Cuộc đấu trí vạch mặt tên gián điệp đội lốt nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Được đào tạo bài bản tại nước ngoài, là bậc thầy trong nghề châm cứu, đồng thời lại giữ chức Phó Tổng biên tập Báo Tân Việt Hoa, Thái Nhữ Siêu có một vỏ bọc hoàn hảo để trở thành gián điệp chuyên thu gom tin tức về tình hình kinh tế, xã hội, đồng thời tuyên truyền những luận điệu sai trái ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Thế nhưng, trong cuộc đấu trí với lực lượng an ninh Công an Thủ đô thì Thái Nhữ Siêu đã phải chịu thất bại. Hơn thế nữa, người khuất phục hắn lại là… một phụ nữ.
Phiên tòa xét xử Thái Nhữ Siêu cùng đồng bọn

Phiên tòa xét xử Thái Nhữ Siêu cùng đồng bọn

Chân dung kẻ phản bội

Thái Nhữ Siêu sinh năm 1924 tại Quảng Ngãi, là người Việt gốc Hoa. Lớn lên đúng vào thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Siêu cũng hòa mình vào dòng thác cách mạng sôi sục của nhân dân địa phương, tham gia phong trào Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Đầu năm 1950, Siêu là Ủy viên Thường trực Hoa kiều Liên khu 5 kiêm Trưởng ban Hoa vận tỉnh Quảng Ngãi. Chính vì vậy, tháng 7-1950, Thái Nhữ Siêu được Nhà nước cử tham gia đoàn đại biểu Hoa kiều Liên khu 5 đi Trung Quốc chào mừng kỷ niệm 1 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Chuyến đi vô cùng gian nan, lênh đênh trên biển vài ngày, Siêu được tàu tuần tiễu của Trung Quốc ở đảo Hải Nam phát hiện, đưa về Quảng Châu. Tại đây, Siêu được nhập học vào Đại học Nam Phương. Sau đó, do bị tuyên truyền sai trái, trong đầu anh ta hình thành ý niệm cần phải lấy lại những vùng đất từ tay các “tiểu bá” để lãnh thổ Trung Quốc được mở rộng hơn, to lớn hơn, bao la hơn …

Tháng 10-1954, sau khi Thủ đô Hà Nội giải phóng, nhà cầm quyền Trung Quốc cấp hộ chiếu cho Thái Nhữ Siêu trở lại Việt Nam với nhiệm vụ đi sâu vào nội bộ các cơ quan Nhà nước Việt Nam, tìm mọi cách để Việt Nam tin tưởng giao cho cương vị trọng trách, đồng thời kiên trì chờ đợi những chỉ thị cụ thể từ thượng cấp. Sau 2 năm làm việc tại Lãnh sự quán Trung Quốc, Siêu được đề bạt chuyển công tác sang Tiểu ban Hoa vận Việt Nam, chính thức bước chân vào con đường làm gián điệp trong một tâm trạng nơm nớp lo sợ hành tung của mình sẽ bị lộ bất cứ lúc nào.

Ngày 19-6-1984, đúng 6 năm sau ngày bị bắt, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử công khai Thái Nhữ Siêu về tội hoạt động gián điệp với mức án 20 năm tù giam. Những thế hệ cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị III sau này cho biết, Siêu là một người có tài, đặc biệt là nghề châm cứu. Khi được cơ quan tình báo nước ngoài huấn luyện, chính Siêu cũng đã đề nghị được bổ túc thêm về nghề này. Chuyên án đặc biệt ngày ấy đã trở thành bài học cho mỗi CBCS Phòng An ninh đối ngoại hôm nay, luôn cảnh giác và dựa vào nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình…

Năm 1958, Thái Nhữ Siêu dù là người chỉ biết đọc báo nhưng lại nhận được chỉ thị mật là… phải đi làm báo. Với khả năng luồn lách, Siêu đã trở thành Phó Tổng biên tập tờ Tân Việt Hoa, chuyên phụ trách mảng quốc tế. Nhờ hoạt động trên lĩnh vực báo chí, Siêu được tiếp xúc sâu với xã hội, tận mắt chứng kiến Việt Nam ngày một đổi mới, cuộc đấu tranh cho thống nhất 2 miền Bắc - Nam diễn ra sôi sục trong cả nước. Đã có lúc Siêu cảm thấy cắn rứt lương tâm, lẽ ra phải làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất đã sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn, nhưng không. Siêu đã xây dựng được mạng lưới của riêng mình ở tòa soạn báo, đặc biệt là xây dựng đội ngũ phóng viên để thu thập tin tức đối nội, đối ngoại của Việt Nam …

Lọt tầm ngắm của cơ quan an ninh

Lợi dụng vị trí Phó Tổng biên tập Báo Tân Việt Hoa, Siêu đã cho đăng tải nhiều bài tuyên truyền về học thuyết nước ngoài, gây bất lợi cho đất nước và đường lối lãnh đạo của Đảng, thậm chí đăng cả những câu chuyện bịa đặt miễn sao phục vụ cho mục đích của mình. Cùng với Đinh Lực là Tổng Biên tập, Siêu đã xây dựng một số hoạt động trong “kế hoạch nhuộm màu” với mục tiêu then chốt là tạo ra sự thay đổi trong nội bộ và đường lối của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt chú trọng phát triển các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với con em, người giúp việc của các cán bộ cấp cao.

