Cuộc đời còn lại của đứa con từng giết người tình của cha

ANTĐ - Sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng cuộc sống của cậu thanh niên học năm thứ ba Đại học Kinh tế không được hạnh phúc trọn vẹn. Không ít lần cậu phải chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ mình rơi vì cha ngoại tình. Thương mẹ, trong cơn tức giận, cậu đã đâm chết người tình của cha và phóng hỏa đốt luôn nhà nạn nhân. Quyết tâm hoàn lương sau thời gian trả giá cho những lầm lỗi đầu đời, giờ đây con người từng lầm lạc này đã có một gia đình êm ấm và hạnh phúc.

Cuộc đời còn lại của đứa con từng giết người tình của cha  ảnh 1
Cha đa tình, con gây án 

Gia đình ông Huỳnh Văn Tốt (SN 1963) từng sở hữu hàng trăm héc-ta ruộng đất, nổi tiếng giàu có ở vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, cuộc sống của anh em ông Huỳnh Văn Tốt lại không mấy hạnh phúc bởi họ phải chứng kiến những lần cha ngược đãi mẹ để bỏ nhà đi chơi với nhân tình. Mỗi lần như thế, nhìn những giọt nước mắt của mẹ, Tốt lại trào dâng niềm uất hận. Trên Tốt là những chị gái nên thấy cha như vậy, họ cũng chỉ biết an ủi, động viên mẹ mà không dám hé răng khuyên can vì sợ bị ăn đòn.

Một buổi chiều cuối tháng 8-1983, cậu sinh viên Huỳnh Văn Tốt lúc đó đang học năm thứ ba Đại học Kinh tế về nhà nghỉ cuối tuần. Vừa bước vào nhà, Tốt đã thấy mẹ đang ngồi khóc, còn cha không biết đi đâu. Chẳng cần hỏi, Tốt cũng đủ biết nguyên nhân làm mẹ rơi nước mắt. Không nói không rằng, Tốt lẳng lặng đi vào bếp, mang theo một con dao và lên chiếc xe Zeep lái thẳng đến nhà nhân tình của cha mà cậu đã dò hỏi được từ trước đó. Cái đầu nóng của tuổi mới lớn chỉ nghĩ được rằng: “Chỉ cần giết chết nhân tình của cha thì ông ấy sẽ quay về với mẹ”.

Vậy là, Tốt điên loạn trút những nhát dao oan nghiệt lên nhân tình của cha. Sau đó, Tốt châm lửa đốt luôn ngôi nhà được cho là tổ ấm của cha và nhân tình. Sau khi gây án, Tốt chạy về nhà gục đầu vào mẹ, thú nhận những gì mình vừa gây ra. Sau đó, gã đến cơ quan công an đầu thú. Với hành vi giết người của mình, Huỳnh Văn Tốt bị kết án 15 năm tù giam. Tốt nhớ lại: “Sau khi nghe tòa tuyên án thì cha mẹ tôi đều gục xuống. Chắc ông bà nghĩ chính họ là nguyên nhân dẫn đến tội ác của con trai mình. Thế nhưng, cho đến bây giờ tôi cũng chưa bao giờ thấy hận cha tôi. Có hận là hận bản thân mình ngày đó đã quá bồng bột. Cái giá phải trả 15 năm tuổi trẻ và tương lai cho hành động bồng bột ngày ấy là quá đắt nên đến bây giờ tôi tự dặn mình phải gìn giữ hạnh phúc gia đình”.

Tình yêu cứu rỗi

Trong quá trình cải tạo tại Trại giam Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Huỳnh Văn Tốt luôn có gắng lao động, cải tạo bằng thái độ tích cực nhất có thể. Sau 15 ngày học nội quy của trại, Tốt được cử xuống làm y tá. Chính những năm tháng làm y tá, nhiều lần Tốt được ra ngoài mua đồ cho trại giam nên anh đã quen biết với chị Nguyễn Thị Lý (SN 1967), làm thủ kho của Hợp tác xã Xuân Phước. Gặp gỡ rồi dần dần thấy quý mến và yêu nhau. Mặc cho mọi người dèm pha, mặc cho bố mẹ ngăn cản nhưng chị Lý vẫn quyết định chờ đợi Tốt. “Với một đời người thì 15 năm không quá dài nhưng nó lại quá dài đối với tuổi xuân của một người con gái. Lúc đó, bà ấy nói sẽ đợi tôi nhưng tôi cũng không dám tin vì mình đang là “thằng tù” chẳng có cái gì trong tay. Thế mà bà ấy đợi được thật”, ông Tốt hào hứng kể lại chuyện tình yêu của mình. 

Sau gần 10 năm, nhờ cải tạo tốt nên năm 1990, Tốt được đặc xá ra tù trước hạn. Ngày tự do đầu tiên, Tốt nói với người yêu rằng sẽ về TP Vũng Tàu bảo cha mẹ ra hỏi cưới chị. Dù không tán đồng nhưng nhìn vào mắt cậu con trai, ánh mắt đã quyết tâm thì chẳng ai cản được nên cha mẹ Tốt đành đem sính lễ ra Phú Yên hỏi vợ cho con.

