai Thế Anh đi làm giáo viên như thế. Đi học được mấy tháng, Thế Anh nghĩ nếu bây giờ ông tiếp tục học sư phạm và ra làm giáo viên thì sau này tốt nghiệp, chắc chắn ông sẽ phải đi lên vùng sâu để làm việc giống như tất cả mọi người lúc bấy giờ. Như vậy ông lại không đành lòng để mẹ ông ở Hà Nội một mình.

Thế Anh nghĩ một cách rất thực dụng theo lời khuyên của nhiều người là chuyển sang ngành nghệ thuật học và nếu làm nghệ sĩ, sau này chỉ loanh quanh ở Nhà hát Lớn mà thôi, không phải đi đâu xa xôi cả. Thế là ông đăng ký sang trường Sân khấu Điện ảnh dự thi, ngày đó, giáo viên trường điện ảnh là các nghệ sĩ từ bên Liên Xô sang dạy và tuyển học sinh. Thế Anh bước vào ứng thí trong tâm thế của một người không biết gì về nghệ thuật, không có khái niệm sân khấu là như thế nào. Nhưng, ngay lập tức ông được tuyển vào trường với một lý do lãng xẹt: đẹp trai và cao to. Các thầy nói rằng, một chàng trai đẹp trai như vậy không tuyển vào nghề này rất phí, thôi thì dù “nó” không đóng được vai chính thì đóng vai phụ, thậm chí làm cái chân bưng bê khay nước chạy qua màn hình cũng đủ sướng mắt rồi... Nhờ đẹp trai, Thế Anh thẳng bước vào con đường nghệ thuật.

Học được nửa năm thì Thế Anh thấy chán, đã nhiều lúc ông muốn bỏ học. Từ một thanh niên sôi nổi, tài giỏi các môn khoa học kỹ thuật, giờ vào trường suốt ngày chỉ học khóc, học cười, Thế Anh cảm thấy không hề thích hợp với bản chất con người mình. Nhưng đến khi tham gia đóng phim “Nổi gió”, nhìn thấy sự ngưỡng mộ của công chúng cũng như tác động lớn của bộ phim, Thế Anh mới cảm nhận rõ ràng thế nào là trách nhiệm của người công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ với nghề nghiệp cũng như công chúng. Đó cũng chính là bước chuyển để Thế Anh nắm rõ sứ mạng người nghệ sĩ của mình và dốc lòng với nghiệp mình đã chọn.

Ngay vai diễn đầu tiên, Thế Anh đã thành công vang dội. Những nhân vật giúp tên tuổi ông bừng sáng thời kỳ đầu đều là nhân vật kiểu sĩ quan. Vai sĩ quan ngụy bị vây trong lô cốt trong vở kịch tốt nghiệp “Đêm đen” (trong bộ ba vở kịch ngắn “Nửa đất nước trong đêm” của tác giả Ngô Y Linh) đã đem đến cho ông chiếc bằng đỏ khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964. Sau đó, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương nằm ngay phía sau... Nhà hát Lớn, đúng như mong ước của ông.

Vạn sự khởi đầu nan, cái gian nan nhất là sự cảm thấy không thích hợp với nghề đã qua đi, tình yêu nghệ thuật dần ngấm vào trong máu chàng diễn viên trẻ Thế Anh. Con người ông thuộc tuýp đã không yêu thì thôi nhưng đã yêu thì dữ dội vô cùng, tình yêu nghệ thuật cũng thế, khi đã ở trong huyết quản thì nó có thể hơn cả tình yêu trai gái. Thế Anh nhanh chóng nổi tiếng với nhiều vở kịch, bộ phim, cả vai chính diện lẫn phản diện. Nét phong lưu, góc cạnh và sự tìm tòi được những cá tính đặc biệt cho vai diễn đã giúp Thế Anh hoá thân vào các nhân vật rất khác biệt, thể hiện sự chăm chút cao nhất cho những nhân vật ông thể hiện. Thế Anh rất tự hào với hai vai diễn trong phim là Trung uý Phương (phim “Nổi gió”) và Ba Duy (phim “Mối tình đầu”) đã đem lại tên tuổi rực rỡ và chóng vánh cho ông. Có biết bao người sau đó đã đặt tên con là Phương và Duy vì hâm mộ những bộ phim này và nhân vật Thế Anh thể hiện.

