Cuộc đấu tranh nghiệt ngã của người nghiện trở thành chủ tàu

ANTĐ - Bị nhiễm trùng rồi viêm tắc động mạch phải lần lượt cắt bỏ cả hai chân. Buồn chán về sức khỏe đâm ra buông xuôi bỏ mặc cho số phận, rồi dính nghiện. Lại tận mắt chứng kiến em trai chết giữa biển khơi. Mọi khổ đau, bất hạnh dồn dập đến với mình, nhưng cũng chính từ những mất mát đó mà  anh Lê Văn Xuân đã biết quay đầu lại bám biển làm giàu, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Bao năm qua, người vợ chủ tàu tật nguyền luôn là đôi chân để chồng ra khơi

Bỗng chốc thành người tàn phế

Anh Xuân sinh năm 1962, là con trai thứ 3 trong một gia đình ngư dân có 8 anh em ở khối Hồng Hải, xã Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Giống như bao chàng trai miền biển khác, từ nhỏ cậu bé Lê Văn Xuân đã quen với cái vị mặn mòi biển cả. Lên 14 tuổi, Xuân đã được bố cho vươn khơi. Quen vị mặn của biển một thời gian, khi tròn 18 tuổi, chàng trai Lê Văn Xuân chuyển vào hợp tác xã tàu biển Hồng Hải và làm thợ máy. Trong một lần ra khơi, thuyền bị hỏng máy nên Xuân bước xuống khoang chứa máy móc để kiểm tra, chân anh chẳng may dẫm vào một chiếc đinh lâu ngày bị ô xi hóa.

Vì cứ nghĩ rằng chỉ là vết thương nhẹ nên Xuân chủ quan, vẫn cứ tiếp tục ra khơi. Không ngờ, vết thương ở càng ngày càng nặng rồi bị nhiễm trùng, Xuân được đưa ra Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập điều trị. Nằm viện suốt 6 tháng trời nhưng không khỏi, bàn chân của Xuân bị đen bầm và tới năm 1986 phải cắt chân tới sát đầu gối.

Từ một người lành lặn, lại là trụ cột gia đình bỗng chốc thành người tàn phế, với Xuân đó là một nỗi đau đớn khó diễn tả bằng lời. Hằng ngày, anh phải tự đứng lên trên chiếc nạng gỗ. Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó, Xuân còn bị viêm tắc động mạch, hay đau nhức khắp cơ thể.  Nhưng lúc cơn đau quằn quại, anh đã phải dùng loại thuốc giảm đau có chất gây nghiện. Không chỉ vậy, Xuân còn tiết lộ, ngày ấy người dân vùng biển hầu như nhà nào cũng có một lượng thuốc phiện to bằng cái chén phòng khi ốm đau. Nhà Xuân cũng vậy. Mỗi lần lên cơn đau nhức, Xuân thường dùng tới thuốc phiện. Cứ như vậy, anh nghiện từ lúc nào không hay.

Từ khi Xuân nghiện ngập, gia đình kiệt quệ. Nhìn vợ con nheo nhóc, Xuân càng thương và anh quyết tâm cai nghiện tại nhà. Những lúc lên cơn, anh thường bảo vợ con trói mình lại và cấu véo khắp nơi trên cơ thể. Bao lần thèm thuốc là bấy nhiêu lần bị hành hạ vật vã nhưng anh vẫn quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Và rồi, nỗ lực của anh cũng được đền đáp: cai nghiện thành công.

Máu khó lưu thông, chân còn lại của Xuân bị teo tóp và cuối cùng cũng phải cắt bỏ vào năm 1991. Những ngày đầu mất cả đôi chân, với Xuân đó thật là khó khăn, cực nhọc. Không còn đôi bàn chân để di chuyển, Xuân gắng tập đi bằng được trên 2 đầu gối. Thời gian đầu tập đi, hai đầu gối của anh tứa máu nhưng anh không bị khuất phục. Từ chỗ chỉ lê đầu gối là ngã dúi dụi cuối cùng, Xuân đã tự đứng lên trên đôi đầu gối của mình và di chuyển được. 

Làm lại từ đầu

Gượng dậy khi gia tài khánh kiệt và đôi chân cụt, Xuân thấy mình thật có lỗi với vợ con. Anh quyết tâm làm lại từ đầu. Lúc ấy, ngư dân tật nguyền quyết định vay mượn và cùng anh em góp vốn đóng tàu nhưng suy đi tính lại, Xuân quyết tâm sắm luôn tàu riêng với giá 85 triệu đồng. Thời đó, đấy là một số tiền không nhỏ mà khó khăn lắm anh mới chạy vạy để vay mượn được. Thấy Xuân tàn tật sắm tàu quyết ra khơi, người dân xung quanh cảng biển Hồng Hải bán tín, bán nghi. Liệu người đàn ông đi đâu phải nhờ vợ cõng ấy làm được gì giữa muôn trùng sóng bể?  Nhưng Xuân đã làm được điều tưởng chừng như không thể. 

Ba năm đầu với chiếc tàu mới và bằng kinh nghiệm của một người hàng chục năm trời đi biển, chủ tàu Lê Văn Xuân làm ăn phát đạt. Hầu như chuyến ra khơi nào, anh cũng trúng quả và trang trải hết nợ nần. Những chuyến tàu ra khơi được 4 năm, Xuân nghiện trở lại và đành phải bán tàu với giá bèo 18 triệu đồng, bán lưới được 30 triệu, tổng cộng anh thu về 46 triệu đồng và lại thêm những tháng ngày bê tha, điêu đứng vì ma túy. Những lúc ấy Xuân mới thấm thía đến tận xương tủy vì những cơn nghiện hành hạ. Anh đã làm khổ không chỉ chính mình mà cả chính vợ con mình. Đoạn tuyệt được với ma túy không hề đơn giản nhưng không còn con đường nào khác.

Xuân bàn với vợ thuê luôn cả thầy thuốc về nhà nhằm giúp anh chữa dứt cơn đau. Suốt ba tháng trời, Xuân thấy rằng khi lên cơn đau, thầy thuốc được thuê về nhà chỉ tiêm thuốc cho thì mới đỡ. Bán tín bán nghi, Xuân bảo vợ con xem vỏ thuốc ông ta tiêm cho mình mới biết ông thầy thuốc chỉ dùng thuốc giảm đau. Biết mình bị lừa, anh đuổi “thầy thuốc rởm” đi và tự cai. Thời gian này, Xuân vẫn nghĩ về biển khơi. Và đầu năm 2000, anh cùng em trai thứ 6 hùn vốn mua và hoàn thiện con tàu 72 mã lực với giá 100 triệu đồng. Có tàu mới, vài chuyến làm ăn thuận lợi thì trong một lần ra khơi, tai họa giáng xuống gia đình khi người em trai của anh đã một đi không về. “Khi ấy sóng to, gió lớn lắm, tui đang cầm tay lái, em trai tui đang đứng ở mạn tàu chưa kịp vào trong thì chẳng may bị đẩy xuống biển, vì tính mạng của anh em trên tàu mà tui đành bất lực nhìn em mình bị sóng cuốn trôi”.  

Buồn bã, thấy cô đơn, năm 2002, Xuân dứt hẳn “nàng tiên nâu” và tự nhủ mình sẽ chăm chỉ làm việc thêm cả phần người em trai xấu số. Dù căn bệnh viêm tắc động mạch vẫn không dứt nhưng từ đó đến nay, Xuân không bao giờ dùng ma túy nữa.

Quyết tâm bám biển

Năm 2009, nhờ làm ăn thắng lợi nên Lê Văn Xuân đã bán tàu cũ và sắm cho mình chiếc tàu mới trị giá 1,7 tỷ đồng với công suất 200 mã lực. Một năm, tàu của anh có khoảng 20-25 chuyến ra khơi. Người chủ tàu ấy kể rằng, suốt hàng chục năm trời, anh chẳng được đón giao thừa bên vợ con. Nghĩ cũng buồn nhưng vì miếng cơm manh áo, phải dấn thân. Nói rồi anh bảo vợ, con lấy xe máy chở mình ra cảng biển, nơi có con tàu mang số hiệu NA TS 94009 đang nghỉ ngơi sau hải trình dài vất vả. Vừa đến đầu cảng, như thường lệ vợ anh Xuân lại ghé lưng vào cõng chồng lên thuyền. Thấy cảnh vợ cõng chồng bước đi thoăn thoắt trên bãi cát trắng phau lô nhô sò, huyết, người ta không khỏi thán phục đức hi sinh, tảo tần của người vợ chủ tàu. “Anh ấy đã bệnh tật mà vẫn gắng theo nghề, là người vợ như tui thì cũng chỉ biết động viên, an ủi chồng mình chứ làm răng được. Cứ mỗi lần anh ấy ra khơi, tui ở nhà cũng mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cho chồng, chỉ đến khi tàu cập bến mới có thể thở phào nhẹ nhõm”, vợ anh Xuân tâm sự.

Người vợ chủ tàu tật nguyền không lo sao được vì mỗi khi trái gió trở trời, bệnh viêm tắc động mạch vẫn hành hạ Xuân. Anh cho biết, vào mùa rét, máu trong cơ thể không lưu thông được nên đầu các ngón tay của bị ăn mòn dần, đến hè mới “hồi sinh” trở lại. Tuy nhìn chủ tàu đi lại một cách lanh lợi cùng nước da ngăm khỏe khoắn nhưng vợ anh tiết lộ cứ đến mùa lạnh, chị lại phải đưa chồng ra tận Hà Nội điều trị và lấy thuốc chữa bệnh. “Nhiều lúc trời lạnh đi không được, chán và muốn bỏ nghề nhưng vì nghĩ đến vợ con cùng gia đình các thuyền viên của mình ở nhà đói khổ nên lại tiếp tục ra khơi”, anh Xuân vừa nhâm nhi cốc bia với con mực nướng, vừa nói đến “cái duyên” ràng buộc anh gắn bó với biển khơi.

Đến nay, không những trang trải hết nợ nần, xây được nhà cửa khang trang, chủ tàu tật nguyền còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 thuyền viên làm việc thường xuyên với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Nghĩ lại những ngày tháng cơ cực, bần hàn ấy người chủ tàu lại ngậm ngùi nhớ đến người con gái xấu số: “Nếu gia cảnh không khó khăn, túng bấn vất vả thì con gái của tui mô phải đi làm ăn xa rồi bị tai nạn qua đời ở Sài Gòn. Nhưng thôi, đời người mà, âu cũng là cái số”.