Cuộc đấu quyền lực trên chính trường Kyrgystan

ANTD.VN - Hãng thông tấn Interfax (Nga) và các phương tiện truyền thông đưa tin, ngày 8-8, cựu Tổng thống Kyrgystan Almazbek Atambayev đã bị bắt tại nhà riêng (làng Koi-Tash gần Thủ đô Bishkek). Trước đó 1 ngày, cảnh sát đã nỗ lực thực hiện việc này nhưng thất bại do vấp phải sự chống trả quyết liệt của những người ủng hộ vị cựu Tổng thống.

Cuộc đấu quyền lực trên chính trường Kyrgystan ảnh 1Lực lượng thực thi pháp luật Kyrgystan triển khai bên ngoài nhà riêng của cựu Tổng thống Almazbek Atambayev

Chống cảnh sát hay bảo vệ cựu Tổng thống? 

Một đội đặc nhiệm thuộc Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan (GKNB) ngày 7-8 được lệnh đột kích nhà riêng của Atambayev để bắt ông với cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, do chỉ mang theo súng bắn đạn cao su và công cụ hỗ trợ nên khi đột nhập vào nhà ông Atambayev, họ vấp phải sự chống trả dữ dội của nhóm vệ sĩ và những người ủng hộ cựu Tổng thống. Những người này đã bắn đạn thật vào nhóm đặc nhiệm khiến một số lính bị thương, trong đó có một sĩ quan chết tại bệnh viện. Ngoài ra còn có 80 người khác cũng bị thương trong vụ đụng độ.

Truyền thông địa phương đưa tin, nhóm bảo vệ của ông Atambayev (ước tính có khoảng 1.000 người) trong ngày đầu tiên đã đẩy lùi được lực lượng đột kích. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy, khi đêm xuống họ phong tỏa mọi con đường quanh nhà riêng vị cựu Tổng thống. Tuy nhiên, đến cuối ngày 8-8, ông Atambayev đã ra hàng và được trực thăng đưa về Thủ đô Bishkek.

Ông Atambayev đảm nhiệm cương vị Tổng thống Kyrgyzstan nhiệm kỳ 2011-2017 trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm là ông Sooronbai Jeenbekov. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo được bầu chọn của Kyrgystan hết nhiệm kỳ mà không bị lật đổ. Phủ Tổng thống cũng thông tin, ông Jeenbekov đã rút ngắn kỳ nghỉ để trở về Bishkek, đồng thời triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia vào sáng 8-8. Hãng tin AP cho hay, ông Atambayev thừa nhận đã bắn nhiều phát súng trong vụ bắt giữ hôm 7-8, nhưng cố gắng “không bắn trúng người”. Tổng thống Jeenbekov nói trước phiên họp khẩn cấp của Quốc hội rằng, ông Atambayev sẽ phải đối mặt với cáo buộc bắn vào cảnh sát.

Rủi ro khi tham gia chính trường

Giới quan sát cho biết, quan hệ giữa 2 người xấu đi từ năm ngoái khi Tổng thống Jeenbekov bắt đầu có lập trường chống lại người tiền nhiệm. Sau cuộc chuyển giao quyền lực khá êm thấm, vấn đề nảy sinh khi ông Atambayev từ chối lặng lẽ lùi vào hậu trường và ông Jeenbekov tỏ ra miễn cưỡng chia sẻ quyền lực. Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền có dấu hiệu rạn nứt, các đồng minh của ông Atambayev vốn giữ ghế trong chính phủ đã bị sa thải, các cáo buộc lẫn nhau về tội tham nhũng nổi lên. Vào tháng 6-2019, Quốc hội đã tước bỏ các quyền miễn trừ của cựu Tổng thống, đây rõ ràng là một động thái nhằm vào ông Atambayev. Bị coi là nhân chứng của một số vụ án hình sự, nhưng vị cựu lãnh đạo lại từ chối có mặt tại cơ quan chức trách để thẩm vấn. Và như giọt nước tràn ly, cuối cùng thì bạo lực đã nổ ra.

Thời kỳ hậu Xô Viết, Kyrgyzstan vẫn là một quốc gia nghèo với 6 triệu dân có biên giới với Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc. Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ với Nga, trong 13 năm, Kyrgystan đã cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự ở sân bay quốc tế Manas (gần Bishkek), nơi được sử dụng để tiếp tế cho các lực lượng Mỹ tham chiến tại Afghanistan. Sau này, Mỹ đã trao trả lại căn cứ cho quân đội Kyrgystan vào tháng 6-2014.

Tổng thống đương nhiệm Jeenbekov dường như chiếm thế thượng phong vì hiện tại quân đội, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm vẫn đứng về phía ông. Nhưng vấn đề lớn hơn không phải ai là người giành chiến thắng ở Kyrgyzstan, một trong 50 quốc gia nghèo nhất thế giới, mà là liệu có nhà lãnh đạo thời hậu Xô Viết nào có thể rời chiếc ghế quyền lực một cách an toàn sau bầu cử hay không? Một sự chuyển giao quyền lực hòa bình, dân chủ (hoặc ít nhất là tương đối dân chủ) không phải là tất cả. Một người từ bỏ quyền lãnh đạo sẽ gặp nguy hiểm nếu ông ta tiếp tục tham gia chính trường, bởi ai cũng có thể mắc phải sai lầm trong thời gian cầm quyền.

Đó cũng là một câu hỏi mà cựu Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko tự vấn mình khi thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 4-2019 trước cựu danh hài Volodymyr Zelenskiy. Cuối tháng trước, Roman Truba - người đứng đầu Cục Điều tra quốc gia Ukraine cho biết, nhà cựu lãnh đạo liên quan đến 11 vụ án hình sự, chủ yếu là án tham nhũng.

Vấn đề lớn hơn không phải ai là người giành chiến thắng ở Kyrgyzstan, một trong 50 quốc gia nghèo nhất thế giới, mà là liệu có nhà lãnh đạo thời hậu Xô Viết nào có thể rời chiếc ghế quyền lực một cách an toàn sau bầu cử hay không? Một sự chuyển giao quyền lực hòa bình, dân chủ (hoặc ít nhất là tương đối dân chủ) không phải là tất cả. Một người từ bỏ quyền lãnh đạo sẽ gặp nguy hiểm nếu ông ta tiếp tục tham gia chính trường, bởi ai cũng có thể mắc phải sai lầm trong thời gian cầm quyền.