NSND Thế Anh vẫn luôn ngỏ lời cảm ơn với NSND Huy Thành và NSND Đăng Bẩy với phim “Nổi gió”. Thời đó, Thế Anh là diễn viên sân khấu đang khá nổi với vai tên phát xít Đức gián điệp hai mặt trong vở kịch “Nila cô bé đánh trống trận”, NSND Huy Thành (đạo diễn phim “Nổi gió”) đã rất ưng tạo hình của Thế Anh trong vở kịch và mởi đến casting vai Trung uý Phương. Thế Anh là người thứ 13 thử vai này. Thời điểm đó, vở kịch “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm rất nổi tiếng và bản thân Thế Anh cũng ngưỡng mộ vỏ kịch này. Khi đến Hãng Phim truyện Việt Nam để thử vai, Thế Anh mặc một bộ đồ sĩ quan Ngụy, vóc dáng cao to, gương mặt đẹp nhìn rất oai phong lẫm liệt bước vào thì cả xưởng phim ồ lên: “Trung úy Phương đây rồi”.

Từ đó, con đường bước lên đĩnh vinh quang trong nghiệp diễn viên của Thế Anh cứ thẳng đường mà tiến. Ông đi song song cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, hầu hết đều vào các vai chính và vai nào cũng tạo những ấn tượng lớn. Bên sân khấu kịch, ông thành công với vai bác sĩ Hải trong “Đôi mắt”, chàng thủy thủ Rubakov trong “Chuông đồng hồ điện Kremlin”, cố vấn Mỹ trong “Anh Trỗi”, sĩ quan tình báo trong “Hoa anh túc” và những vai khác trong “Âm mưu và tình yêu”, “Khúc thứ ba bi tráng”,... Ở lĩnh vực điện ảnh, ông nổi tiếng với Ba Duy trong “Mối tình đầu”, Dư trong “Đường về quê mẹ”, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong “Em bé Hà Nội”, “Không nơi ẩn nấp“, “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù du”,... Vai Ba Duy trong bộ phim “Mối tình đầu” (đạo diễn Hải Ninh) đã mang lại cho Thế Anh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980. Sau này, ông vẫn tiếp tục đóng phim cả phim truyền hình, điện ảnh và kịch, tuy nhiên ông thường chọn lựa những vai diễn có đất diễn, có khả năng bộc lộ được tính cách, có sự độc đáo...

Thế Anh cho rằng, cuộc đời ông có nhiều may mắn nên mới giúp ông nhanh chóng trở thành một trong những tên tuổi số 1 của điện ảnh Việt Nam, cho đến tận bây giờ. Đó là sự may mắn khi ông liên tục được vào các vai chính ở những bộ phim lớn vào thời điểm mà nền điện ảnh Việt Nam đang rất sung sức, đang hưng thịnh.

Tuy nhiên, ai cũng biết, may mắn mà ông nói chỉ là một yêu tố trong rất nhiều những yếu tố xây dựng nên thành công. Điều cốt yếu giúp ông được yêu mến, nổi tiếng ngay chỉ sau 1 vai diễn và liên tục được mời vào các bộ phim lớn khác là bởi tài năng và sự đau đáu với nghề. NSND Thế Anh thừa nhận, ông là người có một chút tự kiêu về tài năng của mình. Nhưng, không phải là kiêu căng để ngủ quên trên chiến thắng. Ông thấy mình cũng hơn người về tài năng và ông kiêu để luôn cố gang, luôn luôn tiến lên, làm sao để luôn chứng minh được sự hơn người đó. Lúc nào trong lòng ông cũng có sự trăn trở suy nghĩ về nghề nghiệp, ông không bao giờ chịu sự bắt chước, sự lặp lại trong những vai diễn của mình.

Mỗi khi thực hiện một vai diễn, ông thường dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ tìm cho nó một tạo hình, một sắc thái không thể quên được. Ông bảo, làm điện ảnh mà hời hợt là!., chết khi nào hời hợt tức là khi đó nên sang... thế giới bên kia. Còn khi đã làm nghề thì lúc nào cũng phải sống, dù cả trong giấc ngủ, lúc nào cũng phải quan sát để tìm được những kiến thức quý giá phục vụ cho nghề diễn. Trong nghề, Thế Anh kiêu, tự hào về tài năng của mình là thế, nhưng bước ra khỏi công việc, ông lại rất giản dị, gần gũi, gặp ông sẽ không thấy có bóng dáng của một ngôi sao lớn. Đớn giản là vì ông quan niệm nếu muốn đóng được nhiều vai, hoa thân được vào nhiều nhân vật của xã hội thì phải thân với nhiều người từ hàng nước, xích lô, người bán than... Trong cuộc đời có 100 người thì mỗi người mỗi khác, mỗi người mỗi vẻ mặt thì tại sao phải mang lên phim tất cả mọi gương mặt đều giống nhau? Mỗi phim, ông đều quyết tâm phải thực hiện mục đích: “khán giả phải nhớ tôi”.