Những tưởng với vỏ bọc kín đáo, đường lối bài bản ấy, Thái Nhữ Siêu có thể làm được điều mình muốn, nhưng cộng đồng Hoa kiều chân chính đã không cho phép y làm những điều đi ngược lại với lương tâm. Tin tức về Thái Nhữ Siêu đã được Phòng Bảo vệ chính trị III CATP Hà Nội chú ý. Những nghi ngờ về nhân vật này đang có hoạt động gián điệp ngày càng dày lên. Trong đoạn cuối lời khai của Thái Nhữ Siêu tại cơ quan an ninh khi bị bắt vào năm 1978, y đã viết: “Thưa bà phụ trách công tác an ninh và cán bộ xét hỏi, Siêu tôi xin thưa với bà và các cán bộ xét hỏi rằng: tôi đã khai báo toàn bộ sự thật. Tôi còn giấu giếm làm gì nữa khi cấp trên của tôi đã đưa tôi vào “tử lộ”, bỏ rơi tôi một cách không thương tiếc”.

“Bà phụ trách công tác an ninh” mà Siêu nhắc đến chính là đồng chí Tống Thị Hòa, chỉ huy Phòng Bảo vệ chính trị III. Sau này, bà là Phó Chỉ huy Ban An ninh Sở Công an Hà Nội. Người giữ vai trò quan trọng trong vụ án lật tẩy gián điệp Thái Nhữ Siêu sau này đã mất. Nhưng hình ảnh nữ chỉ huy an ninh vẫn còn lưu lại trong ký ức của những thế hệ sĩ quan an ninh Công an Hà Nội lớp sau về sự thông minh, quyết đoán, bản lĩnh không thua kém nam giới trong lĩnh vực phản gián.

Những người tham gia vụ án ngày đó giờ cũng chẳng còn nhiều người. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn nhớ mình đã từng có một thời sôi nổi, theo dõi đối tượng, phân tích đánh giá, viết báo cáo gửi chỉ huy đơn vị trên những mẩu giấy, những tờ lịch và rồi lật tẩy cả đường dây gián điệp hoạt động ở cả 2 miền Bắc - Nam. Để chứng minh được hành vi hoạt động gián điệp là điều vô cùng khó khăn và nhạy cảm. Phòng Bảo vệ chính trị III đã phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, xí nghiệp để vạch mặt những tên gián điệp trong đường dây của Thái Nhữ Siêu.

Trong những ngày đầu bị bắt, cơ quan an ninh đã đưa ra nhiều chứng cứ quan trọng chứng minh Thái Nhữ Siêu là gián điệp, nhưng anh ta ngoan cố không chịu khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. “Tôi chưa chịu khai và bám lấy tất cả những gì xét ra có thể bám được dù chỉ là bèo bọt để trốn tránh tội lỗi, để trông chờ một sự “can thiệp” gì đó, mặc dầu chỉ là mơ hồ và ảo tưởng” - trích lời khai của Thái Nhữ Siêu.

Trả giá

"Cho đến khi chúng tôi đưa cho anh ta bức thư của vợ với nội dung: “Em đã cố gắng bằng mọi cách kể cả hy sinh tấm thân để tìm gặp được “ông bác” của anh, van xin ông ta ra tay cứu anh. Nhưng thật kỳ lạ, trước đây ông ta nhiệt tình là thế mà nay lại tỏ ra rất hững hờ… Anh hãy suy nghĩ kỹ, tự cứu lấy mình, có thức thời mới là người tuấn kiệt”, thì Thái Nhữ Siêu mới bắt đầu có sự thay đổi. Với sự động viên của đồng chí Tống Thị Hòa, đối tượng Thái Nhữ Siêu đã biết thế nào là đúng, sai. Anh ta đã viết bản tự khai một mạch gần dài gần 10 trang giấy, kể lại từ khi cất tiếng khóc chào đời cho tới khi trưởng thành và làm gián điệp cho cơ quan tình báo nước ngoài. Anh ta cũng khai hết về những người liên quan đến đường dây” - Một cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị III nhớ lại.

Ngày 19-6-1984, đúng 6 năm sau ngày bị bắt, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử công khai Thái Nhữ Siêu về tội hoạt động gián điệp với mức án 20 năm tù giam. Những thế hệ cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị III sau này cho biết, Siêu là một người có tài, đặc biệt là nghề châm cứu. Khi được cơ quan tình báo nước ngoài huấn luyện, chính Siêu cũng đã đề nghị được bổ túc thêm về nghề này để nếu mất chức Phó Tổng biên tập Báo Tân Việt Hoa thì còn có nghề tay trái kiếm cơm.

Trong thời gian cải tạo, Siêu được tạo điều kiện không phải lao động mà chủ yếu chỉ châm cứu và dạy nghề cho các phạm nhân. Năm 1998, khi thi hành án xong, ông Siêu về lại ngôi nhà trên phố Quán Thánh tiếp tục hành nghề châm cứu. Thậm chí nhiều cán bộ của Phòng Bảo vệ chính trị III về sau còn đến tận nhà ông ta nhờ chữa bệnh.

Đồng chí Tống Thị Hòa - người chỉ huy phá vụ án và cả bị án Thái Nhữ Siêu đều đã mất, nhưng chuyên án đặc biệt ngày ấy đã trở thành bài học cho mỗi CBCS Phòng An ninh đối ngoại hôm nay, luôn cảnh giác và dựa vào nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình…