Cuộc điều trần mở ra bước ngoặt với mạng xã hội

ANTD.VN - Cuộc điều trần lịch sử của ông chủ Facebook trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ về vụ bê bối lộ thông tin cá nhân có thể mở ra một bước ngoặt lớn với không chỉ mạng xã hội này mà các mạng xã hội khác trên thế giới.

“Màn trình diễn” được đánh giá là khá suôn sẻ của Mark Zuckerberg trong 2 phiên điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã tạm thời giúp ông chủ Facebook “thoát hiểm”

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg rạng sáng 12-4 (theo giờ Việt Nam) đã kết thúc phiên điều trần kéo dài hơn 5 giờ tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại thuộc Hạ viện Mỹ liên quan đến bê bối lộ thông tin 87 triệu tài khoản của khách hàng. Trước đó 1 ngày, ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 tỷ người dùng này cũng đã có cuộc điều trần tương tự trước Thượng viện Mỹ.

Dù còn nhiều câu hỏi trong tổng số gần 100 câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng, song “màn trình diễn” được đánh giá là khá suôn sẻ của Mark Zuckerberg trong 2 phiên điều trần kéo dài 10 tiếng trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã tạm thời giúp ông chủ Facebook “thoát hiểm”. Đó là lý do giúp cổ phiếu của Facebook bật tăng tổng cộng 5,25% trong 2 ngày 10 và 11-4, mức tăng mạnh nhất suốt 2 năm qua, lên giá 166 USD/cổ phiếu. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà vụ bê bối rò rỉ thông tin người dùng kết thúc cũng như chấm dứt các rắc rối đối với Facebook và nhà sáng lập kiêm CEO mạng xã hội này. Bởi chính những thừa nhận của vị tỷ phú 33 tuổi trong 2 phiên điều trần có thể mở ra bước ngoặt với không chỉ Facebook mà còn các mạng xã hội khác trên thế giới.

Tại phiên điều trần được cho là khó khăn tại Hạ viện Mỹ, câu trả lời của Mark Zuckerberg cho thấy người dùng mạng xã hội luôn phải đối mặt với vấn đề dữ liệu riêng tư và vấn đề bảo mật khi CEO Facebook thừa nhận đã theo dõi người dùng, ngay cả khi họ đã đăng xuất Facebook, dù rằng với lý do “vì mục đích bảo mật”. Song điều đáng lo ngại là ông chủ Facebook lại không chịu nói rõ và cụ thể “mục đích bảo mật” là gì.

Lo ngại này  càng có cơ sở khi Mark Zuckerberg thừa nhận bản thân ông chủ Facebook cũng bị thu thập dữ liệu cá nhân trong vụ bê bối lộ thông tin của 50 triệu người dùng chấn động thế giới. Tỷ phủ này còn trả lời là: “Có” trước câu hỏi của nghị sỹ Anna Eschoo rằng: “Thông tin cá nhân của anh có nằm trong số dữ liệu bị bán cho bên thứ ba hay không?”.

CEO Facebook cũng khẳng định mạng xã hội này “không bán thông tin của người dùng”, song lại mâu thuẫn với câu trả lời rằng “việc chia sẻ thông tin là “có xảy ra” và điều này đã được thông báo với người đăng ký tài khoản ngay trong “điều khoản dịch vụ của Facebook”. Trước sự mâu thuẫn này, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng Facebook đã “tối đa hóa lợi nhuận từ chính vấn đề bảo mật này”. 

Còn đó những câu hỏi về bí mật và quyền riêng tư của người dùng khi tham gia Facebook cũng như những dữ liệu này được sử dụng ra sao? Chính ông chủ Facebook ngày 11-4 phải cho rằng việc quản lý các công ty mạng xã hội là điều chắc chắn xảy ra, dù rằng có cảnh báo những quy định cũng có thể gây tổn hại tới sự phát triển của ngành công nghiệp mạng xã hội. 

Kiểm soát mạng xã hội, bảo vệ người dùng, bảo vệ xã hội… đó là những đòi hỏi cần thiết và chắc chắn sẽ tạo ra những bước ngoặt lớn đối với các mạng truyền thông xã hội. Giáo sư Jennifer Grygiel thuộc trường Đại học Syracuse (Mỹ) gọi 2 phiên điều trần của Mark Zuckerberg là “cột mốc quan trọng” để mở ra “quá trình soạn thảo nhiều quy định cần thiết” với mạng xã hội.

Ngay ông chủ Facebook cũng khẳng định mạng xã hội này đang thực hiện các tiêu chuẩn về Quy định Bảo vệ dữ liệu tổng thể (GDPR) cho người dùng. Từ cuộc điều trần có thể thấy, người dùng có thể phải trả phí cho Facebook và các mạng xã hội khác để được bảo mật dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư, còn muốn dùng miễn phí thì phải chấp nhận những rủi ro lộ thông tin cá nhân khi mà chúng được “mua đi bán lại” như trong vụ bê bối lộ thông tin vừa rồi.