Tất cả những quan sát từ cuôc sống, ông đều bỏ vào túi và khi cần là lấy ra đưa vào vai diễn của mình. NSND Thế Anh nổi tiếng với quá trình hành xác ngày uống cà phê, đêm thức trắng để gầy sụt đi và có được bộ dạng vêu vao, hốc hác của kẻ nghiện trong phim “Mối tình đầu”. Những ngày tháng ông lê la khắp các nẻo đường có con nghiện, vào trại cai nghiện để xem người nghiện vật thuốc ra sao, khi lên cơn vung chân, vung tay thế nào... gần như đã là bài học kinh điển cho những ai muốn biết quá trình hoá thân vào nhân vật của người diễn viên ra sao. Rồi khi đóng vai thầy cúng trong bộ phim “Lưu lạc trở về Sam Sao”, NSND Thế Anh đã ăn, ngủ, sống cùng người dân tộc tới mấy tháng trời để quan sát ông thầy mo dân tộc cúng kiểu gì, sống ra sao, cử chỉ, lễ bái thế nào... Ngay như khi vào vai bác sĩ, ông cũng phải theo Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng vào phòng mổ để được tận mục sở thị những hành động, động tác chuẩn nhất trong phòng mổ của một bác sĩ.

Có như thế, ông mới biết được là người bác sĩ khi vào mổ, hai tay vô trùng rồi thì cứ phải giơ tay lên cao và không được chạm vào bất cứ thứ gì khác. NSND Thế Anh vẫn còn nhớ lần đầu tiên ông được vào viếng Lăng Bác, bước vào lăng, ông thấy bồi hồi và nghĩ chắc chắn sẽ có ngày dùng tới cảm xúc này. Thế là, thay vì chỉ viếng một lần giống như người ta, ông lộn đi lộn lại tới 4 - 5 lần để giữ tình cảm đó trong lòng để sau này nếu đóng phim sẽ “buông” nó ra. Đúng quả như vậy, khi đóng phim “Em bé Hà Nội”, Thế Anh đã khiến cho bao người bật khóc khi thể hiện hình ảnh xúc động của người bộ đội bắn rơi máy bay dâng lên Bác Hồ, bên tai vảng vẳng tiếng nói của Bác...

Trong sự nghiệp của mình, Thế Anh đặc biệt xúc động với lời khen tặng của đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoerffer - đạo diễn từng đoat giải Oscar - dành cho mình. NSND Thế Anh từng tham gia đóng bộ phim “Điện Biên Phủ” tái hiện trận đánh cuối cùng của quân Đội Pháp tại Việt Nam do Pierre làm đạo diễn, ông vào vai ông Cọp, một người bán hàng người Tâu. Khi Thế Anh đóng cảnh khách vào đổi tiền đô la, lẽ ra chỉ có vào đổi tiền là xong. Nhưng, Thế Anh đã nghĩ khác, ông trao đổi với đạo diễn và cuối cùng đóng cảnh đó theo cách khách vào hỏi đổi đô la, ông Cọp quay người vào phía trong xổ ra một tràng tiếng Tàu về giá cả rồi mới quay ra trao đổi, mua bán... Đạo diễn Pierre Schoendoerffer đã rất sửng sốt khi thấy cách thể hiện đó, ông khen Thế Anh: “Anh đúng là một nghệ sĩ lớn”. NSND Thế Anh vẫn còn giữ tấm poster mà đạo diễn Pierre Schoendoerffer đã ký tặng ông khi ông sang Pháp tham dự ra mắt bộ phim “Điện Biên Phủ”. Đạo diễn Pierre Schoendoerffer đã viết lên đó: “Anh là một nghệ sĩ lớn. Tôi rất yêu anh”. Lời khen tặng đó thật sự là món quà lớn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Thế Anh.

Kỳ 2: “Đệ nhất đào hoa” - NSND Thế Anh - và những sóng gió đào hoa và nghi án “phim giả tình thật”.