Cưới nhau xong, chị Lý khăn gói theo chồng vào Vũng Tàu sinh sống. Ông Tốt biết cha mẹ mình không ưa vợ mình bởi cô ấy ấy quá chân chất và không biết nói những lời khéo léo. Nhưng chính bản tính đó làm cho ông thương vợ nhiều hơn. Ông nghĩ rằng ở đời này ngoài bà thì có người phụ nữ nào sẵn sàng đợi ông, một người lầm lạc, trong suốt 15 năm ròng, sau đó lại bỏ nơi chôn nhau cắt rốn theo mình vào tận trong Vũng Tàu? Ông tự nhủ phải làm việc gấp nhiều lần những người khác để bù đắp cho vợ và cũng để vợ thấy rằng cô ấy đã không lựa chọn sai người đàn ông của đời mình.

Biết cha mẹ không ưa vợ nên Tốt đã khéo léo mướn chỗ ở khác để tránh những mâu thuẫn không đáng có. Không một chút ngơi nghỉ, hai vợ chồng Tốt lao vào làm ăn. Trời không phụ lòng người, sau khoảng thời gian 12 năm, vợ chồng Tốt đã mua được 8 héc-ta đất trước ánh mắt ngạc nhiên của người thân. Nhưng cuộc sống vốn nhiều chông gai, khi đã có của ăn của để thì lúc này cha của Tốt lại có người phụ nữ khác. Sợ ở gần rồi lại nảy sinh những sự việc không đáng có nên một lần nữa Tốt bàn với vợ đi đến một nơi khác để bắt đầu lại. Suy đi tính lại, hai vợ chồng Tốt quyết định trở về vùng đất Xuân Phước nơi từng giam giữ mình, cũng là quê của vợ để gây dựng lại tương lai.

Trở thành người nông dân giỏi

Trở về Xuân Phước khởi nghiệp, với số vốn liếng dành dụm của 12 năm, vợ chồng Tốt mua một căn nhà, số tiền còn lại dùng làm vốn làm ăn. Là người thông minh, nhanh nhạy nên lúc đó Tốt bàn với vợ chuyển qua chăn nuôi bò. Ông Tốt kể rằng: “Vào thời điểm đó, ở huyện này nhà nào nhiều lắm cũng chỉ có vài con bò. Thế mà tôi đầu tư một lúc lên đến 20 con. Bò được mua từ Đồng Nai về, lạ nước lạ thức ăn, con nào con ấy gầy trơ xương. Nhìn đàn bò gầy như vậy, vợ tôi lo đến mức khóc ròng. Tìm hiểu mọi thứ, cuối cùng tôi còn mạnh dạn đi vay 2 cây vàng về thuê một mảnh đất để trồng cỏ tím cho bò ăn. Lúc trồng cỏ đó, ai cũng bảo tôi bị “dở” chứ cỏ gì mà lại có màu tím như thế chứ. Thế rồi, đúng 18 tháng sau, đàn bò hồi phục nhờ thứ cỏ ấy và tôi thu hồi vốn cho vợ”.

Thấy đàn bò của Tốt ngày càng béo, sinh sôi này nở nên lúc trước nhiều người bảo anh “dở” hoặc nghi ngờ việc làm của vợ chồng anh đã đến nhà để học hỏi kinh nghiệm. Thế là có bao nhiêu kinh nghiệm, anh đều đem ra chỉ dẫn tận tình cho bà con nông dân. Dần dần, khoảng cách và những nghi kị về một “kẻ giết người” đã được xóa bỏ, bà con trong xóm ai cũng quý mến vợ chồng anh. Tốt trở thành gương tiên tiến điển hình của một xã miền núi vì làm ăn kinh tế giỏi. 

Hạnh phúc viên mãn hơn khi hai đứa con trai của vợ chồng Tốt thấy cha mẹ cực khổ làm lụng nên chăm chỉ học hành. Ông Tốt nói: “Hai đứa con mới chính là niềm tự hào nhất của vợ chồng tôi. Hai đứa trước đây đều học nhất nhì của trường Xuân Phước này đấy”. Nghe anh nói, nhiều người nghĩ là Tốt “nổ” nhưng quả thật ở một làng quê như nơi đây thì việc một gia đình có hai người con đều đỗ đại học thì rất đáng để “khoe”. Khi hai đứa con lần lượt vào Sài Gòn nhập học thì cũng là lúc bao lo toan lại oằn trên đôi vai của hai vợ chồng: “Tháng nào cũng phải gửi tiền đều đặn cho hai đứa con”.

Suy đi tính lại, ông Tốt quyết định bán đàn bò đi để chuyển qua nuôi vịt. Nhờ chăm chỉ học hỏi nên khi những người khác chăn nuôi liên tục bị lỗ thì Tốt cứ đều đặn 2 tháng xuất chuồng một lần. “Vì hai đứa ăn học nên bây giờ trước nhà, sau nhà đều để nuôi vịt cả. Nhưng thằng lớn tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải đi làm mình cũng đỡ phải lo lắng”, nhắc đến con, gương mặt vẫn sạm đen vì những lo toan của người đàn ông từng vào tù ra tội này bỗng lại rạng ngời.