Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vượt lên nỗi bất hạnh tật nguyền:

Cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp, đáng yêu, đáng sống

ANTĐ - Giữa tiết trời nắng nóng, buổi giao lưu lần thứ… 1.493 của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký với những câu chuyện giản dị về tấm gương vượt lên số phận của ông đã lay động trái tim bạn đọc nhỏ tuổi ở Hà Nội.  

Cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp, đáng yêu, đáng sống ảnh 1Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký ký tặng sách cho các em thiếu nhi

Buồn nhất là học trò “mất trật tự ngầm”

Buổi gặp gỡ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký khó khăn lắm Ban tổ chức mới sắp xếp được. Bận bịu với công việc giảng dạy ở TP.HCM, nhân Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, ông mới lại bay ra Hà Nội, để gặp những người đồng nghiệp, những người bạn thân thiết của mình. Nhà tổ chức cho biết, đây là buổi giao lưu thứ 1.493 của ông với thanh thiếu niên Việt Nam, nhưng người muốn gặp ông thì vẫn chật ních cả hội trường. Có lẽ bản thân những câu chuyện giản dị nhưng đầy nghị lực phi thường của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã tạo nên sức hút, nên ai cũng muốn gặp thầy Ký cho bằng được. 

Miệt mài với công việc giảng dạy suốt mấy chục năm qua, thầy Ký tâm sự, hàng ngày thầy vẫn chuẩn bị giáo án bằng cách viết sẵn vào một tờ giấy, gạch đầu dòng các ý rồi dùng một tờ giấy trắng khác che lên. Đến lớp, thầy nhờ các em học sinh dán bài giảng của thầy lên, đến phần nào thì thầy dùng dây buộc kéo phần đó ra, để nội dung bên trong từ từ hiện ra. 

Yêu mến nghề dạy học, thầy Ký trải lòng: “Người thầy hạnh phúc nhất trên bục giảng là được thấy học sinh của mình chăm chú nghe giảng”. Nhiều năm làm việc trong ngành sư phạm, thầy chia sẻ, chỉ cần nhìn ánh mắt là biết học sinh có tập trung hay không. Cũng bởi thế với thầy, học trò trong lớp nói chuyện, làm việc riêng công khai không đáng buồn bằng việc “mất trật tự ngầm” - tức là ngồi im, nhưng tâm trí lại để ra một… chỗ khác. 

“Nước mắt không làm tôi gục ngã"

Nói về nghiệp dạy học của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, nhà văn Lê Hoài Nam tâm sự: “Có một chuyện tôi nghĩ không phải ai cũng biết, đó là anh Ký sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp đã được giữ lại dạy ở trường. Nhưng anh đã xin về quê để dạy ở một trường cấp 2. Điều này chứng tỏ anh có một trái tim vô cùng nhân hậu”. Người bạn thân thiết của thầy Ký cũng bông đùa, trong Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có khoảng 40% nhà văn không dùng máy vi tính. Còn thầy Nguyễn Ngọc Ký lại… tiếp cận máy tính rất nhanh. Thầy dùng ngón chân quặp vào cây bút chì có đầu tẩy, cứ thế mà gõ. Phương pháp đơn giản này lại theo thầy trong suốt sự nghiệp viết văn, giúp thầy chấp bút cho 32 đầu sách lớn, nhỏ, trong đó có nhiều cuốn sách gối đầu giường cho thiếu nhi như “Tôi đi học”, “Tôi học đại học”…

Dù cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, ngang trái, bị liệt đôi tay từ khi mới lên 4 tuổi, nhưng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn cho mình là người may mắn. May mắn vì trong cuộc đời ông gặp được những người thầy, người bạn luôn giúp đỡ mình và người vợ sát cánh bên ông những lúc sóng gió. Có người hỏi, được biết đến như một con người kiên cường, giàu nghị lực như vậy, ông có bao giờ buồn không? Ông đáp: “Có chứ, tôi đã có lúc cảm thấy bất lực, đã nhiều lần chui vào một góc mà khóc một mình. Nhưng những giọt nước mắt ấy không khiến tôi gục ngã, mà lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh để đứng lên”. 

Khi hạnh phúc mỉm cười

Một trong những thời điểm buồn nhất với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đó là năm 1994, khi người vợ của ông - bà Vũ Thị Nhiễu bị tai biến não, liệt nửa người. Ông rầu rầu: “Lúc đó cả 2 vợ chồng chúng tôi chỉ còn một cánh tay”. Hết lòng chăm sóc vợ, nhưng 7 năm sau, bà qua đời, để lại nỗi đau khôn nguôi trong trái tim ông. Nhưng tạo hóa như một sự sắp đặt kỳ diệu, trước khi ra đi, bà Nhiễu gửi gắm ông cho người em gái là bà Vũ Thị Đậu như một di nguyện cuối cùng. Sau nhiều khó khăn, ngăn trở, hai người nên duyên và sống hạnh phúc dưới mái nhà nhỏ cho đến bây giờ. Lần này ra Hà Nội cũng vậy, bà luôn có mặt bên ông. Nhìn bà gạt những giọt mồ hôi trên trán ông, thỉnh thoảng lại cầm cốc nước giúp ông uống, mới thấy tình cảm yêu thương sâu đậm giữa hai người. Và như ông đã nói: “Sự xuất hiện của bà ấy làm tan đi những khoảng trống mênh mông trong lòng tôi”. 

Với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, ông bảo điều may mắn trong cuộc đời là nhận được sự giúp đỡ từ cả những người không quen biết. Một người đi đường giúp ông nhặt chiếc mũ bị gió bay, một người “xe ôm” chở ông đi không lấy tiền... Nhờ những con người như vậy, ông tin tưởng cuộc đời còn bao nhiêu điều tốt đẹp, còn bao điều đáng yêu, đáng